10/12/2017 14:28 GMT+7

Tăng mức phạt vi phạm giao thông: sợ không?

ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN
ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Sở GTVT TP.HCM đang đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở nội thành lên gấp đôi để chấn chỉnh tình trạng kỷ luật giao thông rối như canh hẹ hiện nay. Liệu tăng mức phạt có làm người dân Sài Gòn ngán hơn, tuân thủ luật lệ hơn?

Tăng mức phạt vi phạm giao thông: sợ không? - Ảnh 1.

Tài xế xe Uber bị xử phạt lỗi đậu xe quá thời gian quy định tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU THUẬN

Chị Nguyễn Thị Hạnh (H.Nhà Bè, có con đang học mẫu giáo):

Cần đường tốt hơn là tăng phạt

nguyen thi hanh 4(read-only)

Nguyễn Thị Hạnh

Tôi không đồng tình với đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt. Mức phạt như vậy là quá cao. 

Đối với những người thu nhập cao thì không sao, nhưng với những người thu nhập thấp thì đó là cả một vấn đề.

Với những người cố ý vi phạm những lỗi nặng như lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ thì đáng phạt. 

Tăng gấp đôi mức xử phạt có thể sẽ khiến tôi đi đứng cẩn thận hơn, tránh tối đa hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, cũng phải xem lại đường sá ở TP.HCM. Có những con đường sáng nào cũng kẹt xe như đoạn đường ở KCX Tân Thuận, đoạn cầu Kênh Tẻ... 

Sáng đưa con đi học rồi đi làm, chiều tan ca đón con về, nếu không leo lên lề, không lẽ ngày nào cũng bị trừ lương vì đi trễ về sớm? 

Tăng mức phạt lên gấp đôi nhưng ngày nào cũng kẹt xe thì có phải làm khó người dân không? 

Tôi nghĩ cần nâng cao chất lượng đường sá, chứ không chỉ đề xuất tăng mức phạt như vậy.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (tài xế xe khách):

Sợ chứ!

nguyen tien dung 3(read-only)

Nguyễn Tiến Dũng

huynh thi kim ngoc 3(read-only)

Huỳnh Thị Kim Ngọc

Mức phạt theo nghị định 46 đã là cao rồi. Nay với mức phạt mới theo đề xuất vừa tăng gấp đôi tiền phạt vừa tăng gấp đôi thời gian tạm giữ giấy phép lái xe là quá nghiêm khắc. 

Chúng tôi sẽ chú ý, phải chạy cẩn thận, chấp hành luật lệ giao thông hơn.

Tôi hay chở khách du lịch vào khu vực nội thành TP.HCM. Thỉnh thoảng tôi cũng bị CSGT xử phạt. Lỗi bị phạt chủ yếu là dừng, đỗ không đúng nơi quy định. 

Bị CSGT xử phạt các lỗi này, tôi cho là hơi bất hợp lý nhưng cánh tài xế đành chịu khi rơi vào "thế khó". 

Ví dụ lúc đi trên đường gặp khi quá đói, dừng xe mua ổ bánh mì hoặc dừng xe kiếm nơi đi vệ sinh thì rất khó khăn, lúng túng vì không có chỗ đậu xe.

Tôi rất mong cơ quan chức năng cải thiện đường sá, có thêm nhiều nơi đậu xe, bố trí nhà vệ sinh công cộng... 

Còn như tình hình hiện nay, tôi cũng mong cơ quan chức năng thông cảm hoặc du di trong xử phạt khi tài xế chúng tôi rơi vào các lỗi vi phạm nhỏ như trên.

Chị Huỳnh Thị Kim Ngọc (sinh viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội):

Chấp hành để không bị phạt

Tôi nghĩ việc tăng mức phạt là điều cần thiết. Hi vọng việc này có thể cải thiện phần nào ý thức của người đi đường, để mọi người tuân thủ luật giao thông tốt hơn. 

Với sinh viên, việc tăng mức phạt sẽ tác động khá lớn đến nhận thức. Đôi khi chỉ vì tiết kiệm 5-10 phút mà vi phạm giao thông để bị phạt nặng thì không đáng.

 Bản thân tôi vẫn luôn ý thức rằng phải tuân thủ luật giao thông và khi mức phạt tăng gấp đôi, tôi sẽ chấp hành tốt hơn nữa để không bị dính phạt.

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Để "cưa đôi" là phá sản

Theo tôi, để răn đe, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm trật tự giao thông tốt hơn cho TP thì tăng mức phạt cũng là cần thiết. Tuy nhiên, mức phạt cao không phải là yếu tố quyết định, mà chính là tính nghiêm minh của cơ quan xử lý.

Cụ thể, cơ quan chức năng (CSGT, thanh tra giao thông...) ngoài tuyên truyền phải công tâm, trong sáng, xử lý nghiêm khi có trường hợp vi phạm. 

Tôi chỉ sợ việc tăng mức phạt mà cơ quan xử lý lại lợi dụng để biến thành cơ hội nhằm o ép, tiêu cực, "cưa đôi"... thì lúc đó chính sách có nguy cơ bị phá sản.

Chị Trần Hoàng Dung (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Phạt phải tâm phục khẩu phục

tran hoang dung 3(read-only)

Trần Hoàng Dung

Hiện tại có những lỗi vi phạm mà mức chế tài quá thấp, dẫn đến người tham gia giao thông không chấp hành như lỗi vượt đèn đỏ đối với xe máy. 

Từ những vi phạm nhỏ này sẽ dẫn đến một thói quen vi phạm khác, nên việc tăng gấp đôi mức xử phạt là cần thiết.

Tuy nhiên, tôi chỉ ủng hộ việc tăng mức xử phạt đối với những hành vi mà hiện tại mức xử phạt thấp, chưa đủ răn đe. 

Ngoài ra, đối với các lực lượng CSGT, khi xử phạt người vi phạm cũng phải làm sao để người bị xử lý tâm phục khẩu phục. 

Tức là anh phải thực hiện theo điều lệnh, thông báo rõ ràng lỗi vi phạm theo điều nào, khoản nào, mức phạt bao nhiêu... 

Còn hiện nay việc xử phạt đôi lúc vẫn không rõ ràng, khiến người đi đường luôn mang trong mình sự ấm ức.

Bản thân tôi cũng đã một lần vi phạm giao thông trong trường hợp bất đắc dĩ khi nhìn nhầm đèn giao thông lúc sáng sớm, dẫn đến mắc lỗi vượt đèn đỏ. Nhưng tôi hoàn toàn chấp hành hiệu lệnh của CSGT, đóng tiền phạt theo quy định. 

Theo tôi, khi vi phạm giao thông thì bản thân mỗi người đã tự biết mình làm sai, đã làm trái với luật pháp và bản thân phải tự điều chỉnh.

Tăng mức phạt vi phạm giao thông: sợ không? - Ảnh 9.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa:

Dân sai: phạt; CSGT sai: sa thải

Phạt vào ví tiền của người dân là một hướng đi đúng trong xử lý vi phạm giao thông. Người dân sẽ xót tiền và lần sau không tái phạm. 

Điều này cũng góp phần thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, tôi băn khoăn việc mức phạt cao quá sẽ ảnh hưởng về mặt kinh tế đến những nhóm đối tượng nhất định.

Cùng với việc tăng mức xử phạt người vi phạm, cần phải tăng mức chế tài đối với những người thực thi công vụ như CSGT, thanh tra giao thông để đảm bảo không có chuyện "thỏa thuận" giữa người dân và các lực lượng này. 

Nếu vi phạm thì phải chế tài mạnh ở cả hai phía, ví dụ như CSGT chỉ cần một lần vi phạm thì có thể bị sa thải ra khỏi ngành.

Đồng thời cần phải có những biện pháp kiểm soát ở các ngã ba, ngã tư như gắn camera, tăng cường nhận tin tố cáo của người dân để các lực lượng thực thi công vụ nhận được sự giám sát từ người dân và cộng đồng.

Lãnh đạo một đội CSGT:

Không hẳn tình trạng "cưa đôi" sẽ tăng

Chúng tôi đều quán triệt cho lực lượng khi tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông phải xử lý nghiêm túc, đúng quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua có lúc, có nơi cán bộ chiến sĩ còn có hành xử không đúng, tiêu cực, "cưa đôi" tiền vi phạm.

Việc tăng mức phạt tiền và cả hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe tôi nghĩ sẽ tác động tới ý thức người tham gia giao thông tuân thủ luật pháp hơn.

Và việc tăng mức xử phạt trong vi phạm giao thông không thể đồng nghĩa với hiện tượng "cưa đôi" sẽ tăng lên. Cả người tham gia giao thông và lực lượng CSGT phải cùng nâng ý thức chấp hành pháp luật.

Như hiện nay, ngành cũng có bố trí các lực lượng để giám sát hoạt động của cán bộ chiến sĩ ngoài mặt đường, kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh vi phạm.

Các phản ảnh có cơ sở từ người dân, cơ quan truyền thông về việc cán bộ chiến sĩ vi phạm, chúng tôi đều có biện pháp xử lý nghiêm.

Ngoài ra, việc ghi nhận hình ảnh từ camera để phạt nguội người dân và các phương tiện tham gia giao thông cũng đang được triển khai đồng bộ và đây là biện pháp tốt vì ghi nhận đầy đủ vi phạm giao thông tại nhiều tuyến, nhiều thời gian.

Đó cũng là cách để hạn chế tiêu cực vì tránh được việc tiếp xúc, phạt trực tiếp giữa cán bộ chiến sĩ với người vi phạm.

ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN - PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên