Người vi phạm giao thông đóng tiền phạt tại thanh tra Sở GTVT TP.HCM, chuyển đến kho bạc qua đường bưu điện - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại hội trực tuyến về an toàn giao thông mới đây, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - yêu cầu các nghiên cứu chuyển dần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sang xử phạt qua tòa án.
Tài xế Nguyễn Văn Cẩn ở huyện Củ Chi, TP.HCM nói rằng mình đồng tình với hành vi đơn giản như dừng, đậu sai quy định... nên xử lý thông qua camera để phạt nguội.
Các vi phạm đơn giản này không nên chuyển qua tòa án vì sẽ làm mất thời gian, công sức trong khi mọi người đang hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Việc xử lý qua tòa án chỉ những trường hợp chây ì không đóng phạt vi phạm hành chính nhiều lần hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng như: chống đối người thi hành công vụ, gây tai nạn nghiêm trọng bỏ trốn...
Ngoài ra, cần phải tạo ra được cơ chế giám sát về mặt công nghệ, hạn chế phát sinh tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, có như vậy mới công bằng, sòng phẳng, theo anh Cẩn.
Trong khi đó, cô sinh viên Nguyễn Thị Thanh Nga của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng nên phạt bổ sung lao động công ích.
Với những hành vi vi phạm an toàn giao thông có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo Thanh Nga, nên có biện pháp xử lý thích hợp để vừa răn đe, giáo dục, vừa cảnh báo người vi phạm.
"Tôi đồng tình với đề xuất tăng mức phạt nếu lần thứ nhất, thứ hai không đến nộp phạt và chuyển sang tòa án nếu lần thứ ba vẫn chưa đóng phạt. Điều này đánh vào ý thức chấp hành của người vi phạm sau khi bị xử phạt, tránh trường hợp tái phạm. Theo tôi, việc xử phạt hành chính hiện nay với những lỗi tiềm ẩn gây nguy hiểm như điều khiển phương tiện khi say xỉn, đua xe, lạng lách, đánh võng...", Thanh Nga cho biết.
Ngoài ra, cô sinh viên này nói rằng cần thêm những hình phạt bổ sung như việc gửi thư phê bình, khiển trách đến nơi làm việc, cơ quan địa phương và gia đình của người vi phạm hoặc có thêm hình phạt lao động công ích.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết mình "hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo" của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đối với việc chuyển dần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sang xử phạt qua tòa án. Việc này không chỉ tăng tính kỷ cương, phép nước mà còn giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Ông Tường cho rằng hiện nay ở các thành phố lớn đã triển khai xử phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua camera. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không chấp hành nhưng các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Như vậy các hành vi vi phạm an toàn giao thông chưa xử lý đến nơi đến chốn, lờn luật. Hay một số trường hợp bị giam giữ xe, khi mức xử phạt có thể ngang giá trị phương tiện vi phạm, nhiều người sẵn sàng bỏ xe - điều này gần như đồng nghĩa vi phạm của họ không xử lý được...
Vì vậy, đối với các trường hợp cố tình không "khắc phục hậu quả" do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông cần chuyển sang xử phạt tư pháp, khi đó sẽ tăng tính răn đe, người dân sẽ tăng ý thức tuân thủ Luật giao thông. Nhưng muốn làm được việc này cần sớm có khung hành lang pháp lý để các đơn vị yên tâm thực hiện.
Một ý kiến ủng hộ khác là ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, khi cho rằng điều đó là phù hợp với xu thế.
Ông Sơn nói rằng trong lĩnh vực thi hành pháp luật mà phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cơ quan hành pháp phải chuyển qua cho cơ quan tư pháp - tòa án để xử lý để bảo đảm tính khách quan chứ không để cơ quan hành pháp vừa lập biên bản vừa xử phạt nữa.
Đồng thời, việc chuyển cho tòa án xử lý theo thủ tục tố tụng chặt chẽ cũng là đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, theo nghị quyết.
Việc xem xét xử phạt giao thông chuyển cho tòa án là phù hợp xu thế. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai việc xử lý các vi phạm, họ gọi là vi phạm hình sự nhỏ, đơn cử như vi phạm giao thông do tòa tiểu hình phán quyết. Tòa phán quyết án phạt theo thủ tục rất nhanh gọn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.
Pháp luật nước ta quy định nhiều hành vi vi phạm chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự thì bị xử phạt hành chính. Theo xu hướng sẽ giao cho tòa án phán quyết việc xử phạt hành chính đó. Đó chính là đề cao việc xử lý nghiêm minh vừa bảo vệ quyền con người.
Để bảo đảm việc xử phạt (giao thông cũng như các vi phạm hành chính khác) ở tòa thì phải tăng cường biên chế, cơ sở vật chất. Hiện nay thẩm phán phải giải quyết lượng án rất nhiều, nếu giao thêm việc mà không tăng thêm biên chế, cơ sở vật chất... sẽ khó bảo đảm chất lượng xét xử.
Cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông ở Q.7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM, thúc giục cần sớm triển khai "càng nhanh càng tốt".
Ông Long cho rằng việc xử phạt giao thông ảnh hưởng đến quyền nhân thân của công dân nên chuyển giao cho tòa án là đúng đắn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện theo xu thế này. Tôi hi vọng việc đó càng sớm triển khai, càng nhanh càng tốt. Ví dụ, các hành vi chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ... gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện và những người khác.
Các cơ quan có thẩm quyền như CSGT, thanh tra giao thông... sẽ chỉ lập biên bản đối với hành vi vi phạm và chuẩn bị các hồ sơ, chứng cứ liên quan chuyển cho tòa án ra phán quyết.
"Đương nhiên, giao việc xử phạt giao thông cho tòa sẽ tăng thêm đầu việc cho thẩm phán, sẽ có khó khăn. Nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm. Điển hình như giao cho thẩm phán ban hành quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc", luật sư Long nói.
Trước đây, theo ông Long, khi bàn về việc chuyển thẩm quyền đó cho tòa án cũng có ý kiến băn khoăn nhưng qua thời gian triển khai thì việc đó cũng đã đi vào nền nếp, trơn tru.
Như vậy, để tòa án thực hiện tốt xử phạt giao thông, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị ban hành quy định pháp lý, chuẩn bị cơ chế, biên chế, cơ sở vật chất liên quan để nhanh chóng triển khai.
Tích điểm người vi phạm giao thông
Ở một số nước, vi phạm giao thông là phải ra tòa cùng với các biện pháp tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông đến người dân như Ấn Độ, Philippines hay các quốc gia Trung Đông...
Ở New Zealand, những vi phạm như đậu xe sai luật, chạy quá tốc độ hoặc có nồng độ cồn vượt quá quy định ở mức độ nhẹ nếu chưa dẫn đến tai nạn thì chỉ bị phạt hành chính mà không phải ra tòa.
Những lỗi nặng hơn như vượt quá tốc độ cho phép trên 50 km/h hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát thì có thể đóng phạt qua tòa án mà không cần phải qua xét xử. Trong trường hợp này, vi phạm vẫn sẽ được lưu lại trong lý lịch tư pháp của người đó.
Các lỗi nghiêm trọng như không dừng xe sau khi gây tai nạn, lái xe ẩu gây thương vong hoặc đua xe có tổ chức thì người vi phạm sẽ bị xét xử trước tòa.
Ở Mỹ và các nước châu Âu, người ta thường áp dụng biện pháp tích điểm người vi phạm giao thông.
Theo đó, mức điểm khởi định sẽ là 0. Tùy mức độ sau mỗi lần vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị tích từ 1-20 điểm. Mỗi điểm sẽ tương ứng với mức "phụ thu" tiền phạt quy định sẵn (tại bang Texas, người vi phạm chạm mốc 6 điểm phải đóng 100 USD phụ thu và 25 USD cho mỗi điểm tích thêm sau đó).
DUY KHÔI - TUẤN SƠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận