Dù có thể mang tính mùa vụ, sản xuất cho dịp lễ Tết cuối năm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng với số tiền cho vay ra như trên, tiền đổ vào sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.
Tiền bắt đầu chảy mạnh hơn
Dù còn xa so với kế hoạch tăng 14% cả năm, nhưng theo ông Trương Hiền Phương - giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam, hơn 120.000 tỉ đồng bơm ra nền kinh tế tuần cuối tháng 9 cho thấy tín hiệu khởi sắc.
Ông Phương phân tích: giảm lãi suất có độ trễ nhất định, nay đã ngấm dần, thúc đẩy tăng tín dụng. Tín dụng cũng được đánh giá khả quan hơn nhờ sản xuất, xuất khẩu có tín hiệu phục hồi gần đây.
Thêm nữa, quý 3 và quý 4, các doanh nghiệp (DN) thường đẩy mạnh đi vay để nhập hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị... phục vụ tiêu dùng cuối năm. "Một vài DN nói đã dễ thở hơn khi tiếp cận vốn vay. Một số ngân hàng cải tiến thủ tục, điều kiện", ông Phương nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều DN rục rịch tiếp cận được vốn rẻ hơn. Ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty V.C Á Châu - cho biết vừa tiếp cận được các gói vay kinh doanh lãi suất 8% thay vì 10 - 11% trước đó. "Chính sách giảm lãi suất bắt đầu đi vào cuộc sống", ông Thành nói.
Ông Thành nhận định sản xuất, xuất khẩu "túc tắc" phục hồi, tốt hơn những tháng đầu năm. Thấy tín hiệu khởi sắc hơn, công ty có vay vốn đầu tư thêm dù vẫn dè chừng hơn các năm trước.
Một trong các yếu tố khác thúc đẩy tín dụng nằm ở nhóm DN và người mua bất động sản. Bà Nguyễn Thanh Hương - tổng giám đốc một DN bất động sản khu vực phía Nam - nhận thấy gần đây nhiều khách hàng vay trở lại để đầu tư hoặc mua để ở khi họ được nhận lãi suất 8% đổ lại trong năm đầu.
"Giải ngân khoản vay cho chủ đầu tư và khách hàng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thật thì việc thẩm định ở một số ngân hàng đã thuận lợi hơn", bà Hương nhấn mạnh. Lãi suất hạ sẽ kích thích nhu cầu bất động sản, thị trường ấm lên sẽ tác động ngược lại, giúp tăng tín dụng.
Cần tiếp tục hỗ trợ phục hồi
Dù tín dụng đã tăng tích cực hơn so với dự báo, song đây vẫn là mức tăng thấp so với cùng kỳ và "hụt hơi" so với mục tiêu đặt ra. Ngoài lý do đến từ nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, Ngân hàng Nhà nước cho biết có một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Công Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết nhiều DN ngành này vẫn rất khó vay vốn. "Ngân hàng cần xem xét các yếu tố khác như thương hiệu, bề dày kinh nghiệm, hệ thống của DN để xây dựng các điều kiện tiếp cận vốn bằng tín chấp", ông Hùng đề xuất.
Lãnh đạo một tập đoàn lớn phía Bắc cho rằng trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu khó khăn, điều quan trọng hiện nay vẫn là giữ ổn định vĩ mô, loại bỏ tâm lý e ngại của DN, thúc đẩy đầu tư công. Bởi chỉ cần nhu cầu tăng, các ngành sẽ tự phục hồi.
TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cũng nhìn nhận việc giảm lãi suất mới chỉ đang ngấm dần, chưa tác động nhiều. Cũng khó có đột biến để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay. Dư địa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều. Ngân hàng cũng lo nợ xấu, nên dù "chạy" KPI vẫn phải bám chuẩn.
Một trong các vướng mắc được nêu nhiều vừa qua là tài sản đảm bảo. Ông Huân cho rằng nên tính toán lại yếu tố "đủ khả năng trả nợ trong tương lai". Bởi nếu khó vay, DN càng khó khăn, nợ xấu lại tăng.
Cam kết tổng tiền lãi giảm khoảng 22.000 tỉ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm, trong đó lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm hơn 1% so với cuối năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã đề nghị tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận