07/07/2025

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và BHYT vẫn diễn ra tại nhiều nơi, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Theo đó, Luật BHXH 2024 và Luật BHYT 2024 đã tăng mức xử phạt cho hai hành vi vi phạm trên. Cụ thể như sau:

Phân biệt "chậm đóng" và "trốn đóng" bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi an sinh của người lao động và sự bền vững của hệ thống chính sách.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Luật Bảo hiểm y tế 2024 đã làm rõ hai hành vi vi phạm này để tăng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác xử lý. Cụ thể:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hành vi:

- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chậm nhất;

- Không lập danh sách hoặc lập không đầy đủ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hành vi người sử dụng lao động:

- Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chậm nhất theo quy định và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.

Mức xử phạt chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm được quy định như sau:

Đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT:

- Bắt buộc phải nộp đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng;

- Nộp thêm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, BHYT;

- Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

- Không được xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Đáng chú ý, riêng với hành vi trốn đóng, người sử dụng lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đây là điểm mới, thể hiện rõ sự nghiêm khắc trong công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.

Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trước ngày 1-7-2025 có bị xử lý theo luật mới không?

Hai bộ Luật BHXH, BHYT lần này cũng có quy định chuyển tiếp cụ thể đối với các khoản nợ BHXH, BHYT chưa hoàn tất tính đến ngày 30-6-2025, cụ thể như sau:

- Khoản 12, Điều 141, Luật BHXH năm 2024 quy định: Đối với số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo quy định tại Luật BHXH 2014 và Luật Việc làm 2013 nhưng đến hết ngày 30-6-2025 vẫn chưa đóng hoặc chưa đóng đầy đủ thì sẽ bị xử lý theo quy định về chậm đóng, trốn đóng trong Luật BHXH 2024.

- Điểm d, khoản 5, Điều 3, Luật BHYT năm 2024 quy định: Đối với số tiền bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo các quy định trước đây, nhưng đến ngày 30-6-2025 vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định mới của Luật BHYT 2024.

Xem thêm: Rút tiền hộ: trò lừa đảo nhằm vào học sinh, sinh viên, người cần tiền gấp…

Xem thêm: Đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm sẽ nhận được quyền lợi nào?

Xem thêm: Bâng khuâng đi 'tìm lại ký ức' với Google Maps, bạn đã thử chưa?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên