
Khu du lịch Núi Cấm nổi tiếng khắp cả nước khi có tượng Phật Di Lặc cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á, và có núi cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: BỬU ĐẤU
Vì sao gọi là xã Núi Cấm?
Ngày 9-7, ông Phạm Văn Phúc - bí thư Đảng ủy xã Núi Cấm, tỉnh An Giang - cho biết việc thành lập xã Núi Cấm trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tân Lập và xã An Hảo.
Xã Núi Cấm hiện nay có diện tích tự nhiên là 84,18km2 (đạt 280,6% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 25.066 người (đạt 156,66% so với tiêu chuẩn).
Địa giới hành chính liền kề với các đơn vị phường Chi Lăng, xã An Cư, xã Thạnh Mỹ Tây, xã Tri Tôn, xã Ba Chúc, xã Ô Lâm.
Việc đặt tên xã Núi Cấm, theo tên ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, là phù hợp. Địa danh này là danh lam thắng cảnh nổi tiếng và điểm du lịch trọng điểm của An Giang, được biết đến rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tên gọi xã Núi Cấm tạo thuận lợi cho số hóa, dễ nhận diện, ngắn gọn, đảm bảo tính hệ thống, và phát huy lợi thế địa phương. Đồng thời nó thể hiện sự kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, và định hướng phát triển của địa phương.

Sáp nhập xã An Hảo và xã Tân Lập thành xã Núi Cấm là một trong 2 xã mới của tỉnh An Giang khi chọn địa danh nổi tiếng, lâu năm để làm tên xã - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Chúng tôi kỳ vọng với mô hình chính quyền 2 cấp sẽ tạo điều kiện để chính quyền xã được tiếp xúc trực tiếp với dân nhiều hơn, gần dân hơn, nắm bắt nhanh nguyện vọng, phản ánh của người dân. Từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề chính đáng của người dân", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, Núi Cấm sắp tới sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch. Cần đẩy nhanh quy hoạch và triển khai đề án phát triển Khu du lịch Núi Cấm, đồng thời có cơ chế quản lý hiệu quả.
Ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, thu hút đầu tư. Tăng cường vốn đầu tư công và xã hội hóa cho phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là đầu tư du lịch để khai thác tiềm năng.

Núi Cấm cao 716m so với mặt nước biển, được xem là nóc nhà miền Tây - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Sau sắp xếp, xã Núi Cấm với địa hình đa dạng (núi và đồng bằng) có lợi thế kép. Núi Cấm là biểu tượng tâm linh, khí hậu trong lành, nhiều danh thắng (tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á, hồ Thủy Liêm…).
Tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng bằng thích hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế nông thôn", ông Phúc cho biết.
Cù Lao Giêng trăm năm
Trong khi đó, ông Lưu Minh Tuấn - chủ tịch UBND xã Cù Lao Giêng - cho hay xã Cù Lao Giêng được thành lập mới từ 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Sau khi thành lập xã Cù Lao Giêng có diện tích tự nhiên 68,92km2 và quy mô dân số 70.372 người.
Việc đặt tên xã là Cù Lao Giêng do địa danh này đã tồn tại lâu đời. Theo địa bạ triều Nguyễn (1836), Cù Lao Giêng có hai thôn Mỹ Hưng và Mỹ Chánh thuộc tổng An Toàn, phủ Tuy Biên. Năm 1917 tổng An Bình có 6 làng, gồm: Tân Phước, Tân Đức, Phú Xuân, Mỹ Hưng, Mỹ Chánh và Bình Đức Đông.

Xã Cù Lao Giêng nằm giữa sông Tiền nên thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước. Trong ảnh là một góc khu du lịch sinh thái Cồn Én nằm giữa sông Tiền - Ảnh: BỬU ĐẤU
Năm 1917 Cù Lao Giêng còn 4 làng. Đến năm 1957 còn 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Phần lớn người dân đồng ý tên xã là Cù Lao Giêng sau khi lấy ý kiến.
Cù Lao Giêng nằm giữa sông Tiền, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thu hút du khách đến tham quan và khám phá. Hầu hết đất sản xuất nông nghiệp là cây ăn trái, mà chủ yếu là xoài.
Đặc biệt, Cù Lao Giêng nổi bật với nhiều công trình kiến trúc cổ độc đáo: Quần thể kiến trúc Công giáo; Nhà thờ Cù Lao Giêng (xây dựng 1875-1887, một trong những nhà thờ cổ nhất Nam Kỳ); Tu viện Chúa Quan Phòng (dòng nữ tu, ấp Tấn Bình, kiến trúc Roman, xây dựng những năm 1970 thế kỷ XIX); Tu viện Phanxico (khuôn viên 71.000m2, xây năm 1876) từng là nơi đào tạo linh mục các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, nơi đào tạo nhiều giáo sĩ miền Nam.
"Đáng chú ý, Cù Lao Giêng là điểm dừng chân lý tưởng của An Giang cho các hãng tàu quốc tế trên hành trình khám phá Mekong (Sài Gòn - Phnom Penh). Với tiềm năng tự nhiên và văn hóa phong phú, Cù Lao Giêng cung cấp nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng. Nơi đây còn có vùng trồng xoài tập trung quy mô lớn", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên hạ tầng giao thông Cù Lao Giêng còn hạn chế, kết nối chưa tốt cho vận chuyển khách và hàng hóa lớn, cầu hẹp. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, mới chỉ tập trung vào tham quan di tích, khó giữ chân du khách.
Thiếu dịch vụ chuyên nghiệp, hệ thống du lịch còn hạn chế, tự phát. Chưa có hoạt động vui chơi về đêm, trải nghiệm địa phương. Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về quản lý và khai thác du lịch.
"Đề nghị cấp trên hỗ trợ xã đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu, đường, cầu tàu, tiện ích công cộng), tăng cường quảng bá du lịch Cù Lao Giêng. Đồng thời liên kết với công ty lữ hành và điểm đến lân cận để phát triển tour tuyến du lịch", ông Tuấn cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận