Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phương án hướng tuyến ban đầu của dự án đường vành đai 4 TP.HCM (đoạn qua TP.HCM dài 17km) trùng với một số tuyến đường hiện hữu. Do đó sở đã nghiên cứu các phương án một số đoạn tuyến không trùng quy hoạch nhằm giảm chi phí đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng.
Né nhà dân, băng qua ruộng đồng
Trong đó phương án 3 sẽ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân. Hướng tuyến phương án này sẽ nắn chỉnh một đoạn dài 14,7km về phía nam tránh đường hiện hữu.
Khi đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án còn 13.631 tỉ đồng, giảm tới 4.160 tỉ đồng so với ban đầu. Bên cạnh đó cũng giúp giảm 669/1.150 căn nhà, công trình không phải di dời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.
Ghi nhận thực tế cho thấy đoạn dự án đi theo đường Bàu Lách (huyện Củ Chi) dài khoảng 5km, dọc tuyến đường có nhiều nhà dân sinh sống. Nhưng phía sau các nhà dân chủ yếu là đồng ruộng, rừng cao su, những khu đất trống...
Như vậy hướng tuyến được điều chỉnh ra phía sau sẽ giảm đáng kể hộ bị giải tỏa. Bà Thùy Như (người dân ấp 4, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) cho biết đất đai, nhà cửa hầu như giờ người dân không được phép xây dựng bất cứ công trình nào vì được địa phương thông báo nằm trong diện quy hoạch.
Đường Nguyễn Thị Rành (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) là nơi dự án đường vành đai 4 đi qua khoảng 2km theo phương án ban đầu. Hiện nay dân cư khu vực này khá đông. Đặc biệt tại giao lộ Nguyễn Thị Rành với tỉnh lộ 2 có chi chít nhà cửa, gần đó là các công trình lớn như: Trường THCS Nhuận Đức, Trường mầm non Nhuận Đức, Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi... Do đó chi phí bồi thường cho đất ở, nhà ở và công trình có giá cao.
Cách làm phù hợp thực tế
Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - nói mới đây ông đã cùng với tư vấn đi khảo sát thực địa tuyến đường vành đai 4 TP.HCM. Phần lớn đường vành đai 4 qua TP.HCM đi trên đường hiện hữu, nơi mà hai bên đường có nhà dân rất đông. Nếu không chỉnh hướng tuyến cho phù hợp với thực tế mà cứ bám vào quy hoạch thì chi phí giải tỏa mặt bằng rất cao, số lượng nhà dân phải giải tỏa rất nhiều.
Theo ông Trường, chỉnh đường không chỉ giúp giảm trên 4.000 tỉ đồng, mà còn giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Không những đoạn ở TP.HCM mà ngay cả đoạn trên địa bàn tỉnh Long An cũng đi vào đường hiện hữu rất nhiều.
"Vì vậy các địa phương sớm rà soát, kiến nghị Chính phủ để chỉnh hướng tuyến cho phù hợp. Toàn tuyến đường vành đai 4 TP.HCM dài 199km có chi phí đầu tư rất cao nên phương án hạn chế giải tỏa nhà dân là rất cần thiết. Hơn nữa, hiện các dự án giao thông, khâu khó nhất vẫn là mặt bằng. Tránh được khu dân cư đồng nghĩa tiến độ dự án sẽ nhanh hơn", ông Trường nhận định thêm.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - cho rằng đường vành đai 4 có vai trò kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển các đô thị vùng ven, giảm bớt giao thông quá cảnh vào vùng lõi TP.HCM. Do đó quá trình xác định tim tuyến là khá tự do, linh hoạt.
Khi nắn lại tuyến giúp hạn chế đoạn đi vào thị trấn, thị tứ có đông dân cư sinh sống sẽ tiết kiệm chi phí, góp phần đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng hơn, dự án có thể thi công nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng đối với việc xây dựng đường vành đai 4 cần xem xét thêm việc kết nối đoạn từ huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) - huyện Cần Giờ (TP.HCM) - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đề xuất nắn chỉnh đường vành đai 4 lần này có thể làm tiền đề để TP.HCM xem xét và đưa ra điều chỉnh cho một số dự án xây dựng giao thông mới khác.
Khi lên dự án, các đơn vị đưa ra nhiều phương án xem xét đa khía cạnh để so sánh, chọn phương án ít vướng giải phóng mặt bằng qua khu dân cư. Đây cũng là tạo cơ hội phát triển đô thị vùng ven, quỹ đất xa trung tâm, giãn dân cư trong tương lai.
"Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh nằm dọc đường vành đai 4 cũng cần được tiến hành song song nhằm nắm bắt sớm cơ hội phát triển không gian kinh tế - xã hội cho TP tạo nguồn vốn đầu tư bằng quỹ đất. Cách tiếp cận này càng nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh, nắn tuyến vành đai 4. Cần sự vào cuộc của đơn vị phụ trách quy hoạch đô thị là Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP", ông Tuấn nói.
Nỗ lực khép kín ba đường vành đai TP.HCM
TP.HCM được quy hoạch bao quanh ba tuyến vành đai giúp điều phối giao thông cho nội thành và liên kết vùng. Trong đó dự án đường vành đai 4 dài khoảng 198km, quy mô 6 - 8 làn xe, mặt cắt ngang 67 - 74,5m.
Con đường đi qua năm địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Hiện năm địa phương đang lập báo cáo tiền khả thi từng đoạn qua địa bàn của mình, phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2023. Dự án đặt mục tiêu sẽ khởi công năm 2024 và thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2027.
Còn dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Con đường dài hơn 76km có tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng. Hiện các địa phương đang thực hiện giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công dự án vào tháng 6-2023.
Với đường vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP.HCM có vai trò điều phối, giảm áp lực giao thông ở nội thành, kết nối cảng biển, giảm ùn tắc các trục đường vào cảng. Con đường dài 64km hiện còn 11km chưa được đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận