Những bữa ăn miễn phí ở Timor-Leste
Timor-Leste dự SEA Games với tổng cộng 90 vận động viên. Và cho đến lúc này, mới chỉ có Queffi cùng Manuel giành được huy chương. Queffi đoạt huy chương đồng hạng cân dưới 67kg karate (đối kháng). Còn Manuel đoạt ở hạng cân dưới 75kg.
Ở SEA Games, đoạt huy chương đồng không phải thành tích gì quá ghê gớm. Thật ra, cả Queffi cùng Manuel đều… chẳng giành được trận thắng nào. Chỉ có 5 võ sĩ tham dự cả 2 hạng cân này, và 2 võ sĩ của Timor-Leste may mắn vào bán kết nhờ bốc thăm.
Nhưng nói vậy không có nghĩa Queffi và Manuel chỉ biết trông vào may mắn. Tấm huy chương của 2 võ sĩ người Timor-Leste chứa đựng mồ hôi, nước mắt và sự hi sinh như rất nhiều vận động viên hàng đầu các quốc gia khác.
Để được dự SEA Games, Queffi cùng Manuel phải vượt qua hàng chục ứng viên ở quê nhà. Phần đông họ là những người làm nghề tự do, nghèo túng, nhưng có niềm đam mê với thể thao và nỗ lực không ngừng với mong muốn có cuộc sống tốt hơn.
Câu chuyện của Queffi là điển hình với mọi gia đình ở Timor-Leste. Anh sinh trưởng trong gia đình nghèo. Cha làm công nhân và mẹ vất vả nuôi 5 người con. Là anh thứ hai, Queffi sớm có ý thức về việc phải hỗ trợ gia đình.
Hơn 10 tuổi, Queffi bắt đầu học karate từ một câu lạc bộ gần nhà. Với một cậu bé nghèo túng khi đó, động cơ học karate đến từ sự yêu thích và những bữa ăn miễn phí. Không ai cấp cho Queffi một chế độ nào. Nhưng ít ra ở câu lạc bộ karate, anh được yêu mến và được các đàn anh chia sẻ nhiều thứ.
Manuel lớn tuổi hơn Queffi và cũng kiệm lời hơn. Nhưng chuyện đời cũng tương tự. Đó là bản lề cho sự nghiệp của hầu như toàn bộ vận động viên Timor-Leste.
"Nếu giành huy chương vàng, một vận động viên Timor-Leste sẽ được thưởng tổng cộng khoảng 25.000 USD. Khoản tiền này đủ cho cả nhà tôi sinh sống trong nhiều năm. Tôi không rõ lắm mức thưởng với huy chương bạc và đồng, nhưng cũng dao động từ 5.000 - 10.000 USD", Queffi nói.
Tiền thưởng mà Queffi nói bao gồm tiền mặt và cả học bổng. Cả hai đều khiến vận động viên Timor-Leste đổi đời. Ở quốc gia 1,5 triệu dân, rất nhiều người mù chữ. Được học hành đầy đủ vì thế mang đến hy vọng về một cuộc sống tốt hơn cho họ.
Bạn bè quốc tế quan tâm
Người hâm mộ Việt Nam ắt hẳn chưa quên Felisberto De Deus. Một năm trước, chân chạy cự ly dài của Timor-Leste để lại những hình ảnh đầy cảm xúc trên sân Mỹ Đình. Anh về đích thứ hai ở các nội dung 5.000m và 10.000m.
Sau đó, De Deus lần lượt khoác lên người quốc kỳ của Timor-Leste, rồi cả lá cờ nền đỏ sao vàng của Việt Nam. Hình ảnh gây xúc động này tạo nên một câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi vận động viên Timor-Leste.
Với họ, đến SEA Games là để giành huy chương, mơ đổi đời, và giao lưu với bạn bè quốc tế. Không gì dễ hơn việc phỏng vấn một vận động viên Timor-Leste ở SEA Games. Họ vui vẻ và sẵn sàng trò chuyện với tất cả, bằng vốn liếng tiếng Anh không đến nỗi nào.
Thành tích đoạt huy chương của Timor-Leste làm vui lây cả những đoàn thể thao khác. Khi Queffi và Manuel lui vào phòng nghỉ, nhiều vận động viên các nước đã đến chúc mừng họ. Những hình ảnh mang đậm nét đẹp nguyên bản của thể thao.
Khó có thể nói các vận động viên Timor-Leste chơi thể thao vì tiền. Hầu hết khoảng thời gian trong năm họ không nhận được đồng nào. Dụng cụ tập luyện đa phần cũng là đời trước để lại cho đời sau, mòn vẹt và cũ kỹ.
Chỉ đến khoảng 2-3 tháng trước thềm SEA Games, các vận động viên Timor-Leste mới nhận được mức trợ cấp khoảng 200 USD/tháng. Và nếu trắng tay tại SEA Games sẽ chẳng có gì thêm.
Dù là quốc gia nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, GDP đầu người ở Timor-Leste vẫn vào khoảng 2.700 USD. Tức mức thu nhập trung bình hằng tháng ở đây vẫn là hơn 200 USD.
Để sinh nhai, Queffi, Manuel hay cả HLV của họ - Andreas Da Silva đều phải tìm một công việc tự do khác. Ban ngày họ làm đủ nghề, nhân viên bán hàng, tài xế hay cả thu gom phế liệu. Đến ban đêm họ lại sống với đam mê và ước mơ trên sàn đấu võ.
Queffi mới chỉ ngoài 20, nhưng Manuel và Da Silva đều đã gần 30 tuổi. Tất cả đều chưa lập gia đình.
"Hầu hết vận động viên chúng tôi chưa ai lập gia đình cả. Chúng tôi chờ giành huy chương SEA Games. Sau đó tiết kiệm được một ít và bắt đầu đi học trở lại, rồi mới lấy vợ. Tôi muốn vợ con mình có một cuộc sống tốt", Manuel nói.
Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32"
1. Nội dung:
Trong mọi sự kiện thể thao lớn, luôn có những câu chuyện hay, nhân văn được chuyển tải đến cộng đồng.
Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 sẽ phát hiện, ghi nhận và giới thiệu các câu chuyện truyền cảm hứng tại kỳ đại hội này qua các hình thức như bài viết, chùm ảnh hoặc video trên chuyên mục "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32", đăng tải trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi kết thúc SEA Games, dựa trên những tác phẩm đã được đăng tải, ban giám khảo sẽ bình chọn ba (03) nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng nhất tại SEA Games 32. Số điểm của ban giám khảo sẽ chiếm 70% và lượt like của bạn đọc dành cho nhân vật sẽ chiếm 30% tổng điểm để quyết định chọn ba nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất.
2. Đối tượng bình chọn:
Tất cả những VĐV, HLV, tình nguyện viên, khán giả và những người góp mặt tại SEA Games 32 có câu chuyện truyền cảm hứng phù hợp với tinh thần và giá trị của kỳ đại hội này đều là đối tượng hướng tới của chương trình.
Đặc biệt, "Nhân vật truyền cảm hứng SEA Games 32" không chỉ trong phạm vi đoàn thể thao Việt Nam mà sẽ mở rộng nhân vật và câu chuyện ấn tượng của các đoàn thể thao khác tại đại hội.
3. Giải thưởng:
Ba nhân vật đoạt giải truyền cảm hứng sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình trị giá 20 triệu đồng/giải thưởng. Nếu nhân vật truyền cảm hứng đến từ các quốc gia khác trong khu vực, ban tổ chức sẽ mời sang Việt Nam để nhận giải và giao lưu tại lễ trao thưởng cuộc thi "SEA Games 32 trong mắt tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận