Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 với các kết quả khả quan của ngân hàng mẹ và các công ty thành viên.
Tín dụng tăng trưởng tới 22%
Kết thúc quý 3, bức tranh kinh doanh toàn cảnh của VPBank duy trì gam màu tươi sáng với điểm nhấn tăng trưởng tín dụng vượt trội.
Theo đó, tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý 3 đạt hơn 488.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm và cao hơn ba lần so với mức tăng trung bình ngành 6,9% tính đến cuối tháng 9.
Đáng chú ý, tín dụng trong quý 3 đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…, Riêng khối chiến lược khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng của khối khoa học công nghệ đạt hơn 230.000 tỉ đồng, tăng tưởng 19% so với đầu năm.
Ở chiều thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý 3 tiếp nối nhịp tăng ổn định, với tăng gần 35% so với đầu năm. Trong đó, riêng khối khoa học công nghệ tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược thu hút khách hàng bài bản và chuyên biệt.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng - tăng trưởng hơn 23% so với đầu năm, góp phần nâng tỉ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.
Bên cạnh đó, VPBank luôn nỗ lực giảm thiểu chi phí vốn trong trung - dài hạn khi không ngừng khai thác nguồn vốn ngoại với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là cho vay các dự án xanh hoặc các dự án do phụ nữ làm chủ.
Mới đây nhất, khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, kỳ hạn 7 năm, mà VPBank ký với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ là một ví dụ.
Việc thành công huy động nguồn vốn ngoại này khẳng định uy tín của VPBank trên trường quốc tế. Đồng thời, nó mà còn giúp ngân hàng có tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đạt mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, dưới ngưỡng yêu cầu 34% của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, vốn chủ sở hữu của VPBank tăng lên xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, sau thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược của Nhật Bản.
Mô hình tập đoàn bước đầu hiệu quả
Mô hình tập đoàn được VPBank áp dụng trong quản lý hệ sinh thái đa tầng, hướng tới mục tiêu xây dựng một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, đã mang lại thành công bước đầu với kết quả kinh doanh của các công ty con cải thiện trong những tháng gần đây.
Cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài của VPBank - FE Credit đã bắt đầu ghi nhận các khoản lỗ giảm dần và lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 3.
Trong khi đó, công ty chứng khoán VPBankS và công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng trong quý 3.
Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của 2 công ty con cùng ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 12.000 tỉ đồng - bám sát kế hoạch đặt ra cho quý 3.
Với tinh thần luôn luôn đổi mới, sáng tạo và đi tiên phong, VPBank tiếp tục nỗ lực đầu tư vào năng lực công nghệ, chất lượng dịch vụ và các giải pháp tài chính tối ưu, nhằm mang tới các trải nghiệm xuất sắc nhất dành cho khách hàng.
Trong quý 3 vừa qua, nắm bắt xu hướng thị trường và thay đổi trong hành vi thanh toán của khách hàng, VPBank đã ra mắt hàng loạt tính năng mới trên ngân hàng số VPBank NEO. Cụ thể giải pháp thanh toán liền mạch qua kết nối với Apple Pay hay tính năng ShopQR hỗ trợ cửa hàng, hộ kinh doanh đơn giản hóa hoạt động quản lý doanh thu.
VPBank sẽ chia cổ tức tiền mặt
Đặc biệt, ngày 16-10, hội đồng quản trị VPBank đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%. Hạn cuối cùng đăng ký việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là ngày 10-11 và dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20-11.
Các đợt chia cổ tức bằng tiền mặt trong các năm tiếp theo dự định sẽ được ngân hàng thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận