11/06/2015 11:38 GMT+7

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi - Kỳ cuối: Tôi yêu Việt Nam

CHRISTOPHER RUNCKEL
CHRISTOPHER RUNCKEL

TT - Vào giữa tháng 1-1995, sau một vài trục trặc, cuối cùng văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng ra đời.

Ngày 5-8-1995, lá cờ Mỹ được kéo lên tại lễ khánh thành đại sứ quán ở Hà Nội. Ngoại trưởng Warren Christopher có mặt trong buổi lễ này - Ảnh tư liệu C.R
Ngày 5-8-1995, lá cờ Mỹ được kéo lên tại lễ khánh thành đại sứ quán ở Hà Nội. Ngoại trưởng Warren Christopher có mặt trong buổi lễ này - Ảnh tư liệu C.R

James Hall, lúc đó là trưởng khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, lên đường nhận nhiệm sở ở Hà Nội vào ngày 18-1-1995.

Ký kết thỏa thuận

Đây là tuần lễ bận rộn vì tôi phụ trách chiêu đãi ngoại giao hoặc tiệc tối tới bốn trong số bảy đêm của tuần.

Uống rượu là một bệnh nghề nghiệp mà nhiều nhà ngoại giao gặp phải. Nguy hiểm này nhân đôi tại Hà Nội khi cộng đồng người nước ngoài có cuộc sống cô đơn, căng thẳng và khó khăn, khiến nhiều người uống nhiều hơn mức giới hạn giữ sức khỏe tốt cho chính họ.

Ngày 28-1-1995 chúng tôi có một buổi lễ lớn tại nhà khách Chính phủ, đối diện với khách sạn Metropole. Lễ này có sự tham dự của hầu hết những người chúng tôi đã làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và các quan chức Việt Nam cao cấp khác.

Tại buổi lễ, chúng tôi đã ký bốn thỏa thuận: thỏa thuận về mở văn phòng liên lạc, thỏa thuận về trao trả tài sản tư nhân, thỏa thuận về giải quyết tài sản ngoại giao và thỏa thuận về quan hệ lãnh sự sơ bộ.

Theo tôi nhớ, James Hall đã ký thỏa thuận về việc mở văn phòng liên lạc và thỏa thuận về quan hệ lãnh sự. Dennis Harter ký kết thỏa thuận trao trả tài sản tư nhân mặc dù ông thật sự không tham gia gì vào tiến trình đi đến thỏa thuận này và tôi ký thỏa thuận giải quyết tài sản ngoại giao.

Tôi tham gia vào quá trình thương lượng của tất cả bốn thỏa thuận trên, đặc biệt là thỏa thuận về tài sản ngoại giao và tài sản tư nhân, vốn là hai thỏa thuận có ý nghĩa rất lớn đối với Chính phủ Mỹ.

Hoa Kỳ chính thức khai trương văn phòng liên lạc tại Hà Nội ngày 28-1-1995 và chúng tôi chuyển từ khu văn phòng JTF đến tòa nhà tại số 7 Láng Hạ vào ngày hôm đó.

Oanh, Hà, bản thân tôi và những người khác nhớ rằng chuông điện thoại không ngừng reo vì giới báo chí muốn có thông tin về vấn đề này và xin vài lời mặc dù chúng tôi đã được chỉ thị không được nói chuyện với báo chí và để Washington DC thực hiện thông báo này.

Hôm sau, ngày 29-1-1995, tôi bay vào TP.HCM tham dự một buổi lễ tại cổng đại sứ quán Mỹ cũ trước năm 1975, nơi tôi đã đến nhiều lần trong năm qua và nhận chìa khóa tượng trưng về việc trao trả. Từ thời điểm đó, bất động sản này nằm trong quyền quản lý của Chính phủ Mỹ.

Chúng tôi cũng nhận được chìa khóa một tài sản nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu và một tài sản lớn hơn ở đường Lê Quý Đôn, trong đó bao gồm một ngôi nhà đổ nát lớn, kho hàng, vốn thuộc về bộ phận công cộng của đại sứ quán trước năm 1975, tất cả đều tại TP.HCM.

Cả hai tòa nhà thuộc lãnh sự quán cũ ở Hà Nội đang trong tình trạng xuống cấp nặng nên bị đập bỏ và các bất động sản tại đường Lê Quý Đôn, TP.HCM cũng thế.

Số lượng tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ Hoa Kỳ trước năm 1975 chủ yếu ở Sài Gòn, nhưng cũng có khá nhiều ở Huế - với hơn 30 bất động sản.

Chính phủ Việt Nam cuối cùng đồng ý định giá các bất động sản cũ này bởi một cơ quan đánh giá độc lập, giá trị các tài sản cũ được khấu trừ vào giá trị thị trường của bất động sản mới. Chính phủ Mỹ sẽ được trả lại phần chênh lệch bằng tiền và vì vậy những tài sản cũ không cần phải trả lại.

Chris và Soraya đến ăn tết ở nhà người đạp xích lô già. Cho đến bây giờ, sau 20 năm, con trai người đạp xích lô và gia đình Chris vẫn liên lạc với nhau - Ảnh tư liệu C.R
Chris và Soraya đến ăn tết ở nhà người đạp xích lô già. Cho đến bây giờ, sau 20 năm, con trai người đạp xích lô và gia đình Chris vẫn liên lạc với nhau - Ảnh tư liệu C.R

Xông đất nhà người đạp xích lô già

... Ngay sau khi tôi trở về Hà Nội là tết đến, tôi nhớ đây là năm đầu tiên Việt Nam cấm đốt pháo vì tai nạn do pháo gây ra quá lớn và vì sự lãng phí rất lớn về tiền bạc.

Trước kia, vào ngày đầu năm mới, tất cả đường phố đều bị phủ bởi một lớp xác pháo hồng dày lên đến hàng centimet.

Lệnh cấm đốt pháo là một “sự giải cứu” lớn cho tất cả chúng tôi vì cứ nhìn vào đống xác pháo cũng đủ biết làm sao chúng tôi có thể ngủ yên từ đêm giao thừa cho đến sáng mùng 1 tết!

Tết đó, ông xích lô quen thuộc mời chúng tôi làm khách xông đất nhà họ - đây là vinh dự cho gia đình và là một điềm báo tốt lành cho một năm mới của họ. Nếu vị khách đầu tiên là người khá giả, nổi tiếng hay được nhiều người biết đến thì may mắn của vị khách đó sẽ tràn vào nhà gia chủ.

Người đạp xích lô này sống trong khu dân cư khá thưa thớt và rõ ràng không phải là một khu giàu có của thành phố, vả lại nghề đạp xích lô được coi là công việc thấp kém.

Mặc dù thực tế ông xích lô của Soraya và Charlie là người nghèo, nhưng nhà họ sạch sẽ, gọn gàng và rõ ràng gia đình họ đã chuẩn bị chu đáo cho bữa ăn tối này. Chúng tôi ăn bánh chưng và các món truyền thống ngày tết.

Tôi đã ăn tối với các gia đình Việt Nam nhiều lần và nơi nào cũng thế, tôi cảm nhận được đạo đức công việc của họ, sự nền nếp và khát vọng muốn mang đến cho lũ trẻ trong gia đình một cuộc sống tốt hơn, mà tôi luôn nghĩ đó là những phẩm chất cơ bản của người Việt Nam.

Tôi yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy đất nước này. Tôi có sự tôn trọng không phai mờ đối với người Việt Nam. Họ là một trong số những dân tộc làm việc cần cù nhất mà tôi từng gặp.

Sự ngưỡng vọng của họ đối với giáo dục và sự thúc bách đảm bảo rằng con cái của họ có được một nền giáo dục tốt hơn và một cuộc sống tốt hơn so với bản thân họ là điều khiến tôi tôn trọng sâu sắc. Văn hóa Việt Nam đáng yêu và là điều một khi tìm hiểu thêm, tôi càng tôn trọng sâu sắc hơn.

Soraya và tôi không ngừng qua lại Việt Nam. Từ năm 1999, Soraya và tôi đã đi du lịch đến Việt Nam bốn hoặc năm lần một năm và tổng cộng gần 75 lần trong gần 15 năm qua. Chúng tôi đã giúp nhiều trường đại học Hoa Kỳ liên kết với các trường đại học của Việt Nam trong những chuyến thăm này.

Chúng tôi đã giúp sinh viên Việt Nam đến học ở Mỹ và tìm học bổng, đó là vai trò mà chúng tôi hỗ trợ cho đến ngày nay. Bây giờ chúng tôi dành một phần thời gian trong năm khi ở Mỹ, khi ở Thái Lan hoặc ở Việt Nam.

Gần đây nhất, chúng tôi giúp đỡ Việt Nam và các nước châu Á khác với các công nghệ mới chế tạo ra nhiên liệu xe từ chất thải nông nghiệp. Con trai của chúng tôi bây giờ là một tiến sĩ về sinh học phân tử, đã tham gia với chúng tôi và đang nỗ lực làm dự án này.

Cháu là thế hệ thứ ba trong công ty được thành lập lần đầu tiên vào năm 1968, một năm trước khi tôi đến Việt Nam lần thứ nhất.

Tôi biết rằng mình còn phải đạt được thêm một vài thành tựu nữa ở Việt Nam và tôi chắc chắn rằng tôi sẽ bị cuốn vào đó sâu hơn trong tương lai. Việt Nam đối với tôi giờ đây không phải là một quốc gia - đó là một tiếng gọi, một đất nước mà tôi sẵn sàng đứng lên để đáp lời.

Ngày 1-2-1995, Việt Nam mở văn phòng liên lạc ở Washington do ông Lê Văn Bàng làm trưởng đại diện.

Ngày 6-2-1995, lá cờ Mỹ đầu tiên được kéo lên tại văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Ngày 11-7-1995, Tổng thống Clinton công bố thỏa thuận về mở quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ngày 12-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt công bố bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

___________

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi 

>> Kỳ 1: Lần đầu đến Hà Nội
>> Kỳ 2: Câu chuyện của một người vợ
>> Kỳ 3: Đàm phán và giải quyết tài sản
>> Kỳ 4: James Rockwell và Công ty VATICO
>> Kỳ 5: Thứ trưởng Lê Mai và những vị “mafia Cuba”

CHRISTOPHER RUNCKEL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên