04/04/2017 08:55 GMT+7

VNA đòi áp giá sàn vé máy bay

TUẤN PHÙNG - L.THANH ghi
TUẤN PHÙNG - L.THANH ghi

TTO - Trong văn bản góp ý dự thảo về mức giá tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, Vietnam Airlines (VNA) cho rằng việc tăng giá trần và áp dụng giá sàn “nhằm tăng hiệu quả đường bay”.

Việc đưa ra giá sàn có thể sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân - Ảnh: CHÂU ANH
Việc đưa ra giá sàn có thể sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân - Ảnh: CHÂU ANH

Theo VNA, đến tháng 3-2017, mức giá kê khai tối đa của hãng này trên các nhóm đường bay nội địa đã đạt từ 85-98% so với mức giá trần hiện nay.

Dù khẳng định việc duy trì dải giá rộng kết hợp với việc linh hoạt các mức giá, doanh thu trung bình/khách của hãng trên toàn mạng bay nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân, nhưng mức doanh thu trung bình này có xu hướng giảm qua các năm.

Trong đó, doanh thu trung bình/khách vào năm 2016 là 1,3 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 1,48 triệu đồng/khách của năm 2015 và 1,58 triệu đồng/khách của năm trước đó. Trong khi đó theo VNA, giá nhiên liệu và tỉ giá USD/VND có chiều hướng tăng làm tăng mức chi phí bình quân/ghế cung ứng so với thời điểm áp mức giá trần hiện nay.

Do vậy, ngoài việc ủng hộ mức tăng giá trần vé máy bay hạng phổ thông như phương án mà Cục Hàng không đưa ra trước đó (tăng từ 7-16%, giá tối đa lên 4.250 đồng/hành khách/km), VNA còn đề nghị Bộ GTVT xây dựng giá sàn dựa trên cơ sở chi phí biến đổi cộng với chi phí thiết bị bay.

“Cần thiết phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay” - VNA khẳng định.

Lấy chi phí một chuyến bay bằng máy bay Airbus A321 trên đường bay có cự ly trên 1.280km làm cơ sở, VNA đưa ra giá trần là 4,2 triệu đồng/vé và giá sàn là 1,54 triệu đồng/vé. Theo tính toán của VNA, nếu áp dụng mức giá này, doanh thu của hãng tăng khoảng 2.500 tỉ đồng sau một năm.

Như Tuổi Trẻ phản ánh (ngày 1-4), trong văn bản góp ý dự thảo này, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines cũng ủng hộ việc tăng giá trần vé máy bay nhưng đề nghị quy định giá sàn cho năm nhóm đường bay, dao động từ 29-34% so với giá trần, với lý do hạn chế tình trạng các hãng hàng không cạnh tranh bằng cách liên tục giảm giá vé, có khi phải bán thấp hơn giá thành.

Tuy nhiên, Vietjet cho rằng việc đưa ra giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân.

Chị Nguyễn Bằng Giang (Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Giảm cơ hội đi máy bay

Trước khi có sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ, gia đình tôi không dám đi du lịch trong nước bằng máy bay, do giá vé quá cao so với khả năng tài chính của gia đình.

Từ ngày có thêm các hãng hàng không giá rẻ, các hãng tung ra nhiều vé khuyến mãi giá rẻ hoặc vé giá thấp (nếu đặt vé sớm trước ngày đi), gia đình tôi thường “săn” vé giá rẻ để đi du lịch, dù chưa mua được vé 0 đồng hoặc 5.000 đồng nhưng cũng nhiều lần mua được vé với giá thấp đáng kể.

Nhờ đó, vợ chồng tôi có cơ hội mời cả bố mẹ hai bên đi du lịch cùng gia đình. Nếu tới đây không còn vé máy bay giá rẻ, gia đình tôi chắc cũng từ giã việc đi lại bằng máy bay chứ chưa nói đến chuyện đi du lịch.

Ông Trần Toàn Thắng (phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Triệt tiêu cạnh tranh

Việc áp dụng giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa chắc chắn sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh giữa các hãng hàng không, các hãng sẽ tránh né việc đưa ra mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ là kiến tạo, tức là tạo ra thể chế, cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, người sử dụng dịch vụ những hàng hóa tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.

Do vậy, Bộ GTVT cần thiết phải gạt bỏ đề nghị quy định giá sàn vé máy bay trên các tuyến nội địa.

Lợi nhuận tăng mạnh, Vietjet mở thêm nhiều đường bay

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán vừa được công bố, trong năm 2016 Công ty CP hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) đạt doanh thu 27.499 tỉ đồng, tăng 39% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 2.496 tỉ đồng (tăng thêm 206 tỉ đồng so với trước kiểm toán do giá vốn bán hàng điều chỉnh giảm 435 tỉ đồng), tăng 113% so với năm 2015.

Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi đưa vào hoạt động từ năm 2011.

Tính tới ngày 31-12-2016, tổng tài sản của Vietjet đạt 20.063 tỉ đồng, tăng 67% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu đạt 4.734 tỉ đồng, tăng trưởng 120% và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.703 tỉ đồng, chưa bao gồm cổ tức năm 2016 đã tạm ứng cho cổ đông là 1.478,5 tỉ đồng.

Với việc liên tục mở thêm các đường bay mới cũng như tăng cường khai thác các đường bay có sẵn, tính đến cuối năm 2016, thị phần vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa của hãng này đạt 41%.

Ngoài đường bay Hà Nội - Siem Reap vừa được đưa vào hoạt động ngày 30-3, trong năm nay hãng này dự kiến khai thác thêm 4 đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay khai thác lên 86 đường bay.

TRẦN MẠNH

TUẤN PHÙNG - L.THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên