11/03/2024 09:33 GMT+7

Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan khóc nói tất cả tài sản đều ở SCB, cả gia tộc nợ nần

Sáng 11-3, phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan. Bà Lan khóc, nói nhiều bị cáo khai không đúng sự thật. Tài sản của gia đình bà đều nằm trong Ngân hàng SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 11-3 - Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 11-3 - Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 11-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.

Đọc thêm thông tin về vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY

Bà Trương Mỹ Lan phủ nhận nội dung 'không có vị trí nhưng nắm 91% cổ phần SCB'

Trả lời thẩm vấn, bà Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng không đúng hành vi của bà. Bà Lan phủ nhận nội dung không có vị trí nhưng nắm 91% cổ phần SCB.

Bà Lan cho rằng trong quá trình điều tra, có lúc bà khai đúng, có phần khai chưa đúng và bà chưa bao giờ xác nhận nắm giữ 90% cổ phần SCB.

Bà Lan cho rằng mình chỉ nắm 4,9% cổ phần SCB, hai con gái của bà nắm giữ mỗi người gần 5%. Tất cả thành viên trong gia đình bà nắm giữ dưới 15%, bạn bè ở nước ngoài 30% và của bạn bè ở Việt Nam 30%.

Chủ tọa cho rằng bà Lan nắm giữ dưới 5% cổ phần trên giấy, còn thực chất những người khác đứng tên cổ phần giùm bà Lan.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Nguyễn Cao Trí trả lời thẩm vấn

Bà Lan cho rằng "những người đang quản lý cổ phần họ không biết mặt tôi. 

Những người đứng tên này không có việc làm thì được Tạ Chiêu Trung nhờ đứng tên vì người nước ngoài không thể đứng tên góp vốn được. 

Bạn bè tôi là Việt kiều Canada, Việt kiều Úc, Việt kiều Mỹ. Bạn bè thấy tôi nên tin tưởng. Cổ đông nước ngoài thì tôi bảo lãnh chứ không phải của tôi.

"Không phải biết Trương Mỹ Lan mới là đứng giùm Trương Mỹ Lan. Những người đứng tên cổ phần đều khai đứng tên cho Trương Mỹ Lan" - chủ tọa chất vấn.

"Xin hội đồng xét xử cho tôi nói về cổ đông nước ngoài. Những người này trước đây chỉ vào giúp SCB thôi, không có mục đích gì khác, lúc đầu tôi ra sức thuyết phục họ, giờ làm sao tôi nhớ nổi hết là nhà đầu tư nào, công ty nào…

Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1-1-2012, tôi được động viên từ một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, vì 3 ngân hàng khác nhau, lãnh đạo khác nhau, nhờ tôi bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất.

Tiếp theo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65%, nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công.

Lúc đầu tôi từ chối nhiều lần vì tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an tôi an tâm, vì tôi có tiếng nói, uy tín với các cổ đông.

Xin xem xét lại phần thẩm định giá

Về việc tạo lập hồ sơ vay vốn khống, bị cáo có chỉ đạo nhân viên SCB thông đồng với thẩm định viên nâng khống giá tài sản để đưa vào làm tài sản đảm bảo tại SCB không? - chủ tọa hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bà Lan trả lời không quen biết ai trong công ty thẩm định giá. "Thời điểm tôi chưa bị bắt, bất động sản giá cao lắm, khi tôi bị bắt bất động sản giảm giá.

Bất động sản có lúc chứ không phải lúc nào cũng giá như thế. Xin hội đồng xét xử xem lại cho anh em thẩm định giá. Chứ xác định thiệt hại như vậy người ta lấy tiền đâu bồi thường" - bà Lan nói.

Các bị cáo thẩm định giá khai rất rõ là thẩm định theo yêu cầu của SCB, chứ không phải theo giá thị trường? "Cái đó tôi hiểu ạ" - bà Lan trả lời.

Tôi được yêu cầu: Nhóm bạn bè của tôi phải chiếm trên 65% cổ phần và phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thì mới dễ thành công. Tôi còn được yêu cầu cho mượn tài sản đưa vào cơ cấu ngân hàng.

Tôi rất là buồn vì không nghĩ tôi có ngày hôm nay", bị cáo Trương Mỹ Lan khóc.

Cả gia tộc nợ nần

Chủ tọa hỏi bị cáo suy nghĩ gì về việc tất cả các bị cáo tại phiên tòa đều khai làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, kể cả các bị cáo làm trong cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước?

Bà Lan cho rằng các bị cáo khác khai không đúng. "Hôm trước, ông Nguyễn Văn Thùy (nguyên phó trưởng ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nói rất rõ đến hôm đọc cáo trạng mới biết. Cậu ấy có biết mặt tôi đâu mà nói chỉ đạo" - bà Lan nói.

'Nếu thân tín của tôi thì không thể làm vài tháng, một năm rồi nghỉ'.

"Hội đồng cần bị cáo có lời giải thích đối với lời khai của các bị cáo khác về quyền điều hành Ngân hàng SCB" - chủ tọa nói.

"Hội đồng quản trị khi hợp nhất 3 ngân hàng, tôi chỉ kêu gọi cổ đông vào, kêu gọi đừng gây lộn, cứ tin vào ban điều hành của SCB đi.

Lúc đó tình hình rất hỗn loạn, anh em phải tính làm cách nào trả 20.000 tỉ cho Ngân hàng Nhà nước. Tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát cũng không có ai tham gia.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Vị trí của tôi chỉ là giúp giải quyết tài sản chứ không điều hành. Nếu tôi như cáo trạng nói, thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của tôi đều nằm ở SCB, của cả gia tộc nợ nần" - bà Lan khai.

Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định những người ở SCB không phải thân tín của mình.

"Tất cả người ở SCB đều không phải người thân tín của tôi, nếu thân tín của tôi thì không thể làm mấy tháng một năm rồi nghỉ, kể cả bà Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Khánh Hiền, Võ Tấn Hoàng Văn. 

Võ Tấn Hoàng Văn là tổng giám đốc một năm gặp tôi không được bao nhiêu lần, một tổng giám đốc SCB tại sao không dám nói sự thật" - bà Lan nói.

Gây thiệt hại đặc biệt lớn

Trương Mỹ Lan (68 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về 3 tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng.

Cáo trạng xác định trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong đó, nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó:

- Từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.621 tỉ đồng.

- Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 304.096 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỉ đồng.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, và chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc, tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư đề nghị cho vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan được ngồi khi xét xửVụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư đề nghị cho vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan được ngồi khi xét xử

Sau phần kiểm tra nhân thân các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đề nghị cho bà được ngồi trong quá trình xét xử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên