30/12/2022 19:11 GMT+7

Vụ Alibaba: Cùng mua đất, vì sao người được trả tiền, người được trả đất?

Chiều 30-12, hội đồng xét xử đã tuyên xong phần trách nhiệm bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ Alibaba. Trong số hàng ngàn khách hàng mua đất dự án của Alibaba có người được trả đất, có người được bồi thường tiền. Tại sao?

Vụ Alibaba: Cùng mua đất, vì sao người được trả tiền, người được trả đất? - Ảnh 1.

Các bị cáo vụ án Alibaba trong phiên tòa ngày 30-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

23 bị cáo phạm tội, nhưng chỉ 2 người chịu trách nhiệm bồi thường

Trong phần nhận định của bản án, hội đồng xét xử cho rằng mỗi bị cáo đều là một mắt xích quan trọng của quá trình phạm tội. Hội đồng xét xử cũng đã xác định hành vi của từng bị cáo đã giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Đồng thời, qua xét hỏi công khai tại phiên tòa cùng các hồ sơ thu thập được cho thấy Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Alibaba, là người chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân có liên quan từ giai đoạn định hướng vị trí đất, thỏa thuận giá cả, chọn người đứng tên nhận chuyển nhượng đến thiết kế vẽ đồ họa, duyệt sơ đồ phân lô, quyết định giá bán mỗi nền đất của từng dự án cũng như quyết định người đứng ra ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bị hại. 

Trong vòng hơn 3 năm, kể từ khi thành lập đến ngày khởi tố vụ án 13-9-2019, Công ty Alibaba triển khai bán đất nền trên 58 dự án cho 4.548 bị hại, chiếm đoạt tổng số tiền 2.446 tỉ đồng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo là nhân viên dưới quyền của Nguyễn Thái Luyện trình bày phù hợp với khai nhận của bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, giám đốc tài chính Công ty Alibaba), xác định toàn bộ số tiền chiếm đoạt do các bị hại nộp trực tiếp về bộ phận kế toán Công ty Alibaba hoặc thông qua tài khoản cá nhân của Mai mở tại các ngân hàng. 

Toàn bộ số tiền này do bị cáo Mai quản lý, sử dụng theo yêu cầu của bị cáo Luyện. Do đó, hội đồng xét xử tuyên buộc hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Luyện phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc bồi thường cho các bị hại trong vụ án.

Vụ Alibaba: Cùng mua đất, vì sao người được trả tiền, người được trả đất? - Ảnh 2.

Một số người theo dõi phiên tòa Alibaba ngày 30-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cùng mua dự án, người được trả tiền, người được nhận đất?

Trong vụ án này, hội đồng xét xử đã xác định một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan được giải tỏa kê biên những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số người được tiếp tục thực hiện hợp đồng và nhận đất sử dụng.

Trong bản án, hội đồng xét xử xác định, những khách hàng nào đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các cá nhân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cụ thể là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và Trịnh Minh Pháp) và đã công chứng hợp đồng, người mua cũng đã chuyển số tiền từ 50% đến 100% giá trị hợp đồng thì được tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Lý giải về vấn đề này, hội đồng xét xử phân tích đối tượng hợp đồng (các thửa đất) đã có sẵn, các thửa đất đã được tách phù hợp giữa thực tế và nội dung trong hợp đồng. Đồng thời, các khách hàng này có nhu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng nên hội đồng xét xử xác định đây là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án và giải tỏa kê biên các thửa đất để các khách hàng tiếp tục thưc hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc nộp thuế để sang nhượng đất.

Còn lại, số khách hàng là 4.548 đã mua đất nền của 58 dự án không có thật của Alibaba đều được xác định là bị hại.

Cụ thể, hội đồng xét xử cho biết đã nhận được yêu cầu của 4.548 bị hại đề nghị tòa án buộc Nguyễn Thái Luyện bồi thường lại tiền mua đất đã nộp cho Công ty Alibaba, lợi ích nhận được từ các hợp đồng quyền chọn và lãi suất trên số tiền đã nộp.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử đánh giá rằng, trong các hợp đồng đã ký với các bị hại, Nguyễn Thái Luyện đã dùng sáu quyền chọn để thu hút người dân mua đất dự án do Luyện vẽ ra: thuê lại đất với giá 2%/tháng trên giá chuyển nhượng; thuê lại đất với giá 1%/tháng trên giá chuyển nhượng và thu lại lợi nhuận 18%/năm sau 12 tháng; mua lại với chênh lệch 30% sau 12 tháng; mua lại với chênh lệch 35% sau 12 tháng; mua lại với chênh lệch 70% sau 24 tháng; thanh toán 50%, góp 3 triệu đồng/tháng, giữ đất.

Hội đồng xét xử nhận định các hợp đồng quyền chọn không phải giao dịch dân sự thông thường, mà là một trong những thủ đoạn gian dối nhằm cho các bị hại tin tưởng và nộp tiền để Luyện chiếm đoạt.

Theo đó, số tiền bị chiếm đoạt được xác định là số tiền các bị hại thực tế nộp cho Công ty Alibaba sau khi đã khấu trừ các lợi ích từ hợp đồng quyền chọn đã được nhận. Do đó, hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu bồi thường tiền lãi suất cũng như lợi nhuận từ hợp đồng quyền chọn.

Dành quyền khởi kiện cho các bị hại khác

Ngoài việc tuyên các nội dung trên, bản án cũng dành quyền kiện bằng vụ án dân sự khác cho các khách hàng đã đầu tư, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến các bị cáo nhưng chưa được xác định là bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Vụ Alibaba: Kiến nghị công an làm rõ nhiều nội dung Vụ Alibaba: Kiến nghị công an làm rõ nhiều nội dung

Ngày 30-12, trong phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục tuyên án đối với phần trách nhiệm dân sự với 4.548 bị hại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên