15/11/2021 10:01 GMT+7

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ cuối: Giấc mơ những vì sao

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Khám phá vũ trụ không chỉ là biểu tượng của khoa học, công nghệ, niềm tự hào của quốc gia, mà ngày nay các quốc gia còn thấy được giá trị kinh tế khổng lồ từ ngành công nghiệp vũ trụ.

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ cuối: Giấc mơ những vì sao - Ảnh 1.

Sản phẩm hành trình 10 năm làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam - Ảnh: VNSC

Mong muốn làm chủ vùng không gian vũ trụ và phát triển chùm vệ tinh quan sát Trái đất, VNSC (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện nhưng vẫn còn những khó khăn thách thức, đôi khi không chỉ đến từ vấn đề tài chính.

Giá trị vùng vũ trụ

Hiện nay có 4 vùng không gian chúng ta đang làm chủ, gồm vùng đất, vùng biển, vùng trời, không gian mạng. Còn một vùng chúng ta đang bỏ ngỏ, đó là vùng vũ trụ, trong khi thế giới đang có những cuộc đua tranh chấp quyết liệt vùng không gian này.

Từ lâu, những bộ phim khoa học viễn tưởng như Chiến tranh giữa các vì sao, Cuộc phiêu lưu vào không gian, Du hành giữa các vì sao... đã diễn tả phần nào tầm quan trọng của không gian vũ trụ.

Trong thực tế, các cuộc đua thống lĩnh không gian đã vượt ngoài tầm quốc gia. Những nước lớn đã đưa người lên Mặt trăng, xây dựng trạm vũ trụ quốc tế từ hơn nửa thế kỷ trước.

Thế giới đang hướng tới kỷ nguyên "Không gian mới" (New Space). Khám phá vũ trụ không chỉ là biểu tượng của khoa học, công nghệ, niềm tự hào của quốc gia, mà ngày nay các quốc gia còn thấy được giá trị kinh tế khổng lồ từ ngành công nghiệp vũ trụ.

Họ tìm cách đầu tư bằng việc thành lập các trung tâm vũ trụ hoặc kết hợp với các công ty, tập đoàn tư nhân. Đây là thời kỳ nở rộ đầu tư hơn bao giờ hết và không chỉ ở các nước lớn.

Trong một bài viết trên trang KBS World đã nói về cuộc đua này: Các nước Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc đều đã đầu tư lớn vào ngành này. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động chương trình Artemis, đưa người quay trở lại Mặt trăng và sao Hỏa. Công ty tư nhân SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã phát triển vượt bậc, tiếp đến là Tập đoàn Boeing và Công ty Virgin Galactic.

Nga và Trung Quốc đang hợp tác xây dựng một trạm vũ trụ chung để bay lên Mặt trăng, sao Hỏa. Mỹ, Úc và EU cũng đang hợp tác phát triển không gian vũ trụ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng làm thế giới ngạc nhiên khi đưa vệ tinh tiến vào quỹ đạo sao Hỏa.

Luxembourg đã công bố "Kế hoạch sử dụng các tài nguyên vũ trụ", như một động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia vào năm 2017. Anh công bố "Chiến lược tăng trưởng và đổi mới không gian", với mục tiêu chiếm 10% thị phần ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu vào năm 2030. Hàn Quốc cũng có kế hoạch đưa vệ tinh vào quỹ đạo Mặt trăng lần đầu tiên vào năm tới và hiện thực hóa giấc mơ hạ cánh xuống Mặt trăng vào năm 2030.

Không gian từ lâu đã được coi là lĩnh vực của chính phủ và các cơ quan tình báo, quân sự, nhưng giờ đây đang được tiếp cận dưới góc độ kinh tế và thương mại. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính quy mô ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ lên tới 1.000 tỉ USD vào năm 2040.

Ở Việt Nam, năm 1980 anh hùng Phạm Tuân là người đầu tiên bay lên vũ trụ cùng với phi hành gia Liên Xô trong chương trình hợp tác nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của ngành vũ trụ Việt Nam, công nghệ vũ trụ cũng được chú ý khi chúng ta có được những bức ảnh đầu tiên chụp lãnh thổ từ ngoài không gian.

Tháng 6-2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020". Tới nay, Việt Nam đã có những thành quả sau nỗ lực và thấy được tầm quan trọng của công nghệ vũ trụ.

Hiện Việt Nam đang sở hữu những vệ tinh đã có tác động lớn đến hầu hết mọi mặt cuộc sống, như vệ tinh viễn thông VINASat-1, VINASat-2, vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSat-1, và 3 vệ tinh do VNSC tự thiết kế, chế tạo thành công gồm PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon. 

Một vệ tinh cỡ lớn do trung tâm quản lý là LOTUSat-1, dự định phóng vào cuối năm 2023, cùng việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vệ tinh nặng dưới 180kg cũng đang được thực hiện.

Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực trẻ được đào tạo bài bản. Mục tiêu tiếp theo là làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh và xây dựng chùm vệ tinh quốc gia nhằm tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ vệ tinh trong Chiến lược Vũ trụ đến năm 2030. 

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất sử dụng vệ tinh nhỏ". 

"Chúng tôi được Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam giao cho xây dựng đề án này để chuẩn bị trình Chính phủ" - ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc VNSC, cho biết.

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ cuối: Giấc mơ những vì sao - Ảnh 2.

Học sinh, sinh viên trải nghiệm đam mê vũ trụ tại nhà chiếu hình của VNSC - Ảnh: VNSC

Không mạnh dạn sẽ mất cơ hội

Vai trò của công nghệ vũ trụ đối với đời sống con người không còn xa lạ, song muốn phát triển hơn nữa Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược để đón nhận những cơ hội mới.

Nhiều cơ hội hợp tác, tham gia vào các dự án mang tính quốc tế chúng ta cũng bị bỏ lỡ. Mới đây, Mỹ mời Việt Nam tham gia dự án Artemis đưa người trở lại Mặt trăng và sao Hỏa. 

Tuy nhiên, họ yêu cầu các nước tham gia phải ký công ước quốc tế, các bộ ngành phải đồng ý thông qua. "Đây là một dự án nghiên cứu hay về vũ trụ, chúng ta mất những cơ hội vì chúng ta không dám mạnh dạn" - ông Tuấn tiếc nuối.

Ông Tuấn cho biết Liên Hiệp Quốc đã mời Việt Nam tham gia một số công ước về hàng không vũ trụ nhưng chúng ta vẫn chưa tham gia. Việt Nam đã có Công ước về Luật biển, khi cãi nhau mình có thể dẫn theo công ước... Công ước về vũ trụ chúng ta chưa tham gia, nếu có cãi nhau thì chúng ta không biết lấy điều luật gì để viện dẫn.

"Lĩnh vực này không thể nói chỉ để tiêu tốn tiền của, các nước tư bản không bao giờ phung phí tiền cả. Làm công nghệ cao để tạo ra các ứng dụng phục vụ vào các lĩnh vực và tạo ra hiệu quả kinh tế" - ông Tuấn hy vọng Việt Nam sẽ có chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Vì vũ trụ không phải phát triển cho 5-10 năm mà xây dựng chiến lược 20 năm, thậm chí 50 năm.

Còn một hạn chế khác về mặt tâm lý của người dùng. Ứng dụng vệ tinh mặc dù đã được một số lãnh đạo đầu ngành và doanh nghiệp tin dùng, song con số này vẫn ở mức khiêm tốn. Tâm lý e ngại sử dụng vì chưa hiểu biết hoặc hiểu nhưng ngại thay đổi cách làm là điều đang diễn ra phổ biến.

Điều lo ngại nhất thường thấy là sự thay đổi về nhân lực, sẽ thay thế bằng thiết bị máy móc. Chẳng hạn trong lĩnh vực thống kê phải ngồi đợi báo cáo từ các địa phương hoặc xác minh hậu quả thiên tai phải cử các đoàn vào thực địa. Nhưng giờ đây vệ tinh sẽ làm những việc đó rất nhanh và độ chính xác cao hơn.

Một khó khăn nữa, về chế độ chính sách, là giữ chân những người giỏi ở lại trung tâm. Hiện nay với số lượng 120 cán bộ, trong đó chỉ số ít được biên chế và lương tính theo bậc. "Chúng tôi phải mất nhiều năm để đào tạo một cán bộ trong lĩnh vực công nghệ cao này, nhưng với khả năng của họ thì các công ty khác sẵn sàng trả chế độ cao hơn để mời họ về" - ông Tuấn tâm sự.

Về dự định mới, ông Tuấn cho biết chặng thứ hai tiếp tục làm vệ tinh "made in Việt Nam". Thực hiện đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất sử dụng vệ tinh nhỏ", tăng số lượng vệ tinh để hình ảnh được cập nhật nhiều hơn. Ông Tuấn và đội ngũ mong muốn xây dựng được chùm vệ tinh quốc gia, sau này Việt Nam sẽ có một trung tâm quan sát quốc gia để quan sát toàn bộ vùng chủ quyền của đất nước.

Hy vọng những hạn chế sớm được khắc phục để ngành khoa học vũ trụ Việt Nam có thể phát triển đồng bộ và bền vững.

Trong mối quan hệ, VNSC hợp tác quốc tế chặt chẽ với các nước lớn vốn có nguồn nhân lực và kỹ thuật công nghệ vệ tinh đứng trong tốp đầu thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản. Điều này giúp Việt Nam có nhiều cơ hội học hỏi, trở thành đối tác trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 4: Bóng hồng trong chế tạo vệ tinh Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 4: Bóng hồng trong chế tạo vệ tinh

TTO - 'Tôi thấy trái tim mình như sống cùng vệ tinh khi bay vào vũ trụ' - thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, một trong số ít bóng hồng hiếm hoi ở VNSC (Trung tâm Vũ trụ VN thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), chia sẻ.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên