14/11/2021 11:11 GMT+7

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 4: Bóng hồng trong chế tạo vệ tinh

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - 'Tôi thấy trái tim mình như sống cùng vệ tinh khi bay vào vũ trụ' - thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, một trong số ít bóng hồng hiếm hoi ở VNSC (Trung tâm Vũ trụ VN thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), chia sẻ.

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 4: Bóng hồng trong chế tạo vệ tinh - Ảnh 1.

Thảo (tóc dài từ phải qua) là cán bộ nữ duy nhất trong lớp chuyên gia sang Nhật học đợt 1 - Ảnh: VNSC

"Nhiều người ở quê khi nghe tôi làm ở Trung tâm Vũ trụ thì cho rằng cao siêu, con gái làm ngành này lại càng khó tin. Tôi đã có 9 năm trong ngành, tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình. Dù mức độ công việc khó nhưng cũng như các nghề khác, mỗi công việc đòi hỏi chuyên môn riêng. 

Tôi thấy trái tim mình như sống cùng vệ tinh khi bay vào vũ trụ" - thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, một trong số ít bóng hồng hiếm hoi ở VNSC (Trung tâm Vũ trụ VN thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), chia sẻ.

Người thiết kế nhiệm vụ

Có nhiều khối hệ thống con khi làm một vệ tinh, khối nhiệm vụ là một phần quan trọng đầu tiên. Vệ tinh MicroDragon, NanoDragon được chế tạo để làm nhiệm vụ chụp ảnh Trái đất hay thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy... Thảo và một nhóm nhỏ đảm nhận vai trò thiết kế nhiệm vụ cho các vệ tinh ở VNSC.

"Nếu không có nhiệm vụ, không ai sản xuất một vệ tinh đắt đỏ, nhiều công sức để đưa lên vũ trụ mà lại chẳng để làm gì" - Thảo cười cho biết.

Một vệ tinh sẽ có một đến một vài nhiệm vụ khác nhau. Vệ tinh đầu tiên của trung tâm là PicoDragon, có nhiệm vụ kiểm tra khả năng kết nối liên lạc với trạm mặt đất. Đo đạc các thông số của vệ tinh và môi trường không gian, đồng thời chụp ảnh Trái đất.

MicroDragon, vệ tinh thứ hai của VN chế tạo, có nhiệm vụ chính là quan sát vùng biển trải dài của VN nhằm xác định chất lượng nước biển, tìm ra những vùng thích hợp nhất để nuôi trồng thủy sản. 

Ngoài ra, vệ tinh này còn có thêm nhiệm vụ lưu trữ, chuyển tiếp dữ liệu mặt đất và nghiên cứu một số đặc tính của vật liệu trong môi trường vũ trụ.

Ở vệ tinh thứ ba cũng hoàn toàn của VN thiết kế, chế tạo là NanoDragon, Thảo đảm nhận thiết kế nhiệm vụ thứ nhất của vệ tinh. Đó là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo. 

Nhiệm vụ thứ hai của vệ tinh này là tích hợp bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Mỗi sáng, Thảo đến nơi làm việc vào lúc 8h30 sáng trên một đoạn đường ngắn từ khu tập thể của cán bộ trung tâm. Hà Nội giao mùa se lạnh. Thảo rất hào hứng cho một ngày làm việc mới, công việc của cô hôm nay tiếp tục tìm kiếm loại camera để gắn vào vệ tinh.

"Camera phải chọn loại có khả năng hoạt động tốt trong môi trường vũ trụ và chụp ảnh rõ nét đối tượng cần quan sát. Thời gian hoạt động của camera phải bằng với thời gian vệ tinh "sống" trên quỹ đạo" - Thảo cho biết.

Lựa chọn camera cũng phải phù hợp với điểm gắn trên vệ tinh để có được góc chụp tốt nhất vị trí mong muốn. Thảo sẽ phải làm việc rất kỹ với các nhóm chế tạo, làm sao tránh xảy ra sai sót vì khi hỏng hóc trên vũ trụ thì không thể nào sửa chữa.

Nhiệm vụ còn lại Thảo thiết kế và giao cho các thành viên khác trong nhóm thực hiện. Giai đoạn này trung tâm đang quản lý thiết kế chế tạo song song một vệ tinh khác, cỡ lớn hơn có tên LotuSat-1. Tất cả các thành viên đều bận rộn với công việc đòi hỏi độ khó cao và thời gian đã được quy định.

Mỗi nhiệm vụ là một thử thách mới phải vượt qua, không có chỉ dẫn nào được đưa ra trong khi thực hiện. 

"NanoDragon được thiết kế, chế tạo hoàn toàn do nhóm các nhà khoa học, kỹ sư của trung tâm". Không có chuyên gia nước ngoài hay giáo sư ở Nhật giúp như vệ tinh MicroDragon trước đây.

"Không chỉ tính toán các thông số trên giấy tờ, chúng tôi còn phải ra thực địa quan sát, đo lường và thu thập thêm thông tin" - Thảo đưa ra một vài ví dụ. 

Để tìm hiểu nhiệm vụ theo dõi lượng phương tiện trên biển, cán bộ của trung tâm phải liên hệ với bên cảnh sát biển, vận tải biển để biết phạm vi hoạt động của tàu thuyền, và hỏi bên theo dõi khí tượng thủy văn để biết vùng biển có bao phủ của mây, mưa, gió ra sao.

Hoặc nhiệm vụ của những vệ tinh khác là quan sát bờ biển, quan sát mặt nước thì phải xem màu nước và trên nước có rừng hay có công trình xây dựng. 

Quan sát lúa thì cần biết màu lúa, giai đoạn trưởng thành hoặc bị sâu bệnh..., người thiết kế nhiệm vụ phải nắm rõ thông tin dưới mặt đất để vệ tinh hoạt động hiệu quả cao nhất.

Việt Nam - hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 4: Bóng hồng trong chế tạo vệ tinh - Ảnh 2.

Bản đồ theo dõi lúa từ vệ tinh - Ảnh: Bộ NN và PTNT

Khóa học chuyên sâu tại Nhật

Khóa học thạc sĩ hai năm tại Nhật Bản về chuyên ngành khoa học vũ trụ đã giúp Thảo và các đồng nghiệp có được lượng kiến thức lớn từ những giờ học áp lực cao.

Sau khi được tuyển dụng vào trung tâm, Thảo được chọn trong nhóm 36 cán bộ đi Nhật học khóa thạc sĩ. Nhóm lớn được chia làm ba đợt, mỗi đợt 12 cán bộ. Đợt đầu sang Nhật chỉ có Thảo là cán bộ nữ duy nhất.

Tuy là diện cán bộ cử đi học nhưng trước khi nhập học vào trường ĐH của Nhật, các học viên vẫn phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào gắt gao. Thảo đã đạt số điểm cao trong bài thi và bắt đầu nhập học, đăng ký chuyên ngành học về chế tạo vệ tinh.

"Mỗi buổi học sẽ có một bài kiểm tra nhỏ để đánh giá khả năng nắm bắt vấn đề của học viên. Học viên phải thật tập trung trong suốt bài học để làm thật tốt bài thi. Ngoài ra, sẽ có những bài tập lớn hoặc dự án tự làm ở nhà và nộp bài ở buổi học kế tiếp" - Thảo nhớ lại.

"Khó khăn lớn nhất đối với học viên VN là ngoại ngữ" - Thảo cho biết. Các giáo sư Nhật nói tiếng Anh phát âm khác tiếng bản ngữ nhiều và khác với người Việt nói. Lại có giáo sư dạy chỉ nói tiếng Nhật, không nói tiếng Anh. Với kiến thức chuyên ngành mới, giờ học cường độ cao đã gây áp lực không nhỏ đối với học viên.

Trong quá trình học, các học viên được thực hành làm một dự án vệ tinh, chính là vệ tinh thứ hai của VN - MicroDragon. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo sư ở các trường ĐH của Nhật, dự án được triển khai nhanh và thành công qua các khóa học của cán bộ VNSC.

"Vừa học vừa làm vệ tinh càng khiến giờ học áp lực hơn, đến nỗi tôi không có thời gian đi học tiếng Nhật và thường phải xử lý công việc tới 2 giờ sáng mới ngủ. Nhưng chúng tôi thu được những kiến thức rất bổ ích từ lý thuyết đến thực tiễn" - Thảo vui vẻ kể.

Sau khóa học, Thảo cho biết bài học quan trọng nhất là học được quy trình để làm một vệ tinh. Trong quy trình, nhiệm vụ vệ tinh là phần Thảo tìm hiểu chuyên sâu và phụ trách phần việc này khi trở về trung tâm. 

Hai vệ tinh NanoDragon và LotuSat-1 đều do Thảo phụ trách phần nhiệm vụ, trong đó NanoDragon đã được thử nghiệm môi trường thành công và đang chờ phóng tại Nhật.

"Thảo là người làm việc có trách nhiệm và luôn có nguyên tắc. Khi giao việc cho Thảo, chúng tôi rất yên tâm, bất kể công việc gì cô ấy cũng không làm chúng tôi thất vọng" - phó tổng giám đốc Lê Xuân Huy, người phụ trách trực tiếp sản xuất vệ tinh tại trung tâm, cho biết.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Thảo học thạc sĩ tại trường. Khi làm luận văn tốt nghiệp, Thảo nghiên cứu về bộ dao động của vệ tinh viễn thông ViNaSat-1. Vì học chuyên ngành vật lý vô tuyến và điện tử nên Thảo chú ý đến đề tài vệ tinh đang được quan tâm và được thầy hướng dẫn gợi mở thêm.

"Vệ tinh giúp ích cho đời sống của con người về mọi mặt, thông tin liên lạc rất cần thiết. Đặc biệt, sóng vệ tinh ở vùng sâu vùng xa chưa được biết đến nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế tôi đã chọn lĩnh vực này để tìm hiểu sâu hơn về cách làm vệ tinh" - Thảo bày tỏ.

Vừa tốt nghiệp cũng là lúc VNSC tuyển dụng, Thảo đã nộp đơn và đã được tuyển dụng qua các vòng thi.

Gia đình Thảo ở ngoại thành Hà Nội, cha mẹ dù không am hiểu về ngành nghề mà con gái chọn nhưng cả hai vẫn rất ủng hộ cô. 

"Công việc luôn có những thử thách để vượt qua, khoa học vũ trụ luôn kỳ bí và lôi cuốn người làm dù là nam hay nữ. Vệ tinh đặc biệt hơn, nó phục vụ cuộc sống con người hằng ngày chứ không xa xôi như người ta vẫn nghĩ" - Thảo cười nói.

Dự án vệ tinh lớn LotuSat-1 đang ở giai đoạn đầu, phần nhiệm vụ của vệ tinh là tập trung phần ảnh rađa. Thảo đã góp sức không nhỏ cho dự án này, và đây cũng là bước tiến trong sự nghiệp của cô trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh.

-------------------

Mong muốn tiến vào không gian vũ trụ và phát triển chùm vệ tinh quan sát Trái đất, VNSC đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện nhưng vẫn còn những khó khăn thách thức.

Kỳ tới: Giấc mơ những vì sao

Hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 3: Tầm nhìn quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ Hành trình phóng vệ tinh vào vũ trụ - Kỳ 3: Tầm nhìn quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ

TTO - Ra đời muộn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song lĩnh vực vũ trụ Việt Nam đã xây dựng được 4 trụ cột gồm: công nghệ vũ trụ, ứng dụng công nghệ, khoa học vũ trụ, đào tạo và phổ biến kiến thức.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên