Các bác sĩ trong tổ chống dịch lưu động của Bộ Y tế thăm bệnh nhân nhiễm virus corona đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - Ảnh: THÚY ANH
Điểm đáng chú ý trong sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới nhất là trường hợp bệnh nhân thứ 13, vừa có xét nghiệm xác định dương tính tối 7-2: bệnh nhân không sốt, không ho, không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn nhiễm virus corona.
Vì vậy thời gian ủ bệnh có phải 14 ngày như các hướng dẫn trước đây hay không, hay thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, biểu hiện bệnh bao gồm những gì... là vấn đề được các chuyên gia y tế bàn thảo và hướng dẫn.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn thu dung bệnh nhân viêm phổi do virus corona mới vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy nhiên hướng dẫn mới nhất là khi ghi nhận bệnh nhân mới sẽ tiến hành điều trị tại chỗ, ngay từ bệnh viện tuyến huyện.
Hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thời gian qua có 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và hôm 3-2 đã ra viện.
Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corana chủng mới tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Điều trị theo phương châm 4 tại chỗ
Thông tin tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu...
“Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học” - ông Khuê nói.
Phương châm điều trị, theo ông Khuê, là 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do dịch bệnh đến từ nhiều nước, nguồn lây từ khắp nơi, dịch không tập trung. Trong khi dịch SARS trước đây chỉ khu trú tại Bệnh viện Việt Pháp và biện pháp lúc đó là đóng cửa bệnh viện.
“Giai đoạn bệnh nhẹ giữ tại huyện, như ở Bình Xuyên Vĩnh Phúc điều trị 4 bệnh nhân với sự hỗ trợ của tuyến trên, nặng hơn lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Các địa phương khác cũng thế, hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây” - ông Khuê nói.
Ông Lương Ngọc Khuê trả lời báo chí bên lề cuộc họp - Ảnh: L.ANH
Vì sao không sốt, ho vẫn nhiễm virus corona?
Ông Khuê cho biết đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều tử vong, nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc), còn lại đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt.
Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao, chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus.
"Những phát hiện này đều là rất mới với cả chúng tôi", ông Khuê nói.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai - diễn biến tổn thương phổi do nhiễm virus corona rất tệ nên cần hồi sức tích cực và điều trị can thiệp từng giai đoạn.
Trong đó lọc máu hấp thụ cytokine hoặc tác động vào cơ chế bệnh sinh làm giảm tổn thương phổi bước đầu thành công bệnh nhân nhiễm cúm hoặc virus corona. Lưu ý cần thực hiện 2-4 ngày đầu nhiễm bệnh.
Ông Đào Xuân Cơ, trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, hướng dẫn tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: L.ANH
Một người bệnh lây cho 2,2 người
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới, phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi nguy cơ hơn, ít ca bệnh báo cáo ở trẻ nhỏ.
Đáng lưu ý nhất là tỷ lệ tử vong, SARS 10%, MERS- CoV 34%, viêm phổi Vũ Hán nCoV 2%. Đại đa số ca tử vong ở Vũ Hán, chỉ có 2 ca tử vong ngoài Vũ Hán nhưng đều có tiền sử đi từ Vũ Hán.
Tương tự với cúm, một người nhiễm nCoV lây cho 2,2 người. Những bệnh hay gặp ở Việt Nam, như sởi tỷ lệ 12-18, cao hơn nCoV.
Không thể so sánh với Ebola nếu so về tốc độ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là bệnh do virus và chúng ta chưa có thuốc đặc trị và văcxin, nhưng điều trị hỗ trợ vẫn đang cho hiệu quả cao.
Cán bộ y tế là nhóm nguy cơ cao và cần tuân thủ biện pháp phòng ngừa chuẩn.
Vị đại diện này cũng cho biết ngày 17-1 kết quả giải trình tự gen virus corona mới được gửi cho Tổ chức thế giới. Hơn 1 tháng trước chúng ta biết rất ít về virus này, nhưng trong thời gian qua đã có hơn 800 bài báo khoa học được công bố, người ta đã biết nhiều hơn về virus corona.
Tổ chức Y tế thế giới đã cung cấp trên 6.500 mồi (sinh phẩm) để xét nghiệm virus corona tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng cung cấp rất nhiều mồi chuẩn.
“Khi đeo khẩu trang chúng ta phòng cho người khác khi có biểu hiện nhiễm, nếu giữ khoảng cách ít nhất 1m nguy cơ sẽ giảm xuống. Rửa tay sạch là biện pháp kinh điển nhưng hiệu quả cao” - đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết.
"Đây là lúc ứng phó, không phải là lúc lo sợ", đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng nhắc lại câu nói của tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cuối tháng 1, khi công bố dịch này là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu.
Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona tự hồi phục sau 1 tuần
GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết việc lây nhiễm virus corona có thể diễn ra trong vòng 15 phút. Người nhiễm virus nCoV có biểu hiện nhiều thể lâm sàng. Có thể không biểu hiện triệu chứng, có thể nhẹ có sốt nhẹ, ho nhẹ và rát họng.
Thể điển hình nhất là biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở, X-quang có hình ảnh viêm phổi. Ở thể nặng có xuất hiện phù phổi cấp, tổn thương phổi, suy hô hấp.
Tuy nhiên, theo ông Kính, hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona mới chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Có khoảng 30-50% người nhiễm bệnh có viêm phổi và 30% trong số này cần thở máy. Ở những người có diễn tiến nặng có thể xuất hiện biến chứng tổn thương gan, thận.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết hiện viêm phổi do virus corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng.
Thực tế nhiều ca nhiễm virus corona chết do diễn biến các bệnh nền chứ không phải do chính virus. Do đó, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.
Bộ Y tế hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus corona tại cuộc họp trực tuyến - Ảnh: XUÂN MAI
Phải đảm bảo thông khí tại buồng bệnh cách ly
Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng.
Mỗi buồng bệnh cần đảm bảo 2 cửa chính, nếu không đủ cần tăng cường các biện pháp thông khí cưỡng bức (sử dụng các thiết bị điều chỉnh không khí) nhằm đảm bảo môi trường không khí an toàn.
Về nguy cơ lây nhiễm, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính hiện ở miền Nam đang có nắng ấm, có thể khống chế lây lan và tiêu diệt sự phát tán của virus. Trong khi đó miền Bắc thời tiết đang lạnh, việc cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm cần được tăng cường hơn.
Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona.
Khẩu trang y tế, khẩu trang vải đều dùng được
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, 3 đường lây cơ bản của virus corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí.
“Qua đường lây này cho thấy cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Nhưng không phải hoảng loạn vì khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn.
Chỉ những người có tiếp xúc với bệnh nhân trực tiếp tại khu vực cách ly mới cần sử dụng khẩu trang N95” - ông Hùng nói.
Sẽ cưỡng chế nếu người bị cách ly không tuân thủ
Theo ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - do những thay đổi mới ghi nhận về căn bệnh này, việc giám sát, sàng lọc bệnh nhân cũng thay đổi.
Chỉ cần bệnh nhân có một trong những biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, có lịch sử đi lại ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày đều được coi là nghi nhiễm, đưa vào sàng lọc.
Ông Dương cũng cho biết cần lập danh sách theo dõi sức khỏe, theo dõi nhiệt độ hàng ngày với cán bộ y tế, coi đây là người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
"Hướng dẫn của Bộ Y tế đã rất rõ ràng, cụ thể, ai làm gì, cán bộ y tế phải ứng xử tận tình, chia sẻ, cảm thông với người được cách ly. Người được cách ly phải đảm bảo cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, nếu không sẽ bị cưỡng chế nếu người bị cách ly không tuân thủ" - ông Dương hướng dẫn.
Khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm virus corona mới tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Tính đến sáng 8-2, Bộ Y tế thông báo số người chết do virus corona đã tăng thêm 81 người, lên 724 người (vượt qua đại dịch SARS), số ca nhiễm mới tăng hơn 2.800 ca, lên gần 35.000 trường hợp.
Cũng theo Bộ Y tế, sau 4 ngày vận hành tổng đài 19009095 đã tiếp nhận khoảng 15.000 cuộc gọi phản ánh và giải đáp các thông tin liên quan đến dịch corona cũng như cách thức phòng chống dịch bệnh virus corona.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp Bộ Thông tin - truyền thông cũng gửi tin nhắn cưỡng bức về phòng, chống dịch bệnh virus corona gửi đến tất cả thuê bao trên toàn quốc.
Buổi trực tuyến với 700 đầu cầu kết thúc lúc hơn 12h trưa. Đây là cuộc trực tuyến lớn với 700 đầu cầu thứ 2 trong chưa đầy 10 ngày qua về hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận