Bà Đặng Ngọc Lan, vợ Bầu Kiên tại tòa phúc thẩm trưa 2-12 - Ảnh: Tâm Lụa |
Sau khi đã xét hỏi về tội danh kinh doanh trái phép, hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm bắt đầu thẩm vấn làm rõ hành vi trốn thuế của bị cáo Kiên.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ là Đặng Ngọc Lan (Tổng giám đốc công ty B&B - công ty do Bầu Kiên thành lập) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên).
Trong năm 2009, công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi được hơn 100 tỉ đồng.
Bằng việc kí hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương, công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (25 tỷ đồng).
Thời gian kinh khủng của gia đình Bầu Kiên
Trả lời tòa về hợp đồng ủy thác với bà Hương, bà Đặng Ngọc Lan cho biết thời điểm năm 2009, bà nghỉ để sinh con nên mọi hoạt động của B&B đều do ông Kiên điều hành.
“Tôi tin anh Kiên, anh Kiên đưa văn bản về cho tôi thì tôi ký. Sau này khi cơ quan điều tra triệu tập, tôi xâu chuỗi lại các sự kiện, xem lại các văn bản, chữ ký tôi mới biết.
Tôi không thể nào nói rằng anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi, vì đó là chồng tôi. Tôi hành động trên lòng tin dành cho chồng tôi. Mong hội đồng xét xử xem xét cho tôi…”
“Bà đã đọc quy định của Luật Doanh nghiệp chưa?”- Tòa hỏi.
“Tôi đã đọc một số phần nhưng không thể nào đọc hết. Khoảng thời gian qua là khoảng thời gian kinh khủng của gia đình tôi. Ba đứa con của tôi còn nhỏ. Nhiều cổ đông đã sợ hãi bỏ các hoạt động của các công ty...” - bà Hương khóc khi trả lời tòa.
Trả lời về hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính đã ký với B&B, bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Bầu Kiên) cho biết: “Sau khi ký hợp đồng ủy thác với B&B, đợt đầu tiên có lãi, tôi được chia 68 tỷ đồng. Số tiền lãi này tôi đã chuyển vào tài khoản cho anh Kiên vay để tiếp tục kinh doanh.
Lần hai khi chia kết quả đầu tư, B&B báo lãi 31 tỷ, tuy nhiên số lỗ tiềm năng rất nhiều, lên đến hằng trăm tỷ nên tạm thời B&B chưa phân chia lãi.
Lần 3 năm 2010, tôi bị lỗ gần 400 tỷ đồng nên công ty B&B tạm ghi nhận lỗ. Tôi đã trả cho công ty khoảng 30 tỷ đồng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kinh doanh của anh tôi”.
Bầu Kiên: tôi không ngụy tạo hợp đồng để trốn thuế
Trình bày kháng án đối với tội danh trốn thuế, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ủy thác giữa B&B với bà Hương là đúng quy định.
Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, kêu oan - Ảnh: Nguyễn Khánh |
“Tòa sơ thẩm có công bố công văn của Tổng Cục thuế nói hợp đồng giữa B&B với em gái tôi là vô hiệu nhưng Tổng Cục thuế không đủ thẩm quyền đưa ra ý kiến về vấn đề này. Ý kiến của Tổng Cục thuế là trái luật”, Bầu Kiên nói.
Về cáo buộc của bản án rằng biết năm 2009, Quốc Hội có nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân nên Nguyễn Đức Kiên đã ký hợp đồng ủy thác chuyển lợi nhuận cho em gái để không phải nộp thuế, Bầu Kiên nói:
“Năm 2008, tôi là công dân như 90 triệu dân VN, tôi không thể biết trước Quốc Hội sẽ có nghị quyết miễn thuế 6 tháng đầu năm 2009 để ngụy tạo hợp đồng. Vì lý do nào đó hợp đồng giữa B&B và em gái tôi trái pháp luật thì B&B cũng không trốn thuế, vì quyết toán thuế doanh nghiệp cho phép B&B trích dự phòng tài chính.
B&B lỗ 77 tỷ trong năm 2009. Căn cứ nghị định miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009, B&B được giảm 30% thuế. Điều này không đưa vào kết quả giám định”.
Bầu Kiên cho biết đã yêu cầu vợ làm văn bản gửi các cơ quan thuế có thẩm quyền để xác định số thuế B&B phải nộp khi hợp đồng ủy thác với bà Hương vô hiệu nhưng đến ay chưa có cơ quan nào trả lời B&B phải nộp thuế bao nhiêu.
“Tôi đề nghị Tòa phúc thẩm dùng quyền lực của mình để yêu cầu các cơ quan xác định năm 2009, B&B phải nạp thuế bao nhiêu để xác định B&B trốn thuế như thế nào?” - lời Bầu Kiên.
Chiều nay, phiên tòa vẫn tiếp tục phần thẩm vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận