Ngân hàng chủ yếu giảm lãi suất cho lĩnh vực nông nghiệp, làm hàng xuất khẩu. Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy có ưu ái nhưng ít doanh nghiệp được vay. Như vậy sau nhiều tháng chật vật với mục tiêu giảm lãi suất, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, phổ biến dao động từ 17% đến trên 20%/năm.
Doanh nghiệp đã mệt mỏi, mất kiên nhẫn với lộ trình giảm lãi suất cho vay. Những lời hứa hẹn giảm lãi suất cứ trôi đi. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước lại nói là cuối tháng 3.
Không thể đổ lãi suất cao là do lạm phát. Từ cuối quý 3-2011 đến nay, lạm phát đã dịu đi rất nhiều. Ngay tháng tết, lạm phát cũng chỉ là 1%, trong khi hằng tháng ngân hàng vẫn trả lãi cho người gửi tiền ít cũng là 1,16%. Ngân hàng cứ loay hoay với yêu cầu giảm lãi suất bởi vẫn chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, hụt thanh khoản, huy động lãi suất cao, không giảm được lãi suất. Đang tái diễn kịch bản cũ có thể khiến việc giảm lãi suất vẫn khó khăn, đó là nhiều ngân hàng vẫn xé rào huy động vượt trần.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP.HCM, muốn giảm lãi suất, cơ bản nhất vẫn là xử lý cho được khoản vốn đã đóng băng trong bất động sản. Chỉ khi đồng vốn này được thu hồi và đưa vào lưu thông, khi đó ngân hàng mới thôi chạy đua lãi suất để thu hút vốn. Ông Ngân nói đúng ra phải rã băng vốn chôn trong bất động sản từ năm 2008, nếu xử lý ở thời điểm đó thì nay tình hình sẽ bớt khó hơn. Chưa khai thông đồng vốn chôn trong bất động sản, quãng đường đi tới mục tiêu giảm lãi suất còn dài.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đừng quá kỳ vọng vào giải pháp siết tín dụng, không cho một số ngân hàng được tăng dư nợ cho vay. Bởi lẽ cả trong trường hợp không cho vay, những ngân hàng này vẫn cần vốn và họ chấp nhận trả cho người gửi tiền cao hơn trần lãi suất để thu hút vốn.
Như vậy, bài toán giảm lãi suất không còn phụ thuộc vào nguyên nhân khách quan do lạm phát cao, mà tùy thuộc vào ngân hàng. Các giải pháp hành chính được Ngân hàng Nhà nước áp dụng như trần lãi suất huy động, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng... chỉ có thể giải quyết cái ngọn. Cái gốc là khai thông đồng vốn đọng trong hàng hóa, bất động sản. Chỉ có thế mới tạo ra được một mặt bằng lãi suất thấp cho mọi doanh nghiệp, chứ không phải là những mức lãi suất thấp cho một số đối tượng. Cách giảm lãi suất đó chỉ nặng hình thức, nửa vời, không có lợi cho mọi doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận