29/09/2023 14:33 GMT+7

Việt Nam chủ động dừng các mã số vi phạm để khắc phục

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định Trung Quốc không tạm dừng, mà Việt Nam chủ động tạm dừng, thu hồi các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây vi phạm để khắc phục.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo - Ảnh: C.TUỆ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo - Ảnh: C.TUỆ

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra sáng 29-9, bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - khẳng định thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu đối với 74 mã số vùng trồng và 47 cơ sở đóng gói trái cây (chuối, mít, thanh long, sầu riêng,...) vi phạm kiểm dịch thực vật là không chính xác.

"Không phải phía Trung Quốc tạm dừng, mà Việt Nam chủ động tạm dừng, thu hồi các mã số này để rà soát lại hệ thống, yêu cầu các biện pháp khắc phục để đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu" - bà Hương nói và cho biết tại cuộc họp song phương mới đây, phía Trung Quốc đánh giá rất cao Việt Nam khi chủ động thực hiện việc tạm dừng và thu hồi các mã số vi phạm.

Theo bà Hương, trên thực tế có hai cách ứng xử với mã số vi phạm. 

Thứ nhất, nước xuất khẩu chủ động tạm dừng để rà soát, tự khắc phục nhằm tăng cường tính minh bạch trong quá trình thực hiện. 

Thứ hai là nước nhập khẩu tạm dừng các mã số vi phạm.

"Trong hai trường hợp này, nếu để nước nhập khẩu thu hồi thì đây là chuyện rất lớn, khi đó việc đàm phán để tháo gỡ sẽ mất nhiều thời gian, chưa kể là ảnh hưởng đến xuất khẩu ngành hàng đó. 

Do đó, thông thường Việt Nam và các nước sẽ chọn phương án chủ động thu hồi để khắc phục trước khi cho phép xuất khẩu trở lại" - bà Hương nói.

Theo bà Hương, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam hiện nay chủ yếu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

"Để quản lý tốt hơn thì Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp cùng Cục Trồng trọt xây dựng nghị định quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để nâng cao tính răn đe" - bà Hương nói.

Về việc công khai các doanh nghiệp vi phạm để răn đe cũng như bảo vệ doanh nghiệp làm tốt, bà Hương cho biết khi nhận được thông báo vi phạm từ nước nhập khẩu như Trung Quốc hay các nước khác, Cục Bảo vệ thực vật đều thông báo đến địa phương để truy xuất nguyên nhân và các biện pháp khắc phục, sau khi khắc phục xong, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đàm phán để nước nhập khẩu cho phép sử dụng lại mã số.

"Thông tin về các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm đều được Cục Bảo vệ thực vật gửi đến các tỉnh, đăng trên website của cục" - bà Hương nói thêm.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sau 9 tháng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt 3,66% so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỉ USD, nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng vượt bậc, đóng góp lớn trong xuất khẩu là rau quả đạt 4,2 tỉ USD, tăng 71,8%; gạo đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỉ USD, tăng 14%...

"Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy được sự nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua trước bối cảnh có nhiều khó khăn" - ông Tiến nói.

Xuất khẩu trái cây: Còn du di, "chết" cả làngXuất khẩu trái cây: Còn du di, 'chết' cả làng

Sau những thông tin hồ hởi về xuất khẩu trái cây, trong đó có sầu riêng, đã có những vụ việc không hay, mới nhất là thông báo tạm dừng và thu hồi một số vùng trồng do vi phạm khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên