Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp vi phạm giao thông tại Q.2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Tình trạng “cưa đôi” xảy ra trong xử lý vi phạm giao thông đã tồn tại nhiều nơi, trong thời gian dài. Làm sao để chấm dứt được “tệ nạn” này? Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của những người liên quan và người đi đường về vấn đề này. Mong bạn đọc góp thêm giải pháp.
“Tôi cũng lưu ý phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng xử phạt |
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình |
* Một cán bộ CSGT Công an TP.HCM:
Xử lý nghiêm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự
Xét trên góc độ cả nước, chuyện người vi phạm Luật giao thông “gọi điện” xin cho hoặc “cưa đôi” lỗi vi phạm chắc chắn có xảy ra, bởi môi trường của CSGT rất nhạy cảm.
Chuyện người vi phạm Luật giao thông năn nỉ xin cho, điện thoại nhờ người thân can thiệp hoặc thậm chí chuẩn bị sẵn tiền bằng nhiều cách để đưa cho CSGT mong bỏ qua vi phạm xảy ra rất phổ biến. Cũng có nơi một số cán bộ CSGT chủ động gợi ý trước những lỗi vi phạm của người dân.
Để giải quyết tình trạng này có nhiều cách, trong đó xác định việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, cơ quan thanh tra nhiều cấp nếu phát hiện CSGT sai phạm phải xử lý nghiêm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn người vi phạm Luật giao thông nếu đưa hối lộ cũng phải xử lý nghiêm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó may ra mới đủ sức răn đe để mọi người cùng nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đẩy lùi những tiêu cực.
Ngoài ra cũng nên xem lại, quan tâm hơn đến chế độ lương thưởng của cán bộ chiến sĩ CSGT cũng như hoàn cảnh gia đình của họ. Bởi nếu cuộc sống của họ tốt sẽ hạn chế mức thấp nhất việc xảy ra tiêu cực.
* Ông Nguyễn Văn Cẩn (tài xế đường dài sống tại TP.HCM):
Ông Nguyễn Văn Cẩn |
Tăng xử phạt qua camera, hạn chế CSGT ra đường
Là tài xế thường xuyên đi nhiều cung đường trên mọi miền đất nước, tôi thấy tình trạng “cưa đôi” trong xử lý vi phạm gần như trở thành “luật ngầm bất thành văn” mà cánh tài xế nào cũng phải biết. Đề cập vấn đề “cưa đôi” không chỉ nói đến người được giao trách nhiệm thực thi pháp luật là lực lượng CSGT, mà cả những người vi phạm.
Bởi tại các đô thị không ít trường hợp khi đi ngược chiều, lấn làn, vượt đèn đỏ khi bị cảnh sát thổi phạt thì xưng con ông nọ, cháu bà kia, thậm chí chủ động gợi ý “cưa đôi” để được bỏ qua lỗi vi phạm.
Vì vậy, tôi cho rằng để chấm dứt được tình trạng này là việc cực kỳ khó khăn, nhưng sẽ làm được nếu có quyết tâm. Để giảm tình trạng này cần giảm bớt lực lượng CSGT ra đường, chặn xe kiểm tra vi phạm. Nói điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi tâm lý không có CSGT thì xe “vô tư” vi phạm.
Để thay thế lực lượng CSGT, nên tăng cường giám sát, xử lý vi phạm giao thông qua camera, dữ liệu giám sát hành trình. Nhất cử nhất động, thậm chí trên xe chở bao nhiêu khách, dừng ở đâu, bao nhiêu lần... đều được giám sát chặt chẽ.
Thông qua dữ liệu này phải xử phạt thật nặng, nghiêm minh các hành vi vi phạm, như vậy sẽ góp phần chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, cũng như giảm được điều kiện phát sinh chuyện “cưa đôi” trong vi phạm.
* Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN VỸ (giảng viên xã hội học tội phạm Đại học Quốc gia TP.HCM):
Ông Trương Văn Vỹ |
Mọi người cùng sống tốt sẽ đẩy lùi “cưa đôi”
Trước mắt, người đi đường phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, nếu vi phạm pháp luật phải có ý thức chấp hành pháp luật, dần dần sẽ xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp hơn. Còn những người thực thi công vụ phải làm gương, nghiêm minh pháp luật nhưng cũng quan tâm giúp đỡ chính người vi phạm Luật giao thông, chứ đừng nghĩ đến lợi ích trước mắt cho mình.
Rộng hơn là mỗi người dân hay cán bộ nhà nước phải cùng nhau ý thức sống tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì sẽ đẩy lùi nạn “cưa đôi”.
Tình trạng này còn diễn ra thì ý thức chấp hành Luật giao thông của người đi đường sẽ kém, do họ coi thường pháp luật. Bởi nó bị ảnh hưởng tính dây chuyền trong tiêu cực, nghĩa là một hành động tiêu cực này sẽ dẫn đến hành động tiêu cực khác.
Cho đến khi việc thực thi pháp luật nghiêm minh, làm đến nơi đến chốn thì người vi phạm mới biết được hậu quả, mức độ hành vi của mình gây ra, ý thức chấp hành tốt hơn. Chẳng hạn như mọi người quá quen việc “cưa đôi”, nhưng chưa chắc người dân đã biết được mình mang tội đưa hối lộ và mức độ vi phạm có thể dẫn đến tù tội.
* Luật sư VŨ QUANG ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM):
Ông Vũ Quang Đức |
Không nên truy cứu người đưa hối lộ đi tố giác
Để xảy ra việc “cưa đôi”, thứ nhất với CSGT là do lòng tham, thích hưởng lợi vốn thuộc về bản chất của rất nhiều người; còn người vi phạm cũng được hưởng lợi do chỉ trả tiền một nửa lỗi vi phạm thì không phải bị lập biên bản. Thứ hai là do pháp luật chưa nghiêm, bởi rõ ràng hành vi đó là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Thứ ba là khi “cưa đôi” thì ý thức thượng tôn pháp luật không có với cả CSGT lẫn người vi phạm.
Muốn khắc phục phải làm thế nào để những người hưởng lợi bị xử lý nghiêm, bị chế tài thật nặng, chứ không nên khiển trách, cảnh cáo qua loa. Quan trọng hơn là pháp luật hiện hành quy định nếu người chủ động đưa hối lộ mà tố giác thì có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có thể được trả lại tài sản đưa hối lộ.
Tôi nghĩ nên sửa luật, bỏ luôn chữ “có thể”, nghĩa là người chủ động đưa hối lộ chịu đi tố giác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được trả lại toàn bộ số tiền đã hối lộ. Bởi đi tố giác mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn bị tịch thu số tiền đưa hối lộ thì ai dám đi tố giác? Lúc này CSGT cũng “chùn tay” hơn khi nhận hối lộ, bởi rủi ro hiển hiện trước mặt.
* Ông Lê Trọng Phúc (người dân ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng): Bắt đầu từ sự nghiêm minh của CSGT Tôi đi đường vi phạm cũng nhiều, hầu hết là các lỗi nhỏ như vượt đèn đỏ, rẽ phải khi đèn đỏ, không bật đèn xi nhan, lấn làn... Nhưng nói thật là chưa bao giờ tôi để bị ghi biên bản cả, vì như thế tôi biết sẽ rất mất thời gian và còn tốn nhiều tiền. Cách tôi làm là “cưa đôi” và trong trường hợp này có lúc tôi chủ động, có lúc CSGT chủ động. Nói chung là “được anh được ả”. Tôi hiểu rõ mình làm như vậy là chưa thượng tôn pháp luật, nhưng thử hỏi CSGT xử phạt tôi có thượng tôn pháp luật không, có thật sự gọi tôi lại để phạt nhằm mục đích để tôi đi đúng luật không, hay mục đích để “cưa đôi”? Trong các trường hợp tôi chủ động “gửi tiền cà phê”, chưa có lần nào CSGT từ chối để rồi phạt qua văn bản cả. Nếu họ cương quyết phạt đúng luật thì tôi cũng đâu thể hối lộ. Cho nên theo tôi, để triệt nạn “cưa đôi” phải bắt đầu từ sự nghiêm minh của CSGT bằng nhiều cách, trong đó có ghi hình camera. Trong bất kỳ xã hội nào, người dân luôn là đối tượng vi phạm và viên chức nhà nước là lực lượng lập ra để để xử lý và uốn nắn sự sai phạm đó. Nếu người xử lý không nghiêm thì không thể có một xã hội nghiêm minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận