25/04/2023 08:42 GMT+7

Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ 2: 'Sợ' nói với cha mẹ, thầy cô

"Ủa, sao cả lớp không ai bị mà chỉ mình em bị tẩy chay vậy? Em phải xem lại bản thân mình...".

Học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TPHCM) diễn kịch về bạo lực học đường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TPHCM) diễn kịch về bạo lực học đường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đang trong cơn khủng hoảng vì bị nói xấu trên mạng và cả lớp cô lập, Xuân Thi (tên các nhân vật trong bài đã thay đổi), học sinh lớp 10 ở TP.HCM, cầu cứu cô giáo chủ nhiệm thì được trả lời như trên.

Bị đánh vì "dám méc"

Không còn cách nào khác, Thi về cầu cứu mẹ. Ngay hôm sau, mẹ của Thi vô trường báo giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo trường toàn bộ câu chuyện. 

Thế rồi, tất cả học sinh liên quan được mời lên phòng giám thị viết bản tường trình (kể cả Thi). Viết xong, thầy giám thị giải hòa hai bên. Rồi thầy yêu cầu hai bên bắt tay nhau xí xóa rồi lên lớp học.

Nhưng sự việc không dừng ở đó. Giờ tan học của ngày hôm sau nữa, Thi bị nhóm nữ sinh chặn đường đánh ngay trong bãi giữ xe của trường. Lý do chỉ đơn giản: "Mày dám méc mẹ mày hả? Tụi tao đánh mày cho biết mặt!". 

Lần này, vì quá sợ hãi, Thi không dám nói với ai do sợ bị đánh thêm lần nữa. Tuyệt vọng, đau đớn cả thể xác và tâm hồn, Thi bắt đầu nghĩ đến những điều tiêu cực. Đầu tiên, em khăng khăng đòi nghỉ học. Đến khi cha mẹ gạn hỏi mãi, em mới bật khóc và nói ra tất cả.

Những ngày tìm hiểu vấn đề bạo lực học đường, chúng tôi nhận được phản ảnh giống nhau từ phụ huynh. 

Đó là bên cạnh những giáo viên nhiệt tình và tận tâm, vẫn còn giáo viên có thái độ dửng dưng, vô cảm khi phụ huynh thông báo con em đang bị bạo lực học đường. 

Khi học sinh gặp khủng hoảng tâm lý, cần được hỗ trợ để lấy lại tinh thần, đi học an toàn thì giáo viên chủ nhiệm "như một gáo nước lạnh dội vào học sinh và ba mẹ các em".

Có học sinh bị bạo lực nhận được "lời khuyên" của giáo viên chủ nhiệm: "Tại sao các bạn không ghét người khác mà lại ghét em? Em cần nhìn lại cách ứng xử của mình" - chị Minh, phụ huynh có con học lớp 11 ở quận Tân Phú (TP.HCM), cho hay.

Theo phụ huynh, câu nói của giáo viên chủ nhiệm khiến học sinh vốn đang bấn loạn càng cảm thấy bản thân mình tồi tệ. 

"Thậm chí, con tôi còn nghĩ rằng cháu đáng bị ghét, đáng bị tẩy chay. Nếu gia đình tôi không kịp thời đưa con đi tham vấn tâm lý thì hậu quả thật khó lường" - chị Nguyễn Phương Hồng, phụ huynh ở quận 3 (TP.HCM) cho biết.

Chuyện trở nên ồn ào hơn

Tuy nhiên, trên thực tế không phải giáo viên nào cũng vô cảm và đổ lỗi cho học sinh. Có giáo viên tâm huyết nhưng cách làm chưa khéo cũng khiến nạn nhân bị bạo lực ở cấp độ cao hơn, khủng khiếp hơn. Như câu chuyện của Thư Nhàn, học sinh lớp 8 tại một quận trung tâm của TP.HCM.

"Sau khi nghe chuyện, cô chủ nhiệm của con tôi bắt học sinh cả lớp viết bảng tường trình đồng thời phải trực nhật ở sân trường suốt một tuần. Thế là sự việc bị đẩy lên cao trào, cả lớp xúm lại nói con tôi là thủ phạm làm cho cả lớp bị phạt. 

Cháu bị ghét nhiều hơn, chịu bạo lực tinh thần khủng khiếp hơn với đủ thứ trò tinh quái của tuổi mới lớn. 

Đỉnh điểm là giờ ra chơi, một bạn nào đó cố tình bỏ điện thoại vào cặp của con tôi rồi lu loa lên là bị mất. Sau vụ này, con tôi nói ba mẹ không xin chuyển trường được cho con thì con sẽ tự tử chứ nhất định không dám bước vô cái lớp học ấy nữa" - chị Thắm, phụ huynh em Nhàn, kể lại.

Th., cô gái từng bị bạo hành ở Hà Nội, kể khi được bố mẹ xin chuyển đi trường khác thì tổn thương do bạo hành bởi bạn học đã lún sâu khiến em không xóa được những ám ảnh. Th. kể: 

"Mẹ em nóng tính. Nếu mẹ biết chuyện, hoặc mẹ sẽ gặp bố mẹ những bạn đã bắt nạt em và gặp cô giáo chủ nhiệm. Chuyện sẽ trở nên ồn ào nhưng chưa chắc đã chấm dứt được mọi chuyện. 

Người đánh em nhiều nhất cũng là kẻ dọa nếu em mách người lớn thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Trong nhiều lần các bạn ấy quậy phá, cách cô chủ nhiệm xử lý cũng khiến em không tin cô có thể bảo vệ được em".

Th. kể thêm: "Ví dụ như có lần các bạn ấy bôi kẹo cao su lên ghế khi thấy cô mặc quần màu trắng. Cô đã rất giận, bắt cả lớp ngồi lại sau tiết năm. Cô nói trong lớp nhất định phải có học sinh nhìn thấy ai bôi kẹo cao su. 

Nên nếu không ai nói ra thì cả lớp đều có liên quan và bị phạt. Cuối cùng cô cũng có bằng chứng mấy bạn đó là thủ phạm. Sau buổi học, em lại bị đánh ở bãi gửi xe. Các bạn ấy cho rằng em đã mách nên cô mới biết".

Chuyện của em Y.

Không tin việc nói ra thì người lớn sẽ có cách giải quyết tốt, thậm chí còn làm xấu tình hình - đó là lý do lớn nhất khiến nhiều học sinh bị bạo hành trong một thời gian dài nhưng không tố giác cũng không chia sẻ bí mật đó với gia đình, thầy cô.

Nhiều người chưa quên vụ bạo hành nghiêm trọng của năm học sinh lớp 9 ở Ân Thi (Hưng Yên) với nữ sinh Y. ngay tại lớp học. Chuyện bạo hành nữ sinh Y., giáo viên chủ nhiệm và nhiều giáo viên biết chuyện. 

Nhà trường cũng nắm được sự việc nhưng lại chỉ xử lý kiểu giơ cao đánh khẽ, giảm bớt mức độ khi làm việc với gia đình học sinh bị bắt nạt. Có giáo viên ở trường này khi được hỏi đã cho rằng Y. hiền quá nên mới bị bắt nạt. Và Y không nói ra nên giáo viên không can thiệp kịp thời.

Những lý do thể hiện quan điểm xử lý của nhà trường, giáo viên khiến sự việc ở Hưng Yên khi đó đi xa hơn hình dung của nhiều người đã biết phong thanh về sự việc, trong đó có người nhà nữ sinh Y.. 

Điều đáng sợ hơn là vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, che giấu, giảm bớt mức độ nghiêm trọng của những vụ bạo hành tương tự nên nạn nhân của các vụ bạo lực học đường không lựa chọn cách thông báo cho thầy cô và nhà trường.

Trong vụ bạo hành ở Hưng Yên năm đó, nếu báo chí không vào cuộc gắt gao thì đã không được xử lý dứt điểm. Y. phải nhập viện, nhưng đến khi tận mắt xem những hình ảnh bạo lực, gia đình nữ sinh này mới bàng hoàng vì không thể hình dung hết sự kinh khủng đã xảy ra. Và những vết thương trên thân thể có thể lành ngay, nhưng tổn thương tinh thần thì không lường trước được.

"Tự mình giải quyết"

Điều đáng sợ nhất hiện nay là học sinh đôi khi không tin vào người lớn. Con tôi, khi bị bạo lực học đường, đã không kể với mẹ mà kể với chị họ cũng là học sinh THPT.

Cháu bảo rằng chị khuyên: "Thôi đừng méc phụ huynh, cũng đừng nói gì với giáo viên chủ nhiệm! Người lớn nhúng tay vào chỉ làm cho sự việc nó tầy huầy thêm, không giải quyết được vấn đề gì đâu.

Chị mày cũng từng bị bạo lực học đường nè. Mình muốn yên ổn học tập mà có đứa nó không cho mình yên ổn, ngày nào nó cũng kiếm chuyện với chị, hết vu oan lấy cắp đồ đến chuyện săm soi chị xịt nước hoa, dùng son dưỡng môi...

Chị ức quá, đi méc giáo viên chủ nhiệm. Hậu quả là chị bị đánh một trận tơi bời vì cái tội méc, sợ quá đến mức phải chuyển trường đây này. Méc người lớn là hèn lắm em ơi. Tự mình giải quyết thôi".

(Chị Hồng Nguyễn, phụ huynh có con đang học lớp 11 ở TP.HCM)

(còn tiếp)

Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ 1: Bạo hành thời 4.0Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ 1: Bạo hành thời 4.0

"Thà bị đánh một trận tơi bời còn hơn. Bởi như vậy chỉ đau đớn về thể xác mà thôi" - Mai, nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM, đúc kết như thế khi em bị một nữ sinh cùng lớp "bóc phốt" trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên