11/05/2023 14:20 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện: ‘Tài sản bị kê biên dư sức bồi thường’

Nguyễn Thái Luyện cho rằng giá trị thực tế của 500ha đất bị kê biên cao hơn nhiều so với định giá và dư khả năng bồi thường.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện: ‘Tài sản bị kê biên dư sức bồi thường’ - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện trả lời đại diện viện kiểm sát tại tòa - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ngày 11-5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM bắt đầu thẩm vấn các bị cáo có kháng cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện.

Theo viện kiểm sát, vốn ban đầu của Công ty Alibaba là 400 triệu đồng, đến năm 2017 tăng lên 1.600 tỉ đồng. Viện kiểm sát hỏi Nguyễn Thái Luyện "việc tăng này là tăng thật hay tăng hình thức?". Luyện khẳng định con số vốn 1.600 tỉ đồng là thực và đăng ký bằng tài sản.

Nguyễn Thái Luyện đề nghị định giá lại tài sản đang bị kê biên

Viện kiểm sát cho biết toàn bộ tài sản bị kê biên là 652 thửa đất, với tổng diện tích gần 5 triệu m2, được định giá 1.600 tỉ đồng, trong khi bản án sơ thẩm xác định trách nhiệm bồi thường của bị cáo lên đến 2.500 tỉ đồng.

Nguyễn Thái Luyện cho rằng tài sản nêu trong kết luận định giá còn ít hơn số tiền mà bị cáo đã bỏ ra để mua đất, chưa tính các chi phí san lắp, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Luyện giải thích: "Nếu cứ cộng theo cách bình thường như trong cáo trạng nêu tôi mua của ai, trả tiền bao nhiêu thì đã hơn 2.000 tỉ đồng".

Tự đánh giá về khả năng bồi thường khắc phục thiệt hại, Luyện cho rằng nếu toàn bộ khách hàng đồng ý nhận đất thì chỉ chiếm 1/3 diện tích đất của công ty bị kê biên, tài sản công ty còn lại 2/3.

"Số tiền chiếm đoạt quy kết là 2.500 tỉ đồng, nếu quy đổi giá thấp nhất là 1 triệu đồng/m2 thì tổng giá trị đã là 5.000 tỉ đồng rồi", bị cáo Luyện nói.

Cũng theo Luyện, thông qua luật sư, được biết còn khoảng hơn 1.000 khách hàng không có trong danh sách bị hại.

"Tôi đề nghị để đảm bảo quyền lợi toàn bộ khách hàng có tên và không có tên trong danh sách thì định giá lại tài sản và kê biên tài sản đúng số tiền 2.500 tỉ đồng mà tòa sơ thẩm nói tôi chiếm đoạt, phần còn lại giao cho Công ty Alibaba và được một cơ quan nhà nước giám sát để thực hiện việc bồi thường", Nguyễn Thái Luyện đề nghị.

Ông Lê Viết An đề nghị khắc phục 12 tỉ đồng thay bị cáo Mai

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt được bị cáo đưa ra: "Trong lúc tòa giải lao, ông Lê Viết An liên lạc và đồng ý nộp khắc phục thay tôi số tiền 12 tỉ đồng đối với tội rửa tiền".

Như vậy, sau khi rút lại đề nghị thay bị cáo Nguyễn Thái Luyện khắc phục 2.500 tỉ đồng và đổi lại được sở hữu toàn bộ đất kê biên vì "nhiều rủi ro", ông Lê Viết An tiếp tục nhận lời thay bị cáo Mai nộp 12 tỉ đồng để khắc phục đối với tội rửa tiền.

Nguồn gốc số tiền 12 tỉ đồng

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị cấp sơ thẩm tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo, 12 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở, chi nhánh Công ty Alibaba, Mai đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ gốc và lãi 13,9 tỉ đồng trong một sổ tiết kiệm vào tài khoản cá nhân của Mai.

Sau đó Mai chuyển khoản cho Nguyễn Thái Lực rồi nhờ Lực rút tiền mặt đưa lại cho Mai. Mai dùng 1,7 tỉ đồng để tất toán khoản vay ngân hàng, 12 tỉ đồng còn lại Mai sử dụng cá nhân.

Xét số tiền này có nguồn gốc từ hành vi phạm tội từ Luyện và đồng phạm, tòa sơ thẩm buộc bị cáo Mai và ngân hàng phải nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường.

Người muốn nộp 2.500 tỉ đồng thay cho Nguyễn Thái Luyện đã Người muốn nộp 2.500 tỉ đồng thay cho Nguyễn Thái Luyện đã 'quay xe'

Người đề nghị thay bị cáo Nguyễn Thái Luyện khắc phục 2.500 tỉ đồng thiệt hại bất ngờ bỏ cuộc vì sợ rủi ro.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên