30/12/2022 10:42 GMT+7

Vụ Alibaba: Kiến nghị công an làm rõ nhiều nội dung

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

Ngày 30-12, trong phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục tuyên án đối với phần trách nhiệm dân sự với 4.548 bị hại.

Vụ Alibaba: Kiến nghị công an làm rõ nhiều nội dung - Ảnh 1.

Nguyễn Thái Luyện và em ruột Nguyễn Thái Lĩnh (trái) tại phiên tòa vụ Alibaba ngày 30-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài phần liên quan đến trách nhiệm hình sự và dân sự, HĐXX còn kiến nghị công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ quy trình và vai trò của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương trong việc chấp nhận cho việc hợp, tách hàng loạt thửa đất trong vụ án này. 

Nếu có sai phạm, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan đến việc chuyển nhượng đất lúa

Một trong những vấn đề nổi cộm trong vụ án dẫn đến việc sai phạm xảy ra trên quy mô rộng đó chính là vấn đề chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trong vụ án này, đã có hàng triệu mét vuông đất nông nghiệp được chuyển nhượng cho cá nhân để làm dự án không có thật.

Theo hồ sơ xác minh, bị cáo Trịnh Minh Pháp (giám đốc Công ty 108) có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 5, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và tạm trú tại số 41 Hùng Vương, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. 

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến trước khi bị bắt, Trịnh Minh Pháp làm nhân viên kinh doanh bất động sản của Công ty Alibaba ở trụ sở 120 - 122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Ngày 25-12-2018, ông Đỗ Tấn Chiến - phó chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; và ngày 18-1-2019, ông Dương Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - lại xác nhận Trịnh Minh Pháp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. 

Chính từ các văn bản trên, Trịnh Minh Pháp đã đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lập khống nhiều dự án đất ở bán cho người dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn.

Tương tự, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em ruột bị cáo Luyện) cũng có hành vi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Tổng cộng, Nguyễn Thái Lĩnh, Trịnh Minh Pháp và Nguyễn Thái Lực đã nhận chuyển nhượng 89.233m2 đất trồng lúa tại tỉnh Đồng Nai và 6.317m2 đất trồng lúa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vi phạm điều 179 và điều 191 Luật đất đai năm 2013.

Do đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Kiến nghị làm rõ việc giám đốc tài chính đưa tiền cho ai

Trong vụ án này, ngoài tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà HĐXX đã tuyên các mức án đối với các bị cáo, còn có 3 bị cáo bị tuyên án cho tội rửa tiền với số tiền 13 tỉ đồng. 

Về 13 tỉ đồng này, HĐXX xác định rõ tội danh cho các bị cáo Võ Thị Thanh Mai - giám đốc tài chính, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng - kế toán trưởng Công ty Alibaba, bị cáo Nguyễn Thái Lực - trợ lý cho Nguyễn Thái Luyện.

Vụ Alibaba: Kiến nghị công an làm rõ nhiều nội dung - Ảnh 2.

Phiên tòa tiếp tục phần tuyên án với các bị cáo trong vụ Alibaba sáng 30-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cụ thể, sau khi khởi tố vụ án, ngày 18-9-2019, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khám xét, thu giữ toàn bộ tài sản của Công ty Alibaba trước sự chứng kiến của Võ Thị Thanh Mai và Huỳnh Thị Kim Thắng. Mai còn gọi điện thoại cho Lực yêu cầu về công ty để mở két sắt. 

Như vậy, các bị cáo biết rõ số tiền 13 tỉ đồng có nguồn gốc từ việc phạm tội, cơ quan điều tra đã và đang thực hiện các biện pháp để thu hồi dòng tiền, nhưng vẫn không khai báo.

Sau đó, bị cáo Thắng thực hiện hành vi tất toán sổ tiết kiệm (Thắng đứng tên giùm công ty Alibaba) tại ngân hàng, sau đó thực hiện giao dịch chuyển số tiền trên về tài khoản của bị cáo Mai, bị cáo Mai tiếp tục chuyển khoản cho bị cáo Lực để bị cáo thực hiện rút tiền mặt giao cho Mai. 

Tại phiên tòa, các bị cáo cũng cho rằng không cố tình chuyển tiền lòng vòng mà do bị cáo Mai đang mang thai, không đủ sức khỏe để đi rút tiền. Lời khai này là không đúng sự thật bởi lẽ sau khi nhận tiền từ Lực, bị cáo trực tiếp đem sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. 

Đến nay, bị cáo Mai vẫn kiên quyết không trình bày về việc sử dụng số tiền nói trên, dẫn đến không có cơ sở xác minh để thu hồi.

Do đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đấu tranh, làm rõ việc bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) khai nhận chuyển số tiền 9 tỉ đồng cho một người không tiện nói tên. Nếu có căn cứ xác định tội phạm mới đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với tội rửa tiền, HĐXX đã tuyên Võ Thị Thanh Mai 12 năm tù, Nguyễn Thái Lực 10 năm tù và Huỳnh Thị Kim Thắng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Vụ Alibaba: Nhiều khách hàng được trả đất Vụ Alibaba: Nhiều khách hàng được trả đất

Trong vụ án Alibaba, ngoài phần mức hình phạt dành cho các bị cáo, đối với phần dân sự của hơn 4.500 khách hàng, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên cho nhiều khách hàng được tiếp tục thực hiện hợp đồng.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên