Hàn Quốc đã dùng phim ảnh để phản ánh chân thực về nạn bạo lực học đường. Còn Việt Nam thì sao?
Phim về bạo lực học đường ở Hàn Quốc luôn được quan tâm
Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu (năm 2020) phản ánh thế giới học đường đáng sợ bởi những cô cậu học trò nhà giàu vô nhân tính.
Phim Everyone is there (Mọi người đều ở đó - năm 2020) kể về nữ nhân vật chính bị nhóm nữ sinh bắt nạt tàn nhẫn. Người chị song sinh của cô giả thành em mình để trừng trị nhóm người kia, giúp em trở lại với cuộc sống bình thường.
Trong True beauty (Vẻ đẹp đích thực - 2020), nhân vật chính Lim Ju Gyeong là nạn nhân của những lời trêu chọc chỉ vì có ngoại hình không đẹp.
Mới nhất, The Glory (Vinh quang trong thù hận, hai phần, 2022 - 2023) kể về hành trình báo thù của Moon Dong Eun với những kẻ đã gây nên ác mộng thời học trò của mình.
Những bộ phim phản ánh vấn nạn bạo lực học đường đã tạo nên làn sóng đồng thuận của người dân. Họ đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc phải quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.
Theo báo chí Hàn Quốc, thống kê đơn khiếu nại gửi ban phòng chống bạo lực học đường Hàn Quốc trước năm 2020 là 20.000 - 30.000 đơn.
Năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên con số này là 8.300. Đến năm 2021 là 15.600. Và chỉ học kỳ 1 năm 2022 con số này là 15.600.
Trong năm 2022, Hàn Quốc chứng kiến 62.052 vụ bạo lực học đường trên cả nước, tăng 68,8% so với con số 42.706 của năm 2019.
Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức cuộc họp với Ủy ban phòng chống bạo lực học đường thông qua loạt kế hoạch toàn diện để giải quyết vấn đề. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn chống bắt nạt học đường sẽ được thông qua.
Học sinh có hồ sơ phạm tội bắt nạt học đường đối mặt với các hình phạt trong quá trình tuyển sinh đại học. Các nạn nhân cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn và nhận được nhiều hỗ trợ hơn khi nhận sự giúp đỡ của các trung tâm hỗ trợ và phòng chống bạo lực học đường, bao gồm các cảnh sát trường học, các chuyên gia pháp lý và các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Việt Nam còn rất thiếu
Ở Việt Nam, tình hình bạo lực học đường đã và đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, phụ huynh. Tin tức báo chí phản ánh trong thời gian qua ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Mới đây, câu chuyện nữ sinh lớp 10 Trường đại học Vinh tự tử nghi bạo lực học đường tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động đỏ.
Một thực tế đáng buồn là dù bắt nạt học đường xảy ra đang ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam nhưng giới làm phim vẫn còn khá dè dặt về đề tài này. Theo họ, có nhiều lý do như đề tài học đường không ăn khách, khó làm, kinh phí eo hẹp…
Một biên kịch cho biết để dễ dàng được nhà sản xuất và nhà đài thông qua, phim Việt đưa chi tiết bắt nạt học đường như cách tăng thêm tình tiết chứ không phải là đề tài.
Tuy nhiên nếu biết cách khai thác, phim học đường vẫn có những sức hút nhất định. Bộ phim ca nhạc có đề tài bắt nạt học đường Chị Đại mắc cạn do SCTV sản xuất và phát sóng năm 2020 trên hệ thống kênh này nhận được những tín hiệu tích cực. Vì vậy SCTV tiếp tục làm phần 2 với tên phim là Chị Đại trở lại và phát sóng từ 21-4.
Nhưng yếu tố bạo lực học đường phần 2 được làm nhẹ nhàng hơn, khai thác nhiều đến câu chuyện nhân văn vai trò của nhà trường và gia đình. Hoàn cảnh sống, tâm lý được khai thác cả ở những học sinh bị bắt nạt lẫn bắt nạt.
Theo nhà sản xuất, họ cũng muốn diễn viên trong phim đến giao lưu với các trường học để lan tỏa thêm thông điệp của bộ phim đến các bạn học sinh. “Tuy nhiên điều này chỉ mới là dự tính bởi còn phụ thuộc vào vấn đề tài chính”, nhà sản xuất nói.
Đạo diễn Hùng Phương thẳng thắn: “Các nhà làm phim hãy làm đúng, làm sâu cả về mặt pháp luật, hãy mổ xẻ vấn nạn này ung nhọt từ đâu. Dĩ nhiên phim phải hấp dẫn để đánh động vào ý thức lứa tuổi học sinh, đánh vào nỗi đau bắt nạt học đường cho các phụ huynh và thầy cô thấy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận