Việt Nam sẽ triển khai thí điểm chương trình du lịch với người có hộ chiếu vắc xin tại Phú Quốc, theo bà Lê Thị Thu Hằng - Ảnh chụp màn hình
Trả lời câu hỏi của báo chí về hộ chiếu vắc xin trong cuộc họp báo ngày 7-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết một số nước đối tác đã đề nghị Việt Nam công nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
"Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với các đối tác và bộ ngành liên quan tại Việt Nam, từ đó đề xuất bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vắc xin và đã được lãnh đạo Chính phủ đồng ý", bà Thu Hằng nói.
Trong đó, theo đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, tiêu chí quan trọng hàng đầu là người nào, loại vắc xin gì thì sẽ được Việt Nam công nhận.
"Việt Nam sẽ chấp nhận các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp", bà Thu Hằng thông báo.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Chính phủ Việt Nam đã chuyển từ chiến lược "Zero-COVID" sang thích ứng linh hoạt, vừa phòng chống COVID-19 vừa khôi phục kinh tế. Do đó, hộ chiếu vắc xin hay giấy chứng nhận sức khỏe điện tử được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế.
Theo trang web của WHO, tổ chức này đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho các vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Covishield (một phiên bản của AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ), Janssen của Johnson&Johnson, Sinopharm và Sinovac.
FDA phê duyệt vắc xin Pfizer, Moderna và Janssen trong khi EMA chấp thuận sử dụng khẩn cấp vắc xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer/BioNTech và Janssen.
Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell của Sinopharm, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận