Theo các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu cát từ Campuchia về Việt Nam, mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nhập từ 30.000 - 60.000m3. Đơn vị cung cấp cát chính phía Campuchia gồm các công ty như Chaktomuk, Sok Theara và Global Green Energy.
Được tạo thuận lợi trong nhập khẩu cát
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ hải quan tỉnh An Giang cho biết hoạt động nhập khẩu cát qua đường sông Tiền ở cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương diễn ra bình thường, không còn gặp khó khăn về thủ tục như trước. Các doanh nghiệp nhập khẩu cát không tốn thuế nhập khẩu mà chỉ đóng thuế VAT 10%.
"Tuy nhiên, tình hình sà lan chở cát đưa xuống Việt Nam trên sông Tiền có phần giảm. Tùy theo ngày mà lượng sà lan cát nhập về tăng hay giảm nhưng thường thứ bảy, chủ nhật, Sở Xây dựng tỉnh không làm việc nên họ không xin giấy xác nhận được nên cát về giảm", vị này nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh An Giang khẳng định việc nhập khẩu cát trên sông Tiền từ Campuchia về Việt Nam đã thuận lợi hơn. Nhưng vài tháng nay các doanh nghiệp nhập khẩu cát chuyển hướng sang Đồng Tháp.
Tại cuộc họp đối thoại mới đây, một số doanh nghiệp phản ảnh nhiều vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng cát nhập khẩu, đồng thời kiến nghị cho nhập khẩu cát vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang lại cho biết đơn vị này làm việc 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa vào ngày nghỉ liên quan đến cơ quan kiểm tra chuyên ngành là Sở Xây dựng, trong việc tiếp nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo vị này, để đủ thủ tục hồ sơ thông quan trong ngày nghỉ cuối tuần, doanh nghiệp còn phải phụ thuộc vào Sở Xây dựng.
Tuy nhiên do đơn vị này khá xa cửa khẩu nên doanh nghiệp phải mất thời gian di chuyển nhiều giờ, trong khi cửa khẩu đường biên phải đóng lúc 18h theo quy định, nên hàng hóa rất dễ chậm và phải chờ sang hôm sau. Dù vậy, hải quan cam kết sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu cát.
"Doanh nghiệp cũng kiến nghị Sở Xây dựng đưa giấy kiểm tra chuyên ngành lên hệ thống một cửa quốc gia. Hoặc khi có giấy tiếp nhận, doanh nghiệp scan, đưa lên hệ thống của hải quan và thông báo cho hải quan cửa khẩu để được giải quyết linh động", vị này cho biết.
Nguồn cát nhập dồi dào nhưng giá cao
Theo ông Nguyễn Hải Đ. - giám đốc Công ty VLXD Hải Đ., cát từ Campuchia chủ yếu là những loại cát tốt, giá cao, nếu dùng cát này với số lượng lớn để san lấp nền móng dự án giao thông, chắc chắn sẽ "ngốn" rất nhiều kinh phí.
Do vậy khó có doanh nghiệp nào dám nhập khẩu cát từ Campuchia về để san lấp đường cao tốc hay công trình giao thông. Bởi các gói thầu trong nước thường áp giá theo giá khảo sát cát san lấp trong nước, thường chỉ từ vài chục đến hơn 100.000 đồng/m3.
Còn cát bên Campuchia nhập về cửa khẩu đã mất 200.000 đồng/m3. "Chi phí vận chuyển, bơm lên công trình khoảng 80.000 đồng/m3. Vì vậy, nếu nhập khẩu cát về san lấp cầm chắc là lỗ.
Thực tế cũng có gói thầu san lấp cho giá cát san lấp lên tới 400.000 đồng/m3, nhưng giá này làm cũng không lời bao nhiêu. Do vậy nếu có doanh nghiệp nào nói có khả năng mua cát từ Campuchia về san lấp công trình giao thông thì phải xem xét lại cho kỹ", vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Đại, giám đốc điều hành Công ty Trường Sơn 11 - đơn vị thi công giai đoạn 1 đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cho biết thông tin Campuchia có thể bán cát sang Việt Nam số lượng lớn là tin vui nhưng trở ngại lớn nhất là giá. Theo ông Đại, chất lượng cát Campuchia thường là cát vàng, rất tốt nếu sử dụng đổ bê tông.
"Tôi tính sơ bộ, lượng cát cần cho san lấp giai đoạn 1 qua địa phận An Giang của dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là gần 12 triệu m3. Nếu nhập cát, chi phí đầu tư tăng rất lớn. Trường hợp vẫn nhập cát Campuchia để san lấp thì phải bổ sung hồ sơ vật liệu là cát Campuchia làm căn cứ chứng minh thực mua thực chi để thanh toán", ông Đại nói.
Lãnh đạo Công ty Thành Trung, đơn vị chuyên thi công các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang, cũng cho rằng rào cản lớn nhất là giá cát Campuchia cao hơn trong nước. Tại khu vực An Giang, giá cát Campuchia nhập về đã cao hơn 30% so với trong nước.
"Về mặt chất lượng và trữ lượng, cát Campuchia rất dồi dào. Thủ tục nhập khẩu cũng thuận lợi, rõ ràng về mặt pháp lý. Cái khó là giá cát cao hơn nên các nhà thầu mới ngán ngại", vị này khẳng định.
3 công ty Campuchia có thể cung cấp trên 1,3 tỉ m3 cát
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương lập phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án, phối hợp với Bộ TN-MT điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, Campuchia có trữ lượng cát lớn lên tới cả tỉ mét khối trên sông Mekong (chảy vào Việt Nam là sông Tiền) và sông Bassac (chảy vào Việt Nam là sông Hậu).
Campuchia không cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài khai thác cát, chỉ cấp phép cho ba doanh nghiệp trong nước khai thác là: Công ty Chaktomuk, Công ty Global Green Energy và Công ty Sok Theara.
Cụ thể, Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia cấp phép cho Công ty Chaktomuk Campuchia khai thác ba mỏ cát trên sông Mekong, cách cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) lần lượt là 18km, 22km và 45km.
Trữ lượng khai thác ba mỏ này khoảng 680 triệu m3. Hiện mỗi ngày Công ty Chaktomuk Campuchia xuất khẩu từ 40.000 - 60.000m3 cát cho khoảng 15 - 20 công ty của Việt Nam.
Tương tự, Công ty Global Green Energy được cấp phép các mỏ cát có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, mỗi ngày xuất khẩu khoảng 10.000m3 cát cho 2 - 3 công ty Việt Nam.
Còn Công ty Sok Theara được cấp phép mỏ cát có trữ lượng hơn 200 triệu m3 nhưng chưa xuất khẩu sang Việt Nam. Từ năm 2021 - 2023 và trong bốn tháng đầu năm 2024, các công ty Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 23,6 triệu m3 cát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận