23/05/2015 09:11 GMT+7

Vấn đề di cư ở châu Á: những giải pháp đầu tiên

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Hôm qua, theo AFP, bộ trưởng ngoại giao các nước Malaysia, Indonesia và Myanmar đã họp tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar để bàn giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư trên vùng biển châu Á.

Người di cư giúp lai dắt tàu chở người di cư vào bờ gần Aceh - Ảnh: AFP
Người di cư giúp lai dắt tàu chở người di cư vào bờ gần Aceh - Ảnh: AFP
Vấn đề người tị nạn Rohingya phức tạp như cuộc khủng hoảng tàu nhập cư của Liên minh châu Âu (EU): không thể giải quyết dễ dàng bằng cách đổ lỗi trách nhiệm. Không có câu trả lời đơn giản, không có cách giải quyết đơn phương nhanh chóng
Báo The Nation của Thái Lan

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Myanmar Thein Sein để bàn về vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trên.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết chính quyền Myanmar đồng ý bảo vệ những người dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya đang mạo hiểm tính mạng vượt biển để chạy trốn đói nghèo và sự trấn áp trong nước.

Ngoài ra, Myanmar cũng đồng ý “tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp của người dân nước này” và cam kết gửi các quan chức đến cơ quan ngoại giao ở Jakarta để thăm hỏi những người di cư vừa được cứu vào khu vực Aceh sau nhiều ngày trên biển.

Dù vậy, theo BBC, Myanmar bác bỏ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di cư. “Chúng tôi không phớt lờ vấn đề di cư nhưng chúng tôi không chấp nhận các cáo buộc của một số nước rằng Myanmar là nguồn gốc của vấn đề” - chánh Văn phòng tổng thống Myanmar Zaw Htay khẳng định.

Trong khi đó, VOA News dẫn lời người phát ngôn tổng thống Myanmar cho biết Tổng thống Thein Sein cam kết sẽ cho xác minh quốc tịch của những người cần hỗ trợ, giúp đỡ hồi hương cho những người di cư quốc tịch Myanmar.

Tuyên bố của Tổng thống Thein Sein đưa ra sau cuộc hội đàm với Thứ trưởng Blinken. Ông Blinken cũng đã kêu gọi các quan chức Myanmar “cải thiện điều kiện tại bang Rakhine” để “người dân không cảm thấy rằng lựa chọn duy nhất mà họ có là phải chạy trốn bằng cách mạo hiểm tính mạng để vượt biển”.

Chính quyền Myanmar vốn không công nhận cộng đồng người Hồi giáo Rohingya và cho rằng họ là những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn tại bang Rakhine từ năm 2013 buộc hàng ngàn người Rohingya rời bỏ quê nhà.

Theo Reuters, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 21-5 cũng chỉ đạo cho Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA) tiến hành các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn những con tàu chở người Rohingya trên vùng biển Andaman.

AFP cho biết đây là bước đi chủ động chính thức và cũng là đầu tiên để cứu lấy mạng sống hàng ngàn người di cư sau khi Malaysia, Indonesia và Thái Lan ngừng chính sách xua đuổi tàu chở người di cư.

AP dẫn lời tướng hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar cho biết bốn tàu lớn của nước này đang tìm kiếm tàu của người di cư trên biển, trong khi ba trực thăng và ba tàu chiến đang trong chế độ chờ.

Trong khi đó, truyền thông trong khu vực cho rằng không dễ để tìm thấy “câu trả lời đơn giản” cho vấn đề di cư. Một bài xã luận trên tờ Malay Mail viết: “Nếu chúng ta cố gắng làm vừa lòng những người (di cư) này vì lòng trắc ẩn, chúng ta có thể giúp đỡ họ trong khoảng thời gian ngắn nhưng khi thời gian trôi qua, vấn đề này có thể gây tàn phá hơn cho đất nước”.

Tuy nhiên, trên tờ The Star, nhà hoạt động nhân quyền Marina Mahathir lại nêu quan điểm khác: “Vấn đề Rohingya sẽ không qua đi chỉ bởi vì chúng ta từ chối giúp đỡ họ. Việc nói rằng họ sẽ tiếp tục đến nếu chúng ta cho họ cái ăn và chỗ ở là quá giản đơn”.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên