Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Ngày 24-8, Tổng thống Biden cho biết chính phủ của ông sẽ xóa bỏ các khoản vay sinh viên trị giá 10.000 USD cho hàng triệu cựu sinh viên đại học đang mắc nợ, giữ nguyên cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020.
Cố vấn chính sách đối nội của Nhà Trắng Susan Rice cho biết các khoản vay sinh viên được cấp sau ngày 30-6 năm nay sẽ không đủ điều kiện để xóa nợ.
Cũng theo bà Rice, hiện chính phủ chưa quyết định ngân sách dành cho việc xóa nợ bởi điều này còn phụ thuộc vào số lượng đơn đăng ký.
Theo Hãng tin Reuters, động thái này có thể thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11.
Song một số nhà kinh tế lo ngại quyết định của ông Biden có thể thúc đẩy lạm phát. Một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng đặt câu hỏi liệu tổng thống có thẩm quyền hợp pháp để hủy bỏ khoản nợ này hay không.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói chính quyền có thẩm quyền hợp pháp để xóa bỏ khoản nợ theo luật.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden tuyên bố động thái mới là "dành cho những gia đình cần được xóa nợ nhất - tức những người lao động và tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch". Ông cam kết không có hộ gia đình thu nhập cao nào được hưởng lợi nhằm xoa dịu sự chỉ trích.
Việc trả nợ sinh viên tại Mỹ vốn đã được tạm hoãn kể từ đầu khi bùng phát dịch COVID-19. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi ông Biden xóa khoảng 50.000 USD cho mỗi người vay.
Học phí đại học của Mỹ cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia giàu có khác và người tiêu dùng Mỹ đang gánh khoản nợ vay sinh viên trị giá 1.750 tỉ USD, phần lớn do chính phủ liên bang nắm giữ.
Ông Biden cho rằng các nước khác có thể qua mặt Mỹ về mặt kinh tế nếu sinh viên không được hỗ trợ kinh tế.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói kế hoạch này có thể mang lại lợi ích cho 43 triệu sinh viên vay tiền, hủy bỏ hoàn toàn khoản nợ của khoảng 20 triệu người.
Thêm dầu vào "ngọn lửa" lạm phát?
Việc xóa nợ sinh viên sẽ giải phóng hàng trăm tỉ USD cho chi tiêu tiêu dùng. Khoản tiền vốn để trả nợ này nay có thể đổ vào việc mua nhà và các khoản chi phí lớn khác - điều khiến giới chuyên gia lo ngại gây cản trở cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ.
Đảng Cộng hòa chủ yếu phản đối quyết định trên, cho rằng đây là động thái không công bằng.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell chỉ trích quyết định của ông Biden "là một cái tát vào mặt mọi gia đình đã hy sinh để dành cho đại học, mọi sinh viên tốt nghiệp đã trả nợ và mọi người Mỹ đã chọn một con đường sự nghiệp khác hoặc tình nguyện phục vụ trong lực lượng vũ trang của chúng ta để tránh gánh nợ".
Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng việc giảm nợ sẽ "tiêu tốn các nguồn lực có thể được sử dụng tốt hơn để giúp những người không có cơ hội học đại học vì bất kỳ lý do gì".
Trong khi đó, giáo sư Jason Furman của Đại học Harvard, người đứng đầu Hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cho biết việc hủy bỏ nợ sẽ vô hiệu hóa sức mạnh của Đạo luật chống lạm phát.
"Đổ khoảng nửa nghìn tỉ USD xăng vào ngọn lửa lạm phát đang bùng cháy là liều lĩnh", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận