28/04/2025 10:50 GMT+7

Việt Nam vươn lên trong mắt nhà báo Nhật

Trong mắt các nhà báo Nhật, từng góc phố, nụ cười thân thiện họ gặp hôm nay là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên không ngừng của đất nước hình chữ S.

Việt Nam vươn lên trong mắt nhà báo Nhật - Ảnh 1.

Cựu phóng viên chiến trường Goro Nakamura bên cạnh những tác phẩm của mình đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) vào ngày 27-4 - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, TP.HCM chào đón đoàn phóng viên chiến trường quốc tế - những nhân chứng từng tác nghiệp trong bom đạn - trở lại thăm Việt Nam, trong đó có 2 phóng viên ảnh người Nhật Bản là ông Goro Nakamura và ông Ishikawa Bunyo.

Chuyến thăm này còn là dịp để họ tận mắt chứng kiến hành trình phát triển kỳ diệu của Việt Nam. Những con đường từng ám khói súng, những mái nhà đổ nát giờ đã hóa thành những đại lộ sầm uất, những tòa nhà vươn cao.

Từng góc phố, nụ cười thân thiện họ gặp hôm nay như minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt, tinh thần tái thiết và khát vọng vươn lên không ngừng của đất nước hình chữ S.

Bản hùng ca Việt Nam

Những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế, trong đó có các phóng viên ảnh Nhật Bản như ông Goro Nakamura và Ishikawa Bunyo.

Họ đến Việt Nam để chứng kiến và phản ánh cuộc chiến - hành trình đấu tranh giành độc lập ở quốc gia nhỏ bé nhưng vô cùng kiên cường này, ông Goro nhớ lại.

Ông đến Việt Nam vào năm 1970, mở đầu hành trình thực hiện các phóng sự ảnh về chiến tranh mà ông lăn xả suốt nhiều năm. Hình ảnh những hố bom sâu hoắm giữa lòng Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Vinh, những nạn nhân vô tội oằn mình dưới làn đạn... hiện lên đầy ám ảnh dưới ống kính của ông.

Ông không chỉ ghi lại những khoảnh khắc chiến trường, mà còn đặc biệt quan tâm hậu quả chiến tranh, nhất là thảm họa vũ khí hóa học do Mỹ gây ra. Mỗi bức ảnh của ông đều mang nặng những câu chuyện về nỗi đau con người.

Năm 1976, sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, ông cùng đoàn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chuyến xuyên Việt đặc biệt bằng xe jeep từ Hà Nội vào tận mũi Cà Mau.

Chuyến đi kéo dài hơn một tháng ấy để lại trong ông Goro Nakamura những ký ức không thể phai mờ. Hình ảnh một Việt Nam kiên cường trong khói lửa, rồi hồi sinh sau chiến tranh, đã in đậm vào tâm hồn người phóng viên Nhật Bản.

Với ông, giây phút chứng kiến Bắc - Nam liền một dải, đất nước băng qua đau thương để hướng về phía trước, là khoảnh khắc cảm động nhất trong sự nghiệp cầm máy.

"Trên quốc lộ 1 mà đoàn xe đi qua, dấu tích chiến tranh còn dày đặc. Những hố bom loang lổ khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn.

Đến khu vực sông Mekong, đoàn phải chờ rất lâu mới có phà băng qua những con sông lớn như sông Tiền và sông Hậu, rồi đi tàu vào sâu những cánh rừng ở mũi Cà Mau - nơi cây cối đều khô trụi vì chất độc hóa học.

Chiến tranh đã tàn phá tất cả - con người, đường sá, thiên nhiên...", ông kể.

Đó là thời kỳ gian khó, đất nước nghèo đói, thiếu thốn đủ bề.

"Không có khách sạn, tôi cùng các đồng nghiệp phải ở nhờ nhà dân", ông nhớ lại. Bữa cơm khi ấy đơn sơ đến mức phải độn thêm chuối cho no bụng. Dẫu vậy, điều khiến ông ấm lòng là sự đón tiếp nồng hậu từ người dân.

Theo lời ông Goro Nakamura, ngày ấy khi biết có phóng viên nước ngoài đến chụp ảnh, bà con rất vui. Họ mong hình ảnh Việt Nam hậu chiến được lan tỏa thế giới, phản ánh chân thực nỗi đau mà họ gánh chịu.

Nhiều bà mẹ còn bồng con ra để được chụp ảnh, rồi họ dẫn ông đến những cánh đồng cháy xém hoang tàn vì chất độc hóa học.

Chính những chuyến tác nghiệp tại Việt Nam, ông lần đầu gặp hai bé Việt và Đức - những nạn nhân chất độc da cam mang trên mình dị tật nặng nề. "Lúc ấy, tôi cứ nghĩ hai bé sẽ không thể sống được lâu" - ông bùi ngùi nhớ lại, nhưng cũng kinh ngạc trước nghị lực phi thường của hai trẻ.

Bằng ống kính của mình, ông đã đưa hình ảnh Việt và Đức đến với công chúng Nhật Bản. Hành trình lớn lên, vượt qua bệnh tật của hai em được nhiều người theo dõi sát sao suốt nhiều năm trời. Mỗi tấm hình ông chụp là một câu chuyện về lòng kiên cường, về niềm tin và hy vọng.

Theo thời gian, Việt và Đức trở thành những gương mặt quen thuộc tại đất nước mặt trời mọc.

Dù sau này Việt không qua khỏi, còn Đức tiếp tục hành trình sống, ông vẫn duy trì mối liên hệ thân thiết.

"Lần nào sang Việt Nam tôi cũng hẹn gặp Đức", ông nói. Và cuộc hẹn ấy vẫn sẽ tiếp tục như sợi dây bền chặt nối liền quá khứ và hiện tại, giữa một phóng viên Nhật Bản và những người Việt mà ông luôn trân trọng.

Với vị nhiếp ảnh gia 85 tuổi Goro Nakamura, một bức ảnh có thể chứa đựng lượng thông tin khổng lồ, vượt ngoài khả năng diễn tả của ngôn ngữ. Đó là vũ khí mạnh mẽ nhất giúp người xem hiểu rõ những gì đang diễn ra mà đôi khi chữ viết không thể truyền tải đầy đủ.

Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh của mình tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có New York, Los Angeles và California (Mỹ). Ông cũng từng tổ chức triển lãm tại Việt Nam, ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ở Hàn Quốc, nhiều cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam thậm chí đã chung tay hỗ trợ ông tổ chức triển lãm tại Seoul.

Mới đây, ông vừa tổ chức triển lãm tại Tokyo với chủ đề "Con người và chất độc da cam" nhằm tiếp tục truyền tải thông điệp về sự tàn phá của chất độc hóa học.

nhà báo Nhật - Ảnh 3.

Ông Goro Nakamura và ông Nông Văn Đuổng trong lần đến viếng ông Takano Isao ở Lạng Sơn - Ảnh: NVCC

Dân tộc bất khuất

Tình cảm sâu đậm giữa ông Goro Nakamura và người Việt cũng lớn dần qua những chuyến đi dọc mảnh đất hình chữ S. Ông gặp được những con người quả cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương và đồng đội.

"Trong cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam năm 1979 ở Lạng Sơn, khi đồng nghiệp tôi là nhà báo Takano Isao bị bắn chết, đại úy Nông Văn Đuổng đã cố gắng hết sức để bảo vệ thi thể ông Takano lẫn sự an toàn của tôi.

Ông ấy chứng kiến một phóng viên nước ngoài hy sinh ngay tại chiến trường và không muốn mất thêm người thứ hai. Vì vậy, ông ấy đã kiên cường dùng mọi sức lực và khả năng chiến đấu, giúp tôi thoát vòng vây", ông Goro Nakamura xúc động nhắc lại.

Từ đó đến nay, vào ngày giỗ của ông Takano, ông đều trở lại Lạng Sơn viếng mộ đồng nghiệp. Trong chuyến thăm bốn năm trước và gần đây nhất là ngày 7-3, ông đều gặp lại ông Đuổng ở mộ và trò chuyện thân mật, gợi những kỷ niệm xưa cũ.

"Tuy nhiên, trở về Nhật Bản không lâu, tôi hay tin ông Đuổng qua đời. Đó là nỗi buồn sâu sắc và là mất mát lớn của tôi, khi giờ đây tôi không còn được gặp lại người bạn chiến đấu người từng bảo vệ tôi năm ấy", ông nói.

Lần quay lại Việt Nam và thăm TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước này, ông không khỏi ngạc nhiên lẫn vui mừng. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị lớn như Sài Gòn và Hà Nội khiến ông kinh ngạc.

Chuyến đi lần này cũng đánh dấu lần thứ 57 ông Nakamura đến đất nước hình chữ S - một hành trình dài chứng kiến Việt Nam vươn mình từ tro tàn, đầy kiêu hãnh và tự hào. Và cột mốc 50 năm chính là bản hùng ca của những con người không ngừng chiến đấu vì độc lập, tự do và hạnh phúc.

Những bức ảnh hai nhà báo chiến trường Goro Nakamura và Ishikawa Bunyo ghi lại không chỉ phản ánh nỗi đau chiến tranh, mà còn truyền thông điệp về sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam.

"Nếu có một từ để nói về người Việt Nam, với tôi, đó là từ bất khuất, dù trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Người Việt Nam luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi thử thách, phát triển rực rỡ và mạnh mẽ.

Đây không chỉ là đặc điểm nổi bật của các bạn, mà còn là tấm gương cho những người Nhật Bản chúng tôi học hỏi trong cuộc sống", ông Nakamura tâm sự.

Sứ mệnh thứ hai của phóng viên chiến trường

nhà báo Nhật - Ảnh 4.

Ông Ishikawa Bunyo thăm lại chứng tích Vàm Cái Cao (Sóc Trăng) và chắp tay tưởng niệm nạn nhân - Ảnh: VŨ TUẤN

Tôi nghĩ rằng mình đang thực hiện sứ mệnh thứ hai: sứ mệnh góp phần giáo dục lịch sử để xây dựng hòa bình cho đất nước Việt Nam.
Ông Ishikawa Bunyo

Ông Ishikawa Bunyo, phóng viên Nhật, từng tác nghiệp trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất ở Việt Nam. Năm nay ông 87 tuổi, ông ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của nước Việt sau 50 năm hòa bình, thống nhất.

Phóng viên chiến trường dạn dày này từng 9 lần bị thương khi tác nghiệp hồi còn chiến tranh. Hàng nghìn bức ảnh của ông phản ánh chân thực cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam với người dân thế giới.

Chiến tranh kết thúc, ông vẫn nhiều lần trở lại Việt Nam tìm đến những nạn nhân chiến tranh ông từng chụp ảnh và tặng sách, tặng ảnh để thế hệ sau còn nhớ về cuộc chiến anh hùng của cha ông mình.

Về lại nơi bom đạn thảm khốc

Ông Ishikawa tâm sự: "Phóng viên chiến trường chúng tôi có hai sứ mệnh. Một là ghi lại chân thực lịch sử để nhiều người biết đến. Hai là lưu giữ và giới thiệu những khoảnh khắc ấy cho thế hệ sau. Chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đang thực hiện nhiệm vụ thứ hai".

Đến Việt Nam, cựu phóng viên chiến trường tóc đã bạc trắng, đi phải chống gậy, đeo chiếc máy ảnh trên cổ về Cần Thơ, Sóc Trăng tìm lại những nạn nhân trong vụ thảm sát Vàm Cái Cao (Kế Sách, Sóc Trăng) hồi năm 1966.

Mới đó đã gần 60 năm, hôm ấy phóng viên chiến trường Ishikawa nhận tin một vụ "bắn nhầm" của quân đội Mỹ. Ông xin giấy phép đi cùng trực thăng của quân đội Mỹ từ Sài Gòn về Cần Thơ. Lúc ấy, Bệnh viện Cần Thơ có hàng trăm người bị thương được đưa vào cấp cứu. Hàng trăm người, cả trẻ em, người chết, người mất chân tay, người mất người thân... bi thương, tang tóc.

Nhiều năm đã qua, tòa nhà Bệnh viện Cần Thơ năm xưa còn một vài căn nhà cũ, nay là Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Bệnh viện đã được xây dựng khang trang. Trở về Vàm Cái Cao, người phóng viên chiến trường rưng rưng buông mũ cúi đầu tưởng niệm những người đã mất.

Ông Ishikawa mang những bức ảnh mình chụp trong vụ "bắn nhầm" ấy vào nhà người dân. Bà Nguyễn Thị Mấy, 90 tuổi, vừa được con trai đưa đi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Cần Thơ về.

Gần 60 năm trước, vợ chồng bà đi lánh nạn ở Cần Thơ, cô em đi học may ở Mỹ Tho. Năm người khác trong gia đình bà ở lại đều chết cả, một ông cậu mất chân vài năm sau cũng mất.

Đám ma tang tóc, xóm làng khiêng hòm ra bờ kênh, máy bay quần thảo thêm một trận nữa, người trong xóm bỏ cả hòm, dạt xuống kênh. Giờ đây ít người còn biết câu chuyện ấy, thỉnh thoảng bà Mấy mới kể lại cho con cháu nghe.

Ông Ishikawa tìm đến nhà, chỉ từng bức ảnh, mọi người chỉ thấy quen quen, chẳng ai nhớ. Bà Mấy nhận những bức ảnh, kêu con cháu đi từng nhà hỏi, nếu gặp người thân sẽ báo lại cho ông.

nhà báo Nhật - Ảnh 5.

Người mẹ nằm gục ngay trên nắp hầm - Ảnh: Ishikawa Bunyo

Chứng kiến Việt Nam từ đau thương đến phát triển từng ngày

Gia đình ông Ishikawa ở Okinawa (Nhật Bản) cũng có hơn 30 người mất vì chiến tranh. Mẹ ông cũng mất vì chiến tranh. Ngày ấy, ông không được chứng kiến thời khắc mẹ ngã xuống, chỉ nghe tiếng đạn réo trong không khí.

Thế rồi những năm làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam, mỗi lần ông nghe tiếng đạn réo là một lần nỗi đau hiện về.

Ông hiểu sâu sắc nỗi đau mất mát ở mảnh đất này. Bức ảnh ông nhớ mãi là chụp những đứa con khóc ngặt bên người mẹ đã nằm dưới đất. Người mẹ ấy để các con chạy trước xuống hầm, còn mình chạy sau.

Lúc tiếng súng ngưng, đám trẻ chui lên thì mẹ đã nằm gục ngay cửa hầm.

"50 năm đã trôi qua, những người trẻ không trực tiếp trải qua, họ ít biết đến cuộc chiến - ông Ishikawa tâm sự - Tôi tặng lại những bức ảnh tôi đã chụp không phải để người Việt Nam tìm lại nỗi đau mà để ghi nhận lịch sử.

Chiến tranh ở Việt Nam cũng đau thương như ở Okinawa chúng tôi. Ở đó, nhiều người đã không còn biết về chiến tranh".

Người cựu phóng viên chiến trường này có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông thích ăn nước mắm cốt, rau muống, tỏi, ớt, cà phê...

Chiến tranh kết thúc, ông có nhiều dịp trở lại Việt Nam, đi khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc đổi thay của cuộc sống trên đất nước này.

Năm nay đã 87 tuổi, ông tự hào là người chứng kiến bao khoảnh khắc của đất nước Việt Nam từ chiến tranh tàn khốc, đau thương đến phát triển mạnh mẽ từng ngày.

Việt Nam vươn lên trong mắt nhà báo Nhật - Ảnh 6.Gặp Ishikawa Bunyo - phóng viên chiến trường từng chụp ảnh ở cả hai miền Việt Nam thời chiến

'Với tôi, hòa bình là khi có thể sống một cuộc sống bình thường: đi học, đi làm, đọc sách, làm nông' - cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo nghĩ về chiến tranh khi xưa và hòa bình hôm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên