26/03/2021 14:47 GMT+7

Vì sao dự án BOT xa lộ Hà Nội chưa xong nhưng bắt đầu thu phí?

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Ngày 26-3, Công ty CII cho biết kể từ 22h ngày 27-3 sẽ vận hành thu phí 0 đồng trên xa lộ Hà Nội, tức là xe qua trạm dừng lại nhưng không mất tiền, trước khi chính thức thu phí kể từ ngày 1-4-2021.

Vì sao dự án BOT xa lộ Hà Nội chưa xong nhưng bắt đầu thu phí? - Ảnh 1.

Trạm thu phí ở xa lộ Hà Nội - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Sáng 26-3, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (gọi tắt là Công ty CII), cho biết kể từ 22h ngày 27-3, công ty sẽ vận hành thử nghiệm thu phí 0 đồng tại dự án BOT xa lộ Hà Nội. Việc vận hành này nhằm thử nghiệm, kiểm tra hệ thống thu phí trước khi chính thức thu phí kể từ ngày 1-4 theo sự chấp thuận của Thành ủy, UBND TP. 

Theo bà Trâm, đến tháng 12-2018, tổng chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ vốn thực hiện dự án và được Kiểm toán Nhà nước xác nhận là 3.016 tỉ đồng. 

Trong khi đó, tính đến 31-12-2020, do phát sinh các hạng mục còn lại của công trình (do nhận thêm mặt bằng)... nên tổng mức đầu tư đã lên đến 4.905 tỉ đồng.

Theo theo phương án tài chính hợp đồng BOT đã ký năm 2009, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được thu phí hoàn vốn từ 1-10-2018 trong 17 năm 9 tháng. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm thu phí, đến nay TP mới quyết định cho thu phí hoàn vốn cho dự án này. 

Bà Trâm cho hay việc chậm thu phí sẽ phát sinh lãi vay của dự án khoảng 480 tỉ đồng/năm, tương đương thời gian thu cũng kéo dài thêm 6 năm. Theo quy định, lãi phát sinh sẽ được tính vào dự án. 

"Do đó, chậm thu phí càng lâu, thời gian phát sinh thu phí càng kéo dài. Còn nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư 10 năm nay cũng rất khó khăn để trả khoản vay cho dự án", bà Trâm nói.

Vì sao dự án chưa xong mà đã thu phí? Theo bà Trâm, căn cứ theo các quy định hiện hành thì "không có quy định nào yêu cầu dự án BOT mới được thu phí". 

Mặt khác, đặc thù dự án này lại chia thành 3 giai đoạn. Dự án đã hoàn thành 100% trục chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia, nâng cấp rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông. Còn trục đường song hành bên phải hoàn thành 93%, trục đường bên trái hoàn thành 74%.

Theo bà Trâm, riêng trục đường song hành bên trái dù chưa hoàn thành 100% nhưng đã đưa vào sử dụng cho xe máy, xe tải đi. Các hạng mục chưa hoàn thành do vướng mặt bằng, chồng lấn hạ tầng của một số dự án như metro, vệ sinh môi trường. 

"Hiện mặt bằng đoạn ở Bình Dương chưa bàn giao do giá đền bù chưa thống nhất, trong khi chủ đầu tư cũng đã chuyển tiền rồi", bà Trâm nói.

Bà Trâm cho hay công ty đã thi công trên tất cả mặt bằng đã nhận bàn giao, toàn bộ trục chính từ cầu Sài Gòn đến nút Đại học Quốc gia đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng. 

Về thắc mắc là trước đây trạm thu phí đã thu phí rồi mà nay lại thu nữa, bà Trâm cho khẳng định rằng "dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do công ty triển khai từ 2010 đến nay chưa bao giờ thu phí và hiện TP.HCM mới cho thu phí hoàn vốn kể từ 1-4. Trước đây, theo bà Trâm, TP.HCM thu phí ở trạm BOT gần cầu Rạch Chiếc để hoàn vốn cho dự án khác, đó là cầu Rạch Chiếc".

Theo bà Trâm, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7km bắt đầu từ cầu Sài Gòn cho đến điểm tiếp giáp với Đồng Nai, tức là quy mô trải dài cả xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, do đó việc thu phí tại trạm Rạch Chiếc là hoàn toàn hợp lý và tuân thủ quy định.

Từ ngày 1-4: Thu phí đường bộ Trạm BOT xa lộ Hà Nội Từ ngày 1-4: Thu phí đường bộ Trạm BOT xa lộ Hà Nội

TTO - Chiều 18-3, Thành ủy TP.HCM có thông báo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP về phương án thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn).

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên