Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo đó, vụ án liên quan đến Công ty Alibaba đã được đề cập trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, do chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày.
Ông Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Trong đó báo cáo chỉ rõ "vụ án lừa đảo đa cấp bất động sản tại Công ty Alibaba" là điển hình.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM đã kiểm tra, khám xét và bắt chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Alibaba.
Trụ sở Công ty Alibaba - Ảnh: TTO
Tại báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn tình trạng giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Một số trường hợp đầu cơ, thao túng diễn ra trên thị trường chứng khoán và tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản lý và các hộ dân tại một số chung cư.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ việc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với giai đoạn 2016-2018 và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Vốn giải ngân làm một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn còn nhiều vướng mắc.
Về môi trường kinh doanh, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận dù điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra nhưng điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.
"Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các DN tiếp tục phản ảnh, kiến nghị về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn và không rõ ràng giữa các quy định", ông Thanh nhấn mạnh.
Người dân Hà Nội chỉ cách đây mấy ngày đã phải khốn khổ lo nước sạch khi nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Dân đề nghị làm rõ tình trạng ô nhiễm, bụi mịn, nước bẩn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
"Có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vào các nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương.
Nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh", ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Ông Thanh chỉ ra các lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ công bố thông tin.
Các cơ quan chưa cũng chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân. Việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc cho dân.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ: 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính là 1.057 tỉ đồng.
Báo cáo nêu hai vụ lớn điển hình là vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, thiệt hại 150 tỉ đồng và gây ô nhiễm môi trường, và vụ việc nguồn nước do Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà cấp cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội bị ô nhiễm, có hàm lượng chất Styren có nguồn gốc từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép 1,3-3,65 lần.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo - Ảnh: NGỌC HIỂN
Cũng trong sáng 21-10, chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp từ hơn 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, cũng cho thấy sự quan tâm của người dân đối với tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục, mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM gây nguy hại đến sức khỏe…
"Cử tri kiến nghị việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của cử trí cũng đề nghị phải thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh", ông Mẫn nhấn mạnh.
Cử tri lo lắng trước tình trạng hàng giả, không rõ xuất xứ
Theo ông Trần Thanh Mẫn, công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua được tăng cường. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận