Anh Trần Thanh Tuấn (Q.8, TP.HCM) ký vào giấy nhận lại kỷ vật của mẹ mình. Anh đã được đưa vào phòng kỷ vật để nhá máy tìm lại chiếc điện thoại Nokia cũ kỹ của mẹ. Anh kể khi ở nhà anh đã nhiều lần gọi nhưng điện thoại đều không đổ chuông. Hôm nay anh tới vừa lúc điện thoại được sạc và bật nguồn nên tìm ra ngay
Gần 1 tuần qua, ThS Lê Thanh Thảo - Bệnh viện Mắt trung ương - và anh Nguyễn Văn Minh - nhân viên Bệnh viện Bạch Mai - đang tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-16 tại Bệnh viện dã chiến số 16 tại TP.HCM do Bệnh viện Bạch Mai điều hành được giao một công tác đặc biệt: liên hệ với thân nhân người đã mất vì COVID-19 để trao lại đồ đạc, kỷ vật của họ.
Chị Thảo cho biết tất cả đồ đạc của bệnh nhân COVID-19 đều được nhặt nhạnh và đưa về phân loại trong một căn phòng đặc biệt với ba chiếc kệ sắt cao 4 tầng đầy ắp những chiếc balô, túi xách.
Đó là tư trang cuối cùng của khoảng 260 bệnh nhân COVID-19 rời cõi tạm, không kịp gặp lại người thân lần cuối.
Nhận túi quần áo với vài bộ đồ và chiếc điện thoại của chồng, chị Hồng Diễm (33 tuổi) - nữ công nhân ở Bình Tân - không khỏi nghẹn ngào. Cả nhà chị Diễm, 2 vợ chồng và 2 đứa con, đều phát hiện dương tính COVID-19.
"Nhưng tôi và 2 con chỉ bị nhẹ, mình anh phải vào bệnh viện dã chiến điều trị. Tôi có xin theo nhưng bệnh viện không đồng ý. Các con ở nhà cũng không có người chăm sóc. Đâu biết đó là ngày cuối cùng ba mẹ con còn nhìn thấy ảnh" - chị kể.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 - cho biết các y bác sĩ đã gom đồ đạc bệnh nhân ở khắp các ngóc ngách bệnh viện đem về căn phòng lưu trữ này, chờ người thân đến nhận.
"Những món đồ ấy chúng tôi biết là những thứ rất ý nghĩa đối với người thân họ. Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúng tôi làm tất cả những việc này chỉ với mong muốn mang lại một chút ủi an cho thân nhân người đã mất" - ông Tuấn chia sẻ.
Chị Phan Thị Hồng Thúy - chuyên viên trực đường dây nóng, người trực tiếp liên lạc với gia đình những bệnh nhân qua đời vì COVID-19 - cho hay "Chúng tôi cắm sạc và khởi động toàn bộ điện thoại mà bệnh nhân đã qua đời để lại. Có hôm vừa khởi động điện thoại lên thì có cuộc gọi đến và đúng là người nhà của họ, chúng tôi mừng lắm. Người nhà hy vọng và chúng tôi cũng hy vọng" .
Với không ít người có thân nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch thì tin tức đầu tiên cũng là tin tức cuối cùng họ nhận được là cuộc gọi báo tin người thân đã mất, mời họ đến nhận lại tư trang, giấy tờ của người thân
Một món đồ được gửi cho mẹ đang nằm điều trị với lời nhắn "Mẹ ơi! Cố lên". Nhưng người mẹ đã không kịp nhận được lời nhắn nhủ yêu thương ấy
Anh Huỳnh Quốc Đạt - 38 tuổi, ngụ Bình Thạnh - khi vào đến phòng lưu trữ đã mở danh bạ rồi bấm tìm trên điện thoại cái tên “Ông Ngoại Mi” để tìm điện thoại của cha vợ. May mắn là chiếc điện thoại đã đổ chuông. 6 người nhà anh Đạt gồm vợ chồng, hai đứa con và cha mẹ đều mắc COVID-19 nhưng chỉ có cha vợ trở nặng rồi vào viện điều trị một mình
Anh Đào Quốc Huy - quận 8 - được bệnh viện mời đến nhận đồ đạc của một người chú ruột. Anh tiếp tục xin đi tìm đồ đạc của một người chú khác cũng được đưa vào bệnh viện này và qua đời không lâu sau đó. Các nhân viên y tế khi đó vẫn chưa xác định được 2 bệnh nhân đã mất đó lại là hai anh em ruột. Thậm chí họ còn phân định đồ đạc của người còn lại là đồ vô danh vì không tìm được số người thân đi kèm
Việc tìm kiếm thông tin bệnh nhân từ tư trang họ mang theo được nhân viên Bệnh viện dã chiến số 16 làm mỗi ngày. Khi được đưa đến cấp cứu, hầu hết bệnh nhân không có người nhà đi cùng nên đồ đạc được đưa xuống khỏi xe cũng dễ thất lạc
Gần 3h chiều 23-9, thân nhân của những người bệnh đã mất vì COVID-19 chờ sẵn trước chiếc bàn làm thủ tục. Có người đã quay lại lần thứ 2 chỉ để nhận thêm chiếc radio cũ của người thân mình. Đó là tài sản tinh thần mà họ muốn nhận lại và giữ gìn
Có những món đồ được người thân gửi vào tiếp tế nhưng bệnh nhân đang trở nặng hoặc phải thở máy. Nhận lại những chiếc điện thoại của người thân và cả những thứ từng gửi vào tiếp tế, nhiều người đã không kìm được nước mắt
Những chiếc điện thoại "vô danh" được sạc lại nguồn để chờ người nhà gọi đến. Lúc cao điểm, xe cấp cứu đưa đến ồ ạt, đồ đạc được đưa xuống “không biết của ai với ai”. Nhiều bệnh nhân cũng đã hôn mê hoặc chuyển nặng không kịp cung cấp thông tin người nhà nên bệnh viện chỉ còn cách chờ người thân gọi đến
Mỗi ngày bệnh viện sẽ liên lạc để trao tư trang, đồ đạc của khoảng 15-20 bệnh nhân COVID-19 đã qua đời cho thân nhân của họ
Hiện tại, phòng công tác xã hội của Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) đang lưu giữ khoảng 260 kỷ vật, đã trao lại 100 kỷ vật cho thân nhân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận