08/01/2024

Bên cạnh việc ủng hộ cũng như tuân thủ chấp hành việc đo và xử phạt nồng độ cồn, nhiều bạn đọc thắc mắc cũng như đặt vấn đề với những trường hợp không uống rượu bia nhưng khi đo qua máy vẫn có nồng độ cồn thì sẽ giải quyết như thế nào?

Trong thời gian qua, việc xử lý nghiêm nồng độ cồn, tạo thói quen 'uống rượu bia, không lái xe' đã có những dấu hiệu tích cực. Theo Cục Cảnh sát giao thông, năm 2023, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn là hơn 770.000 trường hợp (tăng 460.000 trường hợp so với năm 2022). 

Bên cạnh việc ủng hộ cũng như tuân thủ chấp hành việc đo và xử phạt nồng độ cồn, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đã gửi thư thắc mắc cũng như đặt vấn đề với những trường hợp không sử dụng bia rượu hoặc dùng thuốc, ăn trái cây nhưng khi đo qua máy vẫn có nồng độ cồn thì xử trí như thế nào, làm cách nào để chứng minh bản thân không uống rượu bia với CSGT?

Theo luật sư Đinh Bá Trung - Công ty luật Án Việt cho biết: Để góp phần bảo đảm an toàn giao thông, Nhà nước ta đã ban hành "Luật phòng chống tác hại của rượu, bia", trong đó, nghiêm cấm hành vi "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Những ai vi phạm quy định này, tuỳ theo mức độ, có thể phải chịu trách nhiệm như sau:

- Xử phạt hành chính: Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 để xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Xử lý hình sự: Điều 260, 272, 277 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ, tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay.

- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: theo Bộ luật dân sự 2015

Giao thông đường bộ là loại giao thông phổ biến và tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ là phổ biến. Khi tham gia giao thông, ô tô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ, cộng thêm với việc tài xế có nồng độ cồn trong máu thì khả năng tài xế gây tai nạn cho chính mình và cho người khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Thiệt hại phát sinh có thể là gây ra chết người, gây thương tích, gây thiệt hại về tài sản,…

Theo thông tin Luật sư được biết, hiện nay, thiết bị đo nồng độ cồn chỉ hiển thị chỉ số hơi thở có nồng độ cồn là bao nhiêu miligam/1 lít khí thở mà không thể hiện rõ nguyên nhân làm hơi thở có nồng độ cồn như: ăn trái cây lên men, ngậm cồn y tế, uống thuốc giảm đau hay là uống rượu, bia.

Nhiều trường hợp cho rằng chỉ uống thuốc giảm đau và không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng thiết bị đo vẫn hiển thị thông số nồng độ cồn. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn, căn cứ khoản 3 Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014, bạn có thể đề nghị CSGT đưa anh đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác.

Nhưng việc đề nghị đưa đi xét nghiệm nồng độ cồn trong máu trong trường hợp này còn liên quan đến thời gian, thủ tục và tình hình nhân sự của chốt cảnh sát giao thông đó nên lời đề nghị của anh có thể được chấp nhận hoặc không được chấp nhận. Nếu cho rằng việc bị xử phạt là không đúng, anh có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi hành chính, quyết định hành chính này theo quy định của pháp luật.

Tôi không rõ việc uống thuốc trị bệnh có làm cho người uống thuốc bị hiểu nhầm là đã uống rượu bia hay không. Đây là vấn đề chuyên môn sâu, tôi nghĩ ngành y tế và công an cần sự xem xét, đánh giá kĩ lưỡng. Nếu thực sự uống thuốc mà thổi lên nồng độ cồn, các cơ quan chức năng cũng nên họp bàn, từ đó tham mưu, đề xuất để Nhà nước ban hành văn bản pháp luật xử lý trường hợp uống thuốc mà thổi lên nồng độ cồn (ví dụ có thể quy định tỷ lệ % nồng độ cồn/lít khí thở khi xử phạt vi phạm hành chính).

Trong khi đó, nói về vấn đề có hay không việc sử dụng các loại thức ăn có chế biến bằng cách hấp bia, cơm rượu, đồ ăn lên men, nước hoa quả hay việc dùng các loại thuốc, siro có làm bản thân người sử dụng có "dính" nồng độ cồn hay không, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết khả năng của những trường hợp này là có và đã từng biết vài trường hợp tương tự, nhất là các trường hợp sử dụng thuốc Đông Y, vì đây là những loại người ta có thể pha hoặc thành phần có chứa lượng cồn nhất định. 

Tuy nhiên, rất khó để xác định thông qua việc đo nồng độ cồn vì những thứ này chuyển hóa rất nhanh. Cách an toàn nhất là sau khi sử dụng thức ăn, nước uống, thuốc,... khiến bạn nghi ngờ có ảnh hưởng đến nồng độ cồn thì bạn nên nghỉ ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi điều khiển phương tiện giao thông. 

Nếu bản thân không gặp vấn đề bất thường về chuyển hóa trong cơ thể thì có thể yên tâm xin CSGT cho ngồi nghỉ, uống nước lọc khoảng 15-20 phút sau đó kiểm tra lại. Dù nhiều trường hợp sau khi nghỉ ngơi đo vẫn lên nồng độ cồn thì có thể tiến hành các thủ tục chẩn đoán chính xác thông qua hình thức xét nghiệm theo quy định của pháp luật. 

* Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.

Xem thêm: Có nồng độ cồn ở mức 0,025mg/l khí thở, nữ tài xế liên tục giải thích mình đang dùng thuốc


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên