31/01/2023 09:04 GMT+7

Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn

Khi mưa xuân bắt đầu phây phất rây, theo kinh nghiệm dân gian, nhìn tiết trời má bảo: đây là "mưa gieo cải".

Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn - Ảnh 1.

Má đang phơi mền, chiếu trên hàng rào dâm bụt trước sân nhà

Đó là tiết mưa phùn nhẹ, những người nông dân khẩn trương gieo hạt rau cải cho kịp vụ Tết. Và chắc chắn rằng, sau mưa, trời sẽ hanh vàng trở lại và đó cũng là thời điểm các bà mẹ quê tất bật giặt mền, chiếu cho thơm mùi nắng mới để chuẩn bị đón năm mới! 

Trong ký ức thẳm sâu của mình, tôi vẫn luôn giữ mùi hương của những chiếc mền áp nắng cuối năm. Với tôi, đó chính là mùi của Tết. 

Vì thế, dù có đi đâu, làm gì tôi cũng luôn giữ trong mình hình ảnh của má với sự tất bật, tảo tần lo bao công việc của những ngày cận chạp. Đặc biệt nhất là hình ảnh má gom mền, chiếu đem giặt để chuẩn bị đón Tết.

Còn nhớ, khi ấy, cả làng chỉ có một giếng đá sâu hun hút dưới bóng cây đa đầu làng, xung quanh bộng giếng bám đầy rêu xanh. Nước giếng ngọt mát, chỉ để dùng nấu ăn và uống. Bởi vậy nên mọi công việc giặt giũ đều phải ra con suối đi ngang phía sau làng. 

Ở đó là dòng nước nguồn bắt đầu từ những mạch nước ngầm chảy ra từ khe núi. Những năm tháng còn nhiều khó khăn, cả gia đình dù đông người song chỉ có vài chiếc mền. Nhất là suốt mùa mưa dài, nếu mang đi giặt sẽ không kịp khô nên chỉ cần cuối chạp, gặp ngày nắng đẹp là chúng tôi lại đi theo má giặt hết mọi đồ đạc để kịp đón Tết. 

Đó cũng là ngày rộn rã và vui nhất. Các bà mẹ quê cắp những cái thúng mê chứa đầy mền, chiếu; chọn một nhánh suối trong rồi bắt đầu giặt giũ. Bọn trẻ chúng tôi thì chọn những tảng đá lớn và sạch, má giặt xong cái nào thì chia nhau giữ hai đầu, vắt ngược hướng nhau cho ráo nước rồi đem trải đều lên mặt đá. 

Trong nắng xuân phơi phới, đồ đạc cũng thơm mùi nắng mới, dẫu đôi chỗ vá sờn vẫn thấy tinh tươm với Tết. Dòng nước mùa xuân trong xanh đến độ thấy cả những viên sỏi và đàn cá trắng nhỏ đang bơi lội. Trong lúc đợi má giặt giũ, tôi tìm nhặt những viên cuội tròn nhiều màu và nhẵn trơn bởi nước bào mòn theo năm tháng. 

Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn - Ảnh 2.

Những chum chóe phải đổ đầy nước trước giao thừa

Tôi biết chắc rằng, như đã hẹn với mùa xuân, chiều ba mươi năm nào má cũng sẽ chọn những cây vạn thọ nở vàng đều nhất, cho vào cái chậu đất, dán giấy báo bên ngoài để ngay ngắn nơi gian nhà trên, tôi sẽ rải những viên cuội sáng màu này lên và khi ấy, mùa xuân đã thật sự trở về!

Cuối ngày, khi bóng nắng đã dịu dàng hơn, mấy anh em chúng tôi gom hết mền lại, xếp gọn gàng vào cái thúng mê cho má. Tôi thường áp những chiếc mền đầy mùi nắng mới lên mũi, hít căng lồng ngực mùi của đất trời.

Xong hết việc giặt giũ sẽ là ngày gánh nước. Với má, trước giao thừa mọi thứ dẫu không đủ đầy vẫn phải gọn ghẽ, tinh tươm nhất. Và hiển nhiên, nước phải được gánh về đổ đầy chum đầy chóe bên hiên, mới gọi là chu toàn cho Tết. 

Đã bao nhiêu chiếc đòn gánh đẽo từ thân cây tre tẻ già mòn gãy, thì bấy nhiêu mùa xuân đôi vai cha và má gầy hơn theo từng nhịp chân gánh nước.

Sau này, khi cha và má vun vén bao vụ mùa, tiết kiệm, tích góp đã đào một cái giếng ngay trên mảnh sân nhà. Khi đó, thì những ngày cận kề với Tết, bên giếng lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Cha đắp đất nổi làm thềm giếng, rải đá bằng lên trên. 

Ngay bên cạnh cha làm một cái sạp cao hơn nửa thân người, đan bằng cây roi răn ốc, nơi để gác chiếc gàu bằng tôn cùng đôi thùng gánh nước. Và má, tối ba mươi nào cũng dặn dò cả nhà sáng mồng một không được thả gàu múc nước. 

Má bảo cả năm trời "hà bá" lo cho bao người, ngày đầu năm phải để giếng nước tĩnh lặng. Sự tri ân ấy bất cứ bà mẹ quê nào cũng khắc ghi trong lòng và luôn dặn dò cháu con hết thảy. Và với tôi, niềm tin nào gắn liền với yêu thương cũng là niềm tin bất diệt!

Đã bao mùa "mưa gieo cải" rồi đợi nắng lên để phơi phóng mọi thứ cùng má, cũng đến lúc tôi rời làng để đuổi theo ước vọng riêng mình. Cuối năm chộn rộn trở về, vừa chạm ngõ đã thấy má phơi những chiếc chiếu hoa đầy bờ rào thưa. 

Nắng cuối chạp hanh vàng rớt trên đôi vai gầy của má, chợt rưng rưng nghĩ đến hình ảnh một mình má vắt bớt nước từ những chiếc mền mùa đông dày cộm, một mình má cố trải đều lên bờ rào cây dâm bụt cho khô nước. 

Thềm giếng bây giờ đã được xây lại bằng gạch đỏ, tinh tươm và sạch sẽ. Cái giàn đan bằng cây roi răn ốc bạc trắng gió mưa vẫn mặc nhiên đứng đó, như chứng nhân cho bao nhiêu buồn vui thơ ấu thuở nào.

Tôi gom hết đồ khô thơm nắng, xếp gọn gàng cho má. Tôi dán từng tờ báo hẩm màu quanh chiếc thùng tôn cũ, chọn cây vạn thọ nở đều như chiếc bánh thuẫn ngày xuân để nơi gian thờ.

Tôi sẽ thả dây xuống những bộng giếng sâu hun hút, nghe âm thanh chiếc gàu tôn chạm vào mặt nước, múc đầy những chiếc lu, chiếc thạp, chum chóe bên hiên nhà, để sáng mùng một Tết giếng được tĩnh lặng như bao mùa xuân cũ. 

Tôi về nhà bên cha và má, thấy lòng bình yên như mặt nước giếng khơi mát rượi, thấp thoáng mùa xuân trong nắng chạp ươm vàng!

Cảm ơn hơn 430 bạn đã gửi bài Về nhà

Tính đến ngày 31-1, cuộc thi đã nhận được hơn 430 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn - Ảnh 4.
Tết năm đó, anh về nhà emTết năm đó, anh về nhà em

Sáng ngày 30 Tết năm đó, anh đã về nhà em. Nguyên do là vì nụ cười duyên dáng của em làm anh cảm thấy nhung nhớ khôn nguôi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên