23/02/2022 19:09 GMT+7

Vì sao thừa hơn 300 triệu liều vắc xin COVID-19?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tính đến cuối tháng 1, chương trình COVAX có 436 triệu liều vắc xin để phân bổ cho các nước. Tuy nhiên các quốc gia chỉ đề nghị COVAX cung cấp 100 triệu liều đến hết tháng 5. Như vậy lần đầu tiên cung vượt cầu về vắc xin.

Vì sao thừa hơn 300 triệu liều vắc xin COVID-19? - Ảnh 1.

Người dân Kenya xếp hàng tại một điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Tài liệu của Nhóm phân bổ vắc xin độc lập COVAX cho biết các quốc gia thu nhập thấp - đối tượng ưu tiên hàng đầu của COVAX - chỉ yêu cầu cung cấp 100 triệu liều đến hết tháng 5-2022.

Đây là lần đầu tiên sau 14 đợt phân bổ vắc xin, COVAX nhận thấy tình trạng cung vượt cầu. Số vắc xin thừa lần này sẽ được bảo quản, phân phối trong các đợt phân bổ tiếp theo.

Hãng tin Reuters trích dẫn số liệu mới công bố của COVAX cho thấy việc cung vượt cầu hơn 300 triệu liều là câu chuyện có cả mặt "chưa tích cực".

Năm ngoái, các quốc gia giàu có đã sử dụng hầu hết các liều sẵn có để tiêm cho công dân của họ trước tiên. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt vắc xin ở các nước thu nhập thấp.

Bước sang năm 2022, khi nguồn cung và các khoản quyên góp tăng lên, các quốc gia nghèo hơn lại phải đối mặt với những rào cản khác không phải sự cạnh tranh từ nước giàu.

Đó là sự thiếu hụt dây chuyền lạnh, tâm lý do dự vắc xin và thiếu tiền để hỗ trợ các mạng lưới phân phối vắc xin.

Các quan chức tham gia phân phối vắc xin giải thích nhiều quốc gia từ chối nhận thêm vì hệ thống phân phối và bảo quản lạc hậu.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi, nơi đang có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong các châu lục trên thế giới.

Đã có hy vọng rằng các nước châu Phi sẽ có thể sử dụng hàng tỉ liều vắc xin COVID-19 dựa trên kinh nghiệm của họ trong việc đối phó với các bệnh chết người như Ebola hay sốt rét.

Song một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy châu Phi không thể tăng tốc tiêm chủng vì thiếu thiết bị phân phối và bảo quản. 44 trong 55 quốc gia ở châu lục này than thở về tình trạng thiếu tủ đông âm sâu và tủ lạnh để chứa vắc xin.

Một số quốc gia không thể huy động đủ tiền hỗ trợ cho các chiến dịch tiêm chủng. Trên toàn cầu, các sáng kiến hỗ trợ phân phối vắc xin ngày càng nhận được ít tiền từ các nước giàu khi họ bắt đầu giai đoạn sống chung với dịch, theo Reuters.

Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia y tế công cộng khác cảnh báo việc chậm triển khai vắc xin ở các nước nghèo hơn sẽ tạo cơ hội cho virus đột biến và xuất hiện các biến thể mới.

Vì sao CDC châu Phi đề nghị thế giới tạm ngừng tài trợ vắc xin COVID-19? Vì sao CDC châu Phi đề nghị thế giới tạm ngừng tài trợ vắc xin COVID-19?

TTO - Ông John Nkengasong, giám đốc của CDC châu Phi, cho biết cơ quan này sẽ yêu cầu quốc tế tạm dừng tất cả các đợt gửi tặng vắc xin COVID-19 đến quý 3 hoặc quý 4 năm nay.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên