Liên quan đến vụ án cô giáo Dung (Lê Thị Dung) bị tuyên 5 năm tù do chiếm đoạt 45 triệu đồng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh Nghệ An tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm chưa đánh giá hết vai trò của bị cáo Lê Thị Dung trong vụ án.
Bà Lê Thị Dung có hành vi sai phạm khi làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bà Dung bị xét xử về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cô giáo Dung làm thiệt hại 278 triệu đồng?
Theo đó, quyết định kháng nghị phân tích: Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Thị Dung, cấp sơ thẩm xác định từ năm 2012 đến 2017, Lê Thị Dung đã tự kê khai để thanh toán những nội dung sai quy định với tổng số tiền là 103 triệu đồng.
Trong phần thanh toán sai này có các nội dung thù lao bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn, kiểm tra... đã được thanh toán nhưng Lê Thị Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ. Việc thanh toán như vậy là thanh toán trùng (thanh toán lần 2) cho cùng một nội dung với số tiền 48 triệu đồng.
Ngoài ra Lê Thị Dung trực tiếp kiểm tra, ký duyệt, đồng ý cho các cán bộ giáo viên khác thanh toán tiền thừa giờ không có trong quy định tại thông tư số 28 năm 2009 của Bộ GD-ĐT với tổng số tiền hơn 175 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương là kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên đã phát hiện một số nội dung kê khai không đúng quy định của pháp luật, nhưng không tố cáo. Do là cấp dưới của Lê Thị Dung mà cả nể nên đã làm các thủ tục, chứng từ để thanh toán.
Kháng nghị cho rằng các khoản tiền nêu trên qua giám định tài chính đều xác định thiệt hại cho ngân sách Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Tuy nhiên khi đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, bản án sơ thẩm của tòa án Hưng Nguyên lại xác định: "Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao của Lê Thị Dung là giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã nhiều lần (trong đó có hai lần, mỗi lần trên 10 triệu đồng vào các năm học 2014-2015, 2015-2016) chiếm đoạt tài sản từ nguồn ngân sách với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng".
Cạnh đó, Nguyễn Thị Hương đã nhiều lần giúp sức cho Lê Thị Dung nên hành vi của cả hai đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điểm b, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên cũng nhận định: bị cáo Lê Thị Dung đã tự kê khai và một số giáo viên khác cũng tự kê khai quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học; bị cáo Dung đã ký, duyệt chi thanh toán không đúng quy định của Nhà nước số tiền của bản thân là 103 triệu đồng và các giáo viên khác là 175 triệu đồng.
Quy chế chi tiêu nội bộ có trái pháp luật?
Từ phân tích như trên, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đánh giá tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định rõ được trách nhiệm đầy đủ của Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương đối với số tiền đã chi cho bị cáo Dung là 103 triệu đồng, chi cho các thầy cô giáo khác 175 triệu đồng.
Số tiền này qua giám định tài chính đã được xác định là thiệt hại trong vụ án.
Ngoài nội dung liên quan đến việc số tiền thiệt hại trong vụ án và dấu hiệu của loại tội phạm khác, kháng nghị còn cho rằng các giám định chưa xác định được quy chế chi tiêu nội bộ có trái pháp luật không.
Cụ thể, kháng nghị nêu rõ quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, cơ quan cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định, trưng cầu giám định bổ sung và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên có văn bản yêu cầu cơ quan giám định làm rõ một số nội dung...
Nhưng tất cả các bản này đều chưa thể hiện rõ về quy chế chi tiêu nội bộ do bà Dung ký từ 2012-2017 có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực không.
Do đó, viện kiểm sát cho rằng việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của các bị cáo gây ra cần bảo đảm sự chính xác và thống nhất về số liệu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy nên, viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Có thêm dấu hiệu của tội phạm khác?
Viện kiểm sát Nghệ An cũng cho rằng đối với khoản tiền 48 triệu đồng (nằm trong tổng số tiền 103 triệu đồng bị cáo Dung lập chứng từ thanh toán), cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Dung "chiếm đoạt". Nhưng án sơ thẩm chưa làm rõ được hành vi của bị cáo Lê Thị Dung làm trái công vụ, nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt là cấu thành của tội phạm khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận