09/01/2025

Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa được cho giúp bạn ‘nạp lại năng lượng’ cho phần còn lại của ngày. Tuy nhiên, một số người sẽ có cảm thấy đờ đẫn, uể oải người sau khi ngủ trưa. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Các giai đoạn của một giấc ngủ

Giấc ngủ thông thường sẽ có 2 chu kỳ: Giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM: Non-Rapid Eye Movement) và giấc ngủ có chuyện động mắt nhanh (REM: Rapid Eye Movement). Người ngủ sẽ luân phiên trải qua 2 chu kỳ này qua lại cho đến khi tỉnh giấc. Trong đó bao gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 kéo dài từ 5-10 phút, giai đoạn này đưa cơ thể vào giấc ngủ liu thiu, dễ bị đánh thức bởi các yếu tố bên ngoài và có thể không ngủ lại được nếu bị đánh thức.

Giai đoạn 2 kéo dài khoảng 20-30 phút, lúc này, nhịp tim, nhịp thở đều đặn chậm lại. Nhiệt độ cơ thể giảm, cơ thể chuyển sang trạng thái thư giản và thả lỏng hơn.

Giai đoạn 3 hay còn được gọi là giai đoạn ngủ sâu, là thời điểm giấc ngủ sâu và ngủ ngon nhất, kéo dài từ 20 đến 40 phút. Cơ thể bắt đầu quá trình chữa lành các mô, sản sinh tế bào mới, xây dựng cơ bắp và tăng cường hệ thống miễn dịch. Và người ngủ sẽ rất khó bị đánh thức nếu không bị tác động mạnh bởi môi trường xung quanh.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn ngủ yên, thuộc chu kỳ ngủ có chuyện động mắt nhanh, hầu hết các giấc mơ sẽ xuất hiện ở giai đoạn này. Đặc điểm sinh lý có thể nhận thấy là mí mắt chuyển động nhanh, nhịp tim nhanh và huyết áp tăng lên. 

Một giấc ngủ được coi là đầy đủ ở người trưởng thành là một giấc ngủ kéo dài 6-8 tiếng và lặp lại các chu trình ngủ 4-5 lần không bị gián đoạn.

Có nên ngủ trưa hay không?

Ngủ trưa được xem là nhu cầu sinh lý bình thường của con người, một giấc ngủ trưa với thời gian phù hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có một giấc ngủ trưa từ 15 - 40 phút có thể cho não nghỉ ngơi, mắt đỡ mỏi, phục hồi sức khỏe, thậm chí cải thiện sức khỏe tim mạch. Vì thế, việc ngủ trưa được xem là một thói quen tốt ở người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Tại sao nhiều người lại thấy mệt mỏi sau khi ngủ trưa?

Thực ra việc cảm thấy uể oải, mệt mỏi sau ngủ trưa có liên quan mật thiết độ dài giấc ngủ. Việc ngủ trưa quá lâu sẽ khiến cơ thể đi vào giai đoạn 3 và 4, tức lúc ngủ sâu, lúc này sóng não yếu nhất và cơ bắp thả lỏng hoàn toàn. Dẫn đến việc khi bị đánh thức bất chợt, một số chứng năng cơ thể có thể bị rối loạn, bộ não chưa kịp phản ứng lại với môi trường và ánh sáng xung quanh. Nhiều người, nhất là với những người làm việc văn phòng thường vừa ngủ trưa dậy là đã làm việc, khiến các nhóm cơ đang trong trạng thái thư giãn phải hoạt động, tiêu tốn rất nhiều năng lượng để tập trung tức thời, từ đó cảm thấy mệt mỏi hơn. Ngoài ra, nếu giấc ngủ trưa quá ngắn cũng ít nhiều gây ảnh hưởng về mặt tâm lý, cảm giác “ngủ chưa đã” vô hình trung làm bản thân có phần bực dọc, khó chịu. 

Cũng theo các nghiên cứu, thời gian ngủ trưa lý tưởng là từ 12-15h chiều, khi nhịp sinh học chậm lại, trùng với nhịp sinh học vào ban đêm, hoàn toàn phù hợp với những giấc ngủ ngắn kéo dài 10-40 phút và không gây cản trở giấc ngủ ban đêm. Tuy nhiên, ngủ trưa quá trễ hoặc quá lâu sẽ tác động tiêu cực đến cơ thể, không chỉ gây rối loạn về giờ giấc sinh học tự nhiên, mà còn khiến cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch

Để tránh tình trạng mệt mỏi sau giấc ngủ trưa, chúng ta chỉ nên ngủ trưa trong khoảng thời gian ngắn, đủ để giúp tinh thần tỉnh táo, tăng năng suất làm việc mà không gây tác động tiêu cực nào đến cơ thể.

Xem thêm: Alo là gì mà ai cũng nói từ alo khi nghe điện thoại?

Xem thêm: Bạn có đang uống cà phê đúng cách?

Xem thêm: Tại sao răng khôn mọc lệch lại ngày càng phổ biến?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên