14/03/2018 12:00 GMT+7

Vòng tròn bất tử - Tổ quốc bất tử

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Bao nhiêu năm qua, từ ngày các anh hi sinh, bằng cách này hay cách khác, lễ giỗ các anh không chỉ có mâm cơm trên bàn thờ mỗi gia đình.

Vòng tròn bất tử - Tổ quốc bất tử - Ảnh 1.

Tròn 30 năm trước, khi các con tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 buông neo ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, những chiến sĩ hải quân trên ba con tàu ấy không ai nghĩ rằng họ sẽ hi sinh trong cuộc thảm sát của tàu Trung Quốc để cướp đảo Gạc Ma của Việt Nam, 64 người lính Việt đã nằm xuống giữa vùng biển Trường Sa.

Bao nhiêu năm qua, từ ngày các anh hi sinh, bằng cách này hay cách khác, lễ giỗ các anh không chỉ có mâm cơm trên bàn thờ mỗi gia đình. 

Có người cha ở Quảng Bình năm nào cũng sắp mâm cơm bên thềm biển, đặt 64 cái bát và 64 đôi đũa để cúng cho con trai của mình cùng 63 đồng đội khác. 

Câu chuyện của cụ Hoàng Văn Dỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Bình) hằng năm giỗ con trai, liệt sĩ Gạc Ma Hoàng Văn Túy hẳn nhiều người đã biết.

Cũng đúng vào ngày này ba năm trước, lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma đã được tổ chức ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm). 

Và hơn hai năm sau đó, quần thể khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ghi dấu hình ảnh 64 người lính bị quân Trung Quốc thảm sát vào sáng 14-3-1988 đã được khánh thành.

Ngày khánh thành, cũng là ngày những người vợ, người mẹ của các liệt sĩ tận tay chạm vào dòng tên của chồng, của con. 

Nhiều người đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh cụ bà Hà Thị Liên, 87 tuổi, ở Hà Tĩnh áp gò má nhăn nheo lên bức ảnh chân dung đứa con trai mình, liệt sĩ Gạc Ma Đào Kim Cương và giọt nước mắt của tuổi gần đất xa trời ứa ra loang trên dòng tên đứa con trong khu tưởng niệm. 

Không chỉ những người mẹ đến đây chạm vào di ảnh của con. Đó còn là giọt nước mắt của những người vợ của liệt sĩ Gạc Ma như chị Đỗ Thị Hà vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, chị Hiền vợ liệt sĩ Đỗ Viết Thành; là nước mắt con khóc cha như chị Trần Thị Thủy, con gái của anh hùng Trần Văn Phương nhìn thấy bóng dáng người cha trong dáng hình bức tượng đá người lính cầm vững lá cờ Tổ quốc trước giờ ngã xuống...

Từ mâm cơm đơn sơ ngày giỗ hay tượng đài bề thế để tri ân, sự tưởng niệm vẫn chung một cảm xúc: Nhân dân và Tổ quốc đời đời ghi ơn những người con đất Việt đã hi sinh cho chủ quyền Tổ quốc. 

Bây giờ, cụm tượng đài nằm ở trung độ tuyến đường từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh. Mỗi ngày hàng ngàn lượt người lại qua trên cung đường này, ngành du lịch cũng tổ chức nơi đây thành một điểm để du khách thành tâm thăm viếng. 

Nhưng có lẽ lớn hơn thế, cũng như ở phía Bắc, trước khi khám phá Hà Giang, chiêm ngắm sự hùng vĩ của cao nguyên đá, mọi người thường dừng lại ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, ngay cửa ngõ của thành phố để dâng hương tưởng nhớ những người lính hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Nha Trang giờ đang là thành phố biển thu hút du khách nhiều nhất Việt Nam, nhưng để có trời biển bình yên, có những hotel và resort cao cấp, du khách có những buổi chiều nhâm nhi ly bia bên bờ biển, đừng bao giờ quên máu xương những người lính trẻ. 

Hãy đến đó, thắp nén nhang trước khu tưởng niệm, để lòng mình lắng lại, để đừng bao giờ quên một phần máu thịt Tổ quốc đang còn bị xâm chiếm. Gạc Ma luôn là lời nhắc vang vọng, không chỉ vào những ngày này, không chỉ vào mỗi tháng ba. 

Vòng tròn bất tử nhuộm đỏ máu những người lính năm xưa nhắc nhở chúng ta rằng chủ quyền Tổ quốc là bất tử.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên