Những công trình, dự án giao thông đồ sộ đang mở ra vận hội đặc biệt cho TP.HCM để phát triển hạ tầng, dẫn dắt kinh tế. 

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện đầu năm với ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - về những dự án giao thông và vận hội đặc biệt này.

355km đường sắt đô thị, siêu cảng trung chuyển Cần Giờ, hệ thống đường ở các ngõ vào TP, đường vành đai 2, đường vành đai 3 sắp sửa khép kín, đường vành đai 4 đang chuẩn bị trình Quốc hội... Những công trình đồ sộ của TP.HCM đang triển khai, dần hình thành. 

"Đó cũng là cơ duyên hội tụ giữa đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng khát vọng vươn lên của TP.HCM, ngay trong những ngày đầu năm 2025 này", ông Trần Quang Lâm chia sẻ.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 1.

* "Cơ duyên" mà ông nói có lẽ bắt đầu bằng đường sắt đô thị, khi kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa khai mạc và Chính phủ đã trình dự án đường sắt đô thị của TP.HCM - một đề án đặc biệt lớn?

- Đề án đường sắt đô thị của TP.HCM và Hà Nội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này là tin rất vui những ngày đầu năm. 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng với TP.HCM và Hà Nội đã làm xuyên Tết để hoàn thiện cơ chế và Chính phủ trình khi ngày Tết "vẫn còn mùng" cho thấy sự khẩn trương, quyết tâm, khát vọng của trung ương và địa phương.

Trước đó, để phát triển đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 49, trong đó xác định đường sắt đô thị chính là hạ tầng giao thông xương sống, là giải pháp căn bản để giải quyết nhu cầu đi lại, giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn và ô nhiễm môi trường. 

Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu Hà Nội và TP.HCM phải cơ bản hoàn thành mạng lưới metro theo quy hoạch đến năm 2035.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 2.

Để triển khai kết luận 49, TP.HCM đã chủ động xây dựng đề án. Một điểm rất thuận lợi là lúc này TP.HCM cũng đang lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung. 

Với khát vọng muốn trở thành đô thị toàn cầu, văn minh hiện đại, nghĩa tình, ngang tầm với các TP trên thế giới, TP.HCM đã điều chỉnh mạng lưới metro dài 510km với 10 tuyến thay vì chỉ 8 tuyến dài chưa đầy 200km theo quy hoạch cũ. 

Metro sẽ có vai trò dẫn dắt quy hoạch và phát triển đô thị, metro đi đến đâu TP.HCM sẽ tái cấu trúc, cải tạo đô thị hiện đại đến đó.

Từ định hướng của Bộ Chính trị, của Chính phủ cùng với khát vọng vươn lên của TP, đề án đã đặt ra những mục tiêu rất táo bạo là sẽ hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355km metro từ nay đến năm 2035. 

Tổng mức đầu tư cho các dự án là 40,2 tỉ USD. Giai đoạn 2035 - 2045, TP sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện thêm 3 tuyến với tổng chiều dài 155km để hoàn thành mạng lưới đến năm 2045, sớm hơn 15 năm so với quy hoạch đề ra.

Như vậy, mục tiêu 10 năm làm 355km metro chính là kết quả của sự hội tụ cơ duyên giữa đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng khát vọng vươn lên của TP.HCM. 

Khát vọng của TP.HCM sẽ hòa chung vào một giai đoạn đặc biệt của đất nước, giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 3.

* Ông nhắc về vai trò dẫn dắt của metro với hạ tầng, kinh tế TP, đó chính là mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) sẽ được chú trọng đặc biệt trong dự án này?

- Về quy hoạch, có lẽ lần đầu tiên khái niệm TOD sẽ được triển khai tại TP.HCM, Hà Nội và có vai trò dẫn dắt để phát huy giá trị đất đai. 

Trên cơ sở hướng tuyến, phương án tuyến, vị trí nhà ga, những khu đất có thể phát triển đô thị hiện đại thì có thể điều chỉnh. Đây là cơ chế mới, theo quan điểm giao thông đi trước mở đường.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 4.

Theo kế hoạch, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dịp 30-4

Về nguồn lực, rất thuận lợi là trung ương đang tập trung đầu tư xây dựng phát triển với mục tiêu cả nước phấn đấu GDP đạt hai con số. Trong đó đầu tư công chính là chủ lực, mũi nhọn. 

Tại đề án, TP.HCM đã đề xuất các cơ chế để huy động nguồn vốn làm metro như tăng trần bội chi, phát hành trái phiếu, thu từ TOD, nếu cần sẽ vay các tổ chức tín dụng... TP.HCM sẽ cân đối được bao nhiêu sẽ triển khai đến đó, làm càng nhanh càng tốt chứ không như trước đây.

Mục tiêu 10 năm để hoàn thành khoảng 355km là rất ngắn so với thời gian triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị hiện nay. 

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương cùng với 6 nhóm cơ chế, chính sách, việc hoàn thành 355km đường sắt đô thị vào năm 2035 là hoàn toàn khả thi.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 5.
Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 6.

* Chúng ta nói về vận hội của TP.HCM từ những công trình giao thông đặc biệt, như vậy không chỉ có metro và nhiều công trình nữa đã và sẽ triển khai sẽ hình thành mạng lưới giao thông hiện đại của TP.HCM?

- TP.HCM có lợi thế lớn là địa phương hội tụ đủ các loại hình vận tải về đường thủy, đường bộ, hàng không, đường biển, đường sắt... 

Với vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng và hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua TP.HCM đã tập trung đầu tư hạ tầng khung, hạ tầng kết nối.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 7.

Điểm nhấn chính là mạng lưới đường vành đai dài gần 300km đang hoàn chỉnh sau rất nhiều năm chờ đợi. 

Hiện nay, đường vành đai 3 TP.HCM đang được đẩy nhanh để cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. 

Đối với các đoạn khép kín đường vành đai 2 TP.HCM đã đang chuẩn bị mặt bằng sẽ khởi công vào giữa năm nay.

Còn đường vành đai 4 TP.HCM dài gần 207km - dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ - cũng đã được trình chủ trương đầu tư, phấn đấu khởi công dự án trong năm nay.

Đối với các dự án cửa ngõ - quốc lộ 1, 13, 22... Sở GTVT TP.HCM vừa hoàn thiện báo cáo tiền khả thi và TP.HCM sẽ trình quyết định chủ trương đầu tư trong quý 1-2025, phấn đấu khởi công cuối năm nay. 

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 8.

Người dân đi metro số 1

Bên cạnh đó, các tuyến đường dẫn kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn cao tốc Trung Lương, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng sắp được thi công, đầu tư mở rộng theo quy hoạch.

Với sân bay, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị hoàn thành dịp 30-4; sân bay Long Thành "chia lửa" cho sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành trong năm 2026. 

Với đường sắt, ngoài đường sắt cao tốc Bắc - Nam nối đến Thủ Thiêm thì tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang được triển khai nghiên cứu đầu tư. 

Về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2025 làm cơ sở để TP triển khai các bước tiếp theo...

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 9.

Theo lộ trình, sau khi được Quốc hội ban hành nghị quyết, năm 2025 TP.HCM sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chấp thuận chủ trương đầu tư toàn bộ 7 tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện từ năm 2026 - 2029. Các tuyến metro sẽ bắt đầu được khởi công vào năm 2027

Như vậy, 2025 là năm bản lề, hội tụ của các dự án lớn, dự án đặc biệt cho giao thông TP.HCM. Với sự vào cuộc từ trung ương đến địa phương, sự đồng thuận của người dân thì thời điểm này chính là vận hội cho sự phát triển hạ tầng TP.HCM. 

Các công trình giao thông đặc biệt sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, giúp TP.HCM trở nên hiện đại, đáng sống, là nơi thể hiện rõ nét nhất khát vọng đổi mới bứt phá, khát vọng vươn mình của cả nước.

* Khối lượng dự án là rất lớn, bên cạnh nguồn lực đầu tư công thì thu hút vốn đầu tư tư nhân cũng rất quan trọng?

- Ngay từ bây giờ, các nhà đầu tư, tập đoàn của châu Á cũng đã đến TP.HCM để đề xuất triển khai thực hiện các dự án trong đề án metro. 

Một số tập đoàn đã đặt vấn đề với doanh nghiệp trong nước để phối hợp sản xuất thiết bị chuẩn bị cho công nghiệp đường sắt. Có tập đoàn đã đến đặt văn phòng đại diện tại TP.HCM để tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đầu tư. 

Hay như dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Hãng tàu MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới - đã đề xuất đầu tư.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 10.

Công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP.HCM cấp tập thi công. Dự án đặt mục tiêu sẽ thông xe đoạn trên cao qua địa bàn TP Thủ Đức dài 14,7km trước ngày 31-12 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Với vị thế của đất nước như hiện nay, cùng với khát vọng đổi mới và sự chuẩn bị kỹ càng từ nguồn lực đến quy hoạch, chắc chắn thời gian tới TP.HCM sẽ thu hút rất nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. 

Các cơ chế mới đang giúp TP tạo ra một sân chơi lớn, lành mạnh, minh bạch cho các nhà đầu tư. 

Ngược lại TP cũng muốn tìm được nhà đầu tư có năng lực thực sự mạnh và có cam kết xây dựng nhanh, có sản phẩm chất lượng. Sân chơi ấy cũng là một vận hội đặc biệt của TP.HCM.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 11.


Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 12.

2025 là một năm đặc biệt của hạ tầng TP.HCM với hàng loạt dự án lớn được triển khai. Trong đó dự kiến có khoảng 10 dự án được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) sẽ thu hút hơn 100.000 tỉ đồng từ vốn tư nhân.

Dự kiến, TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 2-2025 về nhóm 4 dự án BOT theo nghị quyết gồm: nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 1 và đường trục Bắc - Nam.

Bốn dự án này có quy mô rất lớn, với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỉ đồng. Do đó, phương thức PPP có hỗ trợ một phần từ ngân sách sẽ giảm gánh nặng từ nguồn vốn đầu tư công trong điều kiện TP.HCM đang triển khai loạt dự án khác.

Đầu tư theo phương thức PPP cũng tranh thủ được nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư, tận dụng được thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân. 

Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM sẽ khảo sát sự quan tâm và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 13.

Dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) - một trong các công trình cửa ngõ thực hiện theo nghị quyết 98 sẽ được trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 2-2025

Ngoài loạt dự án cửa ngõ, các dự án khác như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4 TP.HCM, cầu Thủ Thiêm, cầu Cần Giờ... cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Cùng với dự án lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ để xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với khu vực huyện Cần Giờ. 

Huyện đảo này là địa phương duy nhất của TP.HCM giáp biển, được định hướng đến năm 2030 sẽ cơ bản trở thành TP nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực...

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 14.

TP.HCM sẽ xây dựng tuyến metro nối từ trung tâm về huyện Cần Giờ

Theo Sở GTVT TP.HCM, TP sẽ triển khai tuyến metro từ trung tâm đi Cần Giờ và hiện nay Tập đoàn Vingroup đã có văn bản đề xuất nghiên cứu dự án này. 

Sở cũng đã làm việc với nhà đầu tư nhằm xác định rõ nội dung đề xuất để tham mưu UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, sở đang chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các địa phương làm tuyến đường ven biển nối từ Tiền Giang vượt sông Soài Rạp vào huyện Cần Giờ, kết nối cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An (Đồng Nai) và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Đây là một phần của tuyến đường bộ ven biển phía Nam, dài khoảng 428km, nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long.

Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông - Ảnh 15.
VIỄN SỰ - ĐỨC PHÚ thực hiện
CHÂU TUẤN - PHƯƠNG NHI
AN BINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0