Trong bối cảnh các địa phương đang triển khai nhiều dự án lớn bằng vốn đầu tư công như đường vành đai 3 TP.HCM, việc đầu tư vành đai 4 TP.HCM theo hình thức BOT được kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực tư nhân hoàn thành tuyến cao tốc vành đai dài 206km đi qua 5 địa phương.
Với dự án vành đai 4 TP.HCM, Chính phủ đã giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các đoạn qua địa bàn.
Việc phân cấp cho địa phương triển khai các dự án lớn, liên vùng của Chính phủ thời gian qua đang đạt nhiều kết quả khả quan.
Chính sách này nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, góp phần phấn đấu đưa cả nước đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000km cao tốc.
Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, các địa phương đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Vậy kết quả nghiên cứu hình thức đầu tư con đường vành đai dài nhất của TP.HCM ra sao?
Theo tổng hợp nghiên cứu tiền khả thi dự án từ các địa phương, vành đai 4 TP.HCM dài 206km.
Tổng mức vốn giai đoạn 1 lên tới 105.000 tỉ đồng. Mức vốn dự án này lớn hơn tổng vốn vành đai 3 TP.HCM (đang thi công) là 29.600 tỉ đồng. Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 địa phương, còn vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 địa phương.
Giai đoạn 1 của vành đai 4 TP.HCM, các địa phương sẽ giải tỏa mặt bằng rộng 74,5m. Cùng với đó, thi công 4 làn cao tốc, 2 làn khẩn cấp cùng với đường song hành. Giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch sẽ giúp địa phương quản lý được quỹ đất, tạo thuận lợi khi mở rộng đường trong tương lai.
Tỉnh Long An là địa phương được giao triển khai đoạn vành đai 4 TP.HCM dài nhất với 78,3km.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, dự án có tổng mức đầu tư 47.068 tỉ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn nhà đầu tư là 19.896 tỉ đồng. Vốn ngân sách nhà nước tham gia 27.173 tỉ đồng.
Tỉnh Long An đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 90% phần vốn nhà nước tham gia dự án. Với 10% vốn ngân sách còn lại, địa phương sẽ đảm nhận. Thời gian vận hành khai thác và thu phí đoạn này khoảng 20 năm.
Còn tỉnh Bình Dương sẽ triển khai đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn, dài 47,45km. Dự án giai đoạn 1 có mức vốn 18.993 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, vốn nhà nước tham gia dự án 8.796 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư BOT thu xếp 10.197 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Thời gian vận hành khai thác và thu phí hoàn vốn hơn 24 năm.
Tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai vành đai 4 TP.HCM đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên, dài 45,6km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.301 tỉ đồng (không bao gồm lãi vay).
Theo công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 8.477 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư BOT huy động 8.823,3 tỉ đồng. Thời gian vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn hơn 22 năm 11 tháng.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ làm cơ quan có thẩm quyền đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài 18,1km. Dự án có tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn nhà nước tham gia dự án 3.624 tỉ đồng. Còn nhà đầu tư huy động 4.476 tỉ đồng. Thời gian vận hành khai thác và thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm.
TP.HCM sẽ triển khai đoạn dài 17,3km. Đoạn này bắt đầu từ cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai. Dự án bao gồm cả cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn và cầu Thầy Cai.
Kết quả nghiên cứu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 14.502 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Về cơ cấu tài chính, nguồn vốn nhà nước tham gia 7.251 tỉ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư. Thời gian vận hành khai thác và thu phí hoàn vốn 22 năm 3 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận