Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội tháng 2-2019 - Ảnh: AFP
Xác nhận chính danh
Kết luận đó không hề mới ở Mỹ, quốc gia luôn tự nhận là ngọn hải đăng của các giá trị dân chủ và tự do. Trong quan hệ quốc tế, tính chính danh (Legitimacy) của một nhà nước và lãnh đạo của nhà nước ấy là điều rất quan trọng, bởi nó là nền tảng để một quốc gia có chỗ đứng, có tiếng nói trên trường quốc tế.
Hôm 11-7, truyền thông quốc tế đồng loạt loan tin Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp, đưa Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong Un trở thành nguyên thủ quốc gia.
Bản hiến pháp cũ trước đó chỉ đơn giản gọi ông Kim là "nhà lãnh đạo tối cao", người chỉ huy "tổng lực lượng quân sự của đất nước".
Cũng theo bản hiến pháp cũ ấy, nguyên thủ quốc gia là chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên, người được lựa chọn từ những người trực tiếp do nhân dân bầu ra.
Thực tế mà nói, dù không có bước đi này, sẽ không có ai phản đối nếu nói ông Kim là người đàn ông quyền lực nhất Triều Tiên. Nói cách khác, sự thay đổi về chức vụ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến cách ông Kim Jong Un điều hành đất nước do ông nội ông sáng lập.
Nhưng nó có ý nghĩa lớn trong quan hệ quốc tế, thậm chí nói đầy lạc quan như Hong Min - nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc tại Seoul, việc thay đổi chức danh của ông Kim là sự chuẩn bị của Triều Tiên cho một hiệp ước hòa bình toàn diện với Mỹ.
Các quan chức Mỹ gần đây đã bắn đi tín hiệu cho thấy Washington đang sẵn sàng cho một thỏa thuận hạn chế căng thẳng với Triều Tiên, mở văn phòng liên lạc và tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Ông Trump là người thích những thứ mang tính biểu tượng và đi vào lịch sử nên nếu một hiệp ước hòa bình được ký giữa Mỹ và Triều Tiên, ông ta chắc chắn là người cầm bút làm điều đó.
Và ở chiều ngược lại, ông Kim có lẽ sẽ khó bỏ lỡ cơ hội đem lại bước thay đổi tốt đẹp cho đất nước.
Viễn cảnh như vậy xem ra vẫn còn chưa đến gần, nhưng việc thay đổi chức danh của ông Kim sẽ giúp các thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên chính danh và ít gây tranh cãi hơn.
Chờ kết quả thực tiễn
Thực tế cho thấy từ sau cuộc gặp đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018, người ta chỉ chú trọng nhiều đến kết quả hơn là việc xét nét ông Kim có đủ tư cách ngồi ngang hàng với ông Trump hay không. Nhưng các ý kiến chỉ trích vẫn xuất hiện, đặc biệt nhiều tại Mỹ.
Tính chính danh từ lâu đã trở thành vũ khí của những trò diễn ngôn tại xứ cờ hoa của phe đối lập, nhất là khi các hoạt động mang tính ngoại giao được thúc đẩy với những quốc gia có hệ tư tưởng và hệ thống chính trị khác Mỹ.
Mercedes Schlapp - giám đốc chiến lược về truyền thông hiện tại của Nhà Trắng - từng lên Twitter chỉ trích cựu tổng thống Barack Obama của Dân chủ về chuyến thăm Cuba năm 2016, vì cho rằng nó đang giúp chính quyền La Habana giành được tính chính danh và vẽ ra viễn cảnh ông Obama sẽ bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Điều đó đã trở thành sự thật dưới thời ông Trump, người thậm chí còn bước sang lãnh thổ Triều Tiên.
Schlapp tất nhiên im bặt, nhưng không thiếu sự chỉ trích vì Đảng Dân chủ đã diễn lại vai khi xưa của bà. Nói ra điều này để thấy tính chính danh là một thứ gì đó rất cảm xúc.
Nếu ông Trump từ chối bắt tay với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sẽ không ai dám nói Ottawa mất đi tính chính danh là một trong những đất nước dân chủ hàng đầu thế giới.
Tương tự, tính chính danh của ông Kim cũng không được trao tặng bởi những cái bắt tay của ông Trump.
Những tranh luận về tính chính danh của ông Kim và ông Trump là điều không cần thiết, trong khi các kết quả từ những cuộc đàm phán mới là thứ đáng được dành sự chú ý nhiều nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận