26/04/2025 08:23 GMT+7

Con trai ông McNamara: Cha ơi, sao người Việt Nam lại khao khát thống nhất Tổ quốc như vậy?

'Cha ơi, đã bao giờ cha trở lại để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của Mỹ và hỏi sao người Việt Nam lại khao khát thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ như vậy hay chưa?’.

Cuộc đọ sức của ý chí - VTV Đặc biệt - VTVgo

Đó là câu hỏi của Craig McNamara dành cho người cha Robert McNamara trong tập 1 Cuộc đọ sức của ý chí vừa lên sóng tối 25-4, tập 2 sẽ lên sóng vào ngày 30-4 này.

Ông Robert McNamara từng là bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời tổng thống Kennedy và Johnson, và được biết đến là "kiến trúc sư trưởng" của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Cha đã lắng nghe người dân Việt Nam hay chưa?

Craig McNamara kể ông là một nông dân ở California, nhưng lại có mối liên hệ sâu sắc với chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước thông qua người cha Robert McNamara.

Đầu thập niên 1960, xem miền Nam Việt Nam là "lá chắn để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á", Mỹ đẩy mạnh chạy đua vũ trang tại Việt Nam.

Tổng thống Kennedy đã tìm kiếm một "gương mặt ưu tú" để lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Robert McNamara, chủ tịch mới của Ford Motor Corporation, nổi lên như một người "xuất sắc, chiến lược, đầy tính toán" lọt vào tầm ngắm.

Craig nói cha ông là người ngoài dòng họ Ford đầu tiên nắm giữ vị trí này. Và lúc đó CIA đã mô tả ông Robert McNamara là "nhà quản lý chuyên nghiệp bước vào cuộc chơi quân sự".

"Từ chiếc ghế này, cha tôi đã đưa ra những quyết định thay đổi ông mãi mãi, thay đổi tôi mãi mãi, thay đổi quốc gia và cả thế giới này", ông Craig nói.

Theo lời kể của Craig, tháng 5-1995, cha ông từng nói "chúng ta đã sai, một sai lầm khủng khiếp và chúng ta nợ các thế hệ tương lai một lời giải thích tại sao".

"Nhưng cha ơi, cha đã bao giờ đến Việt Nam để hỏi người dân Việt Nam tại sao hay chưa? Tại sao chúng ta lại thất bại? Tại sao người Việt Nam lại có khao khát thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ như vậy?", con trai McNamara đặt câu hỏi cho người cha đã mất.

Ông Craig đã quyết định thực hiện một hành trình đến nhiều nơi ở Mỹ và Việt Nam để "lắng nghe, để khiêm tốn học hỏi và để cố gắng trả lời câu hỏi đó trong khả năng của mình".

McNamara - Ảnh 1.

Ông Robert McNamara, kiến trúc sư trưởng cuộc chiến tranh tại Việt Nam - Ảnh tư liệu

McNamara đã bỏ qua yếu tố quan trọng nhất

Bước vào cuộc chiến, ông McNamara đã tiến hành cải tổ toàn diện quân đội Mỹ, "hiện đại hóa đến mức tối tân cho tất cả các quân chủng, mở rộng quy mô quân đội"; đồng thời "cắt giảm triệt để những gì lỗi thời và kém hiệu quả.

Ông coi trọng "số liệu và dữ liệu", tin rằng chỉ cần dữ liệu là có thể xây dựng chiến lược quân sự cần thiết ở bất cứ đâu, kể cả ở Việt Nam.

Đó là lý do Mỹ dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam và bảo trợ cho chính quyền này bằng việc liên tục cung cấp vũ khí và gửi tới hàng ngàn cố vấn quân sự.

McNamara - Ảnh 2.

Ông Craig McNamara cùng ê kíp của VTV đi 6 tỉnh, thành, thăm lại những nơi gắn với ông Robert McNamara trong thời gian chiến tranh, gặp lại nhiều cựu chiến binh Việt Nam - Ảnh: VTV

Bộ máy của McNamara ngạo mạn đưa ra mục tiêu sẽ bình định hoàn toàn miền Nam Việt Nam chỉ trong vòng 18 tháng.

"McNamara chỉ tin vào dữ liệu, nhưng dữ liệu mà ông ta nhận được từ Việt Nam, từ các vị tướng ở đó là hoàn toàn sai lệch", ông Phillip Taubman, tác giả cuốn McNamara at war: A new history, đánh giá, "Dựa trên những dữ liệu này, ông ta cho rằng Hoa Kỳ đang làm khá tốt trong cuộc chiến".

Tháng 5-1962, Robert lần đầu đến Việt Nam, tận mắt chứng kiến thành quả sách lược được cho là "hiếu chiến" của mình.

"Mọi tính toán định lượng đều cho thấy chúng ta đang thắng cuộc chiến này". Đó là những dữ liệu có thể định lượng được. Vậy những dữ liệu không định lượng được thì sao?

McNamara - Ảnh 3.

Ông McNamara sang Việt Nam lần đầu tháng 5-1962 - Ảnh chụp màn hình

Thiếu tướng Edward Lansdale - phụ trách CIA miền Nam Việt Nam - đã cố gắng thuyết phục Robert McNamara bổ sung yếu tố quan trọng nhất "yếu tố X - cảm xúc con người" vào các tính toán, nhưng đã bị bỏ qua.

Theo giáo sư Frederik Logevall - giải Pulitzer năm 2013 cho hạng mục Lịch sử với cuốn sách Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America's Vietnam, "đã có những sai sót nghiêm trọng trong giả định của McNamara. Yếu tố X mà McNamara không bao giờ tính được chính là ý chí ngoan cường bất khuất của người Việt Nam".

Để rồi người Việt bước vào một cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, theo lời PGS.TS Hồ Sơn Đài - nguyên trưởng ban lịch sử Quân khu 7.

Đến Việt Nam năm 1966 và ở đó suốt 1 năm, bà Frances Fitzgerald - một trong ba nữ phóng viên chiến trường đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đoạt giải Pulitzer với tác phẩm Fire in the Lake - nhận thấy "có một điều mà người Mỹ không hiểu, đó chính là người Việt Nam thế nào".

"Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, đó là lý do bộ đội có thể chống lại đối phương từ chính những ngôi làng và người dân ở đó", bà nhớ lại.

McNamara - Ảnh 4.

Ông Craig McNamara - Ảnh: VTV

"Tôi buồn biết bao, tôi mất cha theo một cách khác"

Ông Craig đã sang Việt Nam trong 8 ngày và cùng ê kíp của VTV đi 6 tỉnh, thành, thăm lại những nơi gắn với ông Robert McNamara trong thời gian chiến tranh như bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng), hàng rào điện tử McNamara, sân bay Tà Cơn, khu căn cứ B1 Hồng Phước, Ia Đrăng..., gặp nhiều người dân Việt Nam và những cựu chiến binh giai đoạn đó.

Ông cũng về Mỹ Tho thăm lại Ấp Bắc lịch sử, thăm gia đình anh hùng Bảy Đen, một nhân chứng quan trọng của trận đánh đặc biệt này.

McNamara - Ảnh 5.

Ông Craig gặp con gái anh hùng Bảy Đen - Ảnh chụp màn hình

"Cha của các chị có hy sinh khi đang làm nhiệm vụ không?", ông hỏi con gái vị anh hùng ở bên kia chiến tuyến với cha mình.

Bà cho ông xem bức thư ông Bảy Đen gửi trước khi mất: "Các con Hồng và Ánh thân yêu, đã hơn 1 năm rồi xa cách con, ba nhớ lắm. Ba mong sau này khi các con khôn lớn, nếu ba hy sinh rồi, các con cố làm sao cho tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước, quê hương. Gửi các con nhiều cái hôn".

Ông Craig chia sẻ "tôi buồn biết bao". "Các chị mất cha, còn với tôi, cha tôi đã đưa ra những quyết định thay đổi mãi mãi tiến trình lịch sử và tôi cũng mất cha. Nhưng theo một cách khác, tôi không bao giờ có khả năng giao tiếp với ông để hiểu tại sao ông lại là kiến trúc sư của cuộc chiến tranh tại Việt Nam", ông nói.

Con trai ông McNamara: Cha ơi, sao người Việt Nam lại khao khát thống nhất Tổ quốc như vậy? - Ảnh 8.McNamara, Người giỏi nhất và đau khổ nhất

TTCT - Cựu bộ trưởng quốc phòng có thâm niên lâu nhất tại Lầu Năm Góc (1961-1968) là Robert McNamara (Mc) vừa qua đời tại nhà riêng ngày 6-7-2009 ở tuổi 93. Ông là người giỏi nhất, chói sáng nhất nhưng cũng là người đau khổ nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên