04/05/2023 08:54 GMT+7

Vụ cô giáo lãnh 5 năm tù vì chiếm đoạt 45 triệu đồng: Bản án áp dụng sai pháp luật?

Cô giáo Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm, lãnh 5 năm tù. Dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với mức án tòa đã tuyên.

Vụ cô giáo lãnh 5 năm tù vì chiếm đoạt 45 triệu đồng: Bản án áp dụng sai pháp luật? - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Dung lúc bị bắt - Ảnh: N.Thắng

Mới đây TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù cho bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm.

Sau khi thông tin về vụ án được đăng tải, dư luận đã có nhiều phản ứng, trong đó có những ý kiến không đồng tình với mức án tòa đã tuyên.

"Hội đồng xét xử áp dụng sai luật"

Theo cáo trạng, từ ngày 1-10-2012 đến năm 2017, bà Dung - khi đó là bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) - đã nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.

Cũng theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật. Một số khoản thanh toán hai lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán…

Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách theo cáo trạng là 48,3 triệu đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, viện kiểm sát đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng.

Viện kiểm sát cho rằng do bà Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù. Sau đó bà Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên.

Bình luận về bản án này, tiến sĩ Vũ Văn Tính - giảng viên khoa pháp luật của Học viện Hành chính quốc gia - cho rằng hội đồng xét xử đã áp dụng sai pháp luật. Theo ông Tính, dù không được tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ vụ án, nhưng đọc qua bản cáo trạng (và đặt giả thiết các hành vi của cô giáo Dung bị truy tố là đúng, số tiền cô Dung chiếm đoạt là đúng) thì ông vẫn nhận thấy hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật.

Cáo trạng thể hiện: "Từ ngày 1-10-2012 đến năm 2017, Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền 48 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Trong năm học 2011 - 2012, cô Dung chiếm đoạt 3,3 triệu đồng, năm học 2013 - 2014 chiếm đoạt 303.000 đồng, năm học 2014 - 2015 chiếm đoạt số tiền 30,9 triệu đồng. Và trong năm 2015 - 2016 chiếm đoạt số tiền 13,8 triệu đồng".

Cáo trạng xác định bà Dung đã hai lần gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước cấp cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên 10 triệu đồng, từ đó kết luận bà phạm vào tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với tình tiết phạm tội hai lần trở lên quy định điểm b khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS). TAND huyện Hưng Nguyên cũng căn cứ vào tình tiết đó tuyên xử bà Dung 5 năm tù giam.

"Tòa án áp dụng khung hình phạt trái với quy định của pháp luật và tòa án xác định mức hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi. Từ đó dẫn đến việc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã xác định khung hình phạt trái với quy định của pháp luật và nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao", tiến sĩ Vũ Văn Tính khẳng định.

Ông Tính phân tích theo quy định tại điều 8 của nghị quyết 03 thì chỉ khi nào "tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng" (khoản 2 của điều luật) thì tòa án mới được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng (tức phạm tội hai lần trở lên). Còn nếu "tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng khác" (từ khoản 3 trở lên) thì tòa án phải áp dụng "tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự" ("phạm tội hai lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 điều 52 của BLHS).

Như vậy trong trường hợp bà Dung, để có thể áp dụng điểm b khoản 2 điều 356 của BLHS thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện: bà Dung thực hiện hành vi phạm tội hai lần trở lên và tổng số tiền bà Dung gây thiệt hại phải từ 200 triệu đến dưới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy chỉ điều kiện thứ nhất thỏa mãn, còn điều kiện thứ hai không thỏa mãn vì số tiền bà Dung gây thiệt hại chỉ hơn 45 triệu đồng.

Vì vậy không thể áp dụng điểm b khoản 2 điều 356 của BLHS để định tội cho bà Dung.

Mức án "thiếu nhân văn"

Tiến sĩ Vũ Văn Tính cho rằng theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tòa án quyết định hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. "Cho nên tòa án không thể áp dụng điểm b khoản 2 điều 356 BLHS để xử phạt cô Dung được, mà phải áp dụng khoản 1 điều 356 BLHS. Khung hình phạt quy định tại khoản 1 điều 356 BLHS cho thấy nếu gây thiệt hại từ 10 triệu đến dưới 200 triệu thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", ông Tính nói.

Cùng quan điểm với ông Tính về việc áp dụng pháp luật trong vụ án này, một thẩm phán có kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự tại TP.HCM cũng cho rằng hội đồng xét xử của TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã áp dụng không đúng quy định của nghị quyết số 03. Từ việc áp dụng không đúng pháp luật này nên hội đồng xét xử đã áp dụng hình phạt không đúng, dẫn đến một bản án thiếu nhân văn, không tương xứng với mức độ và hành vi phạm tội.

Vị thẩm phán trên cũng cho rằng cáo trạng ghi nhận việc bà Dung có nhiều thành tích trong công tác và ngay bản cáo trạng cũng ghi nhận bà Dung không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do vậy bản án cần phải được xem xét, đánh giá kỹ ở phiên tòa phúc thẩm.

Nghị quyết 03/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, tại điều 8 có quy định: "Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại, họ còn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

a) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại thuộc khoản 2 của điều luật tương ứng thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng "phạm tội hai lần trở lên".

b) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ nhận hoặc tài sản thiệt hại thuộc khung hình phạt tăng nặng khác thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội hai lần trở lên".

Vụ cô giáo lãnh 5 năm tù vì chiếm đoạt 45 triệu đồng: Bản án áp dụng sai pháp luật? - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Dung lúc đương chức - Ảnh: CTV

Bộ GD-ĐT trao đổi với tỉnh Nghệ An về vụ án

Liên quan việc bà Lê Thị Dung bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết: "Qua các nguồn tin, Bộ GD-ĐT đã nắm được sự việc và đã trao đổi trực tiếp với UBND tỉnh Nghệ An. Bộ GD-ĐT mong muốn cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, đảm bảo xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Không để xảy ra oan, sai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung và nhà giáo nói riêng. Đồng thời cũng thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa".

Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết đến nay sở chưa nhận được ý kiến, văn bản từ Bộ GD-ĐT liên quan đến vụ việc bà Dung. Do hiện vụ án đã được đưa ra xét xử nên về quy trình, thẩm quyền xử lý thuộc tòa án, cơ quan tố tụng.

Vào năm 2021 và 2022, trong quá trình điều tra vụ án, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có hai công văn phúc đáp Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên.

Trong quá trình quản lý, Sở GD-ĐT Nghệ An không nhận được văn bản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên xin ý kiến về việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công của đơn vị, cũng như không nhận được quy chế này của đơn vị sau khi ban hành. Vì thế, Sở GD-ĐT cũng không có các văn bản nào ý kiến đối với quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản của trung tâm.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến tháng 5-2017 (thời điểm bàn giao Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về huyện quản lý), Sở GD-ĐT Nghệ An không thanh tra hành chính và từ tháng 6-2017 đến năm 2022 không thanh tra chuyên ngành đối với trung tâm.

VĨNH HÀ - DOÃN HÒA

Bộ GD-ĐT nói gì vụ nguyên giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên bị phạt 5 năm tù?Bộ GD-ĐT nói gì vụ nguyên giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên bị phạt 5 năm tù?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi trực tiếp với UBND tỉnh Nghệ An liên quan vụ án nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên lãnh 5 năm tù.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên