06/11/2018 12:12 GMT+7

Văn bản ngành giáo dục: nhiều quy định - nhiều sai sót!

NGUYỄN CAO
NGUYỄN CAO

TTO - Mỗi năm ngành giáo dục đều lấy ý kiến cho các văn bản dự thảo và ban hành nhiều văn bản chính thức. Tuy nhiên, có những văn bản khiến dư luận không đồng tình, thậm chí có những phản ảnh gay gắt.

Văn bản ngành giáo dục: nhiều quy định - nhiều sai sót! - Ảnh 1.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời trước quốc hội về quy định gây bức xúc dư luận: xử phạt sinh viên bán dâm, ngày 31-10-2018 - Ảnh: TTXVN

Tại sao với một đội ngũ tham mưu hùng hậu và phần lớn đều có học hàm, học vị cao mà lại để xảy ra những sai sót không đáng có như vậy?

Việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên mới đây có nội dung sinh viên hoạt động mại dâm (lần thứ 1: khiển trách, lần thứ 2: cảnh cáo, lần thứ 3: đình chỉ có thời hạn, lần thứ 4: buộc thôi học) là một ví dụ (dù đã được rút lại ngay sau đó).

1. Điểm lại là thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy thêm bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Tất nhiên ngay sau khi ra đời, thông tư này đã bị dư luận phản đối gay gắt. Sau đó 12 ngày, Bộ GĐ-ĐT đã phải ra thông tư bãi bỏ đối tượng ưu tiên bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi thi ĐH để tránh dư luận đàm tiếu.

2. Một chuyện khác. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục đã nói rõ trong mục III (nhiệm vụ và giải pháp): "Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên".

Thế nhưng, trong các thông tư 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV lại bắt buộc xếp lương giáo viên tiểu học, mầm non theo vị trí việc làm. Điều này dẫn đến việc giáo viên tiểu học và mầm non mới ra trường dù có bằng ĐH vẫn phải nhận lương trung cấp.

Thông tư 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng quy định về chuẩn ngoại ngữ, tin học cho mỗi cấp học. Vì thế nhiều địa phương đã triển khai và giáo viên nhiều nơi đã đi học với một khoản chi phí rất lớn để lấy chứng chỉ theo quy định.

Nhưng sau đó lại chỉ đạo không được bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bởi theo hướng dẫn của bộ là chỉ những giáo viên có nhu cầu thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.

Trước đây, khi tuyển dụng thì yêu cầu giáo viên có chứng chỉ A, B ngoại ngữ và tin học (tùy cấp học). Đổi quy định, vô tình việc bồi dưỡng học, thi lại theo chuẩn mới thành "mảnh đất màu mỡ" cho một số trường ĐH và trung tâm ngoại ngữ nhưng làm khổ thêm cho giáo viên.

Thậm chí, có cầu tất có cung, việc mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của giáo viên không thuộc hai môn này đã trở nên phổ biến. Giáo viên trở thành nguồn sống cho các trung tâm liên kết đào tạo ngoại ngữ của các cơ sở mà Bộ GD-ĐT chỉ định.

3. Chúng ta còn nhớ ngày 3-10-2017, Bộ GD-ĐT có công văn 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh từ năm học 2017-2018.

Văn bản này đã được gửi về các địa phương và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nội dung công văn 4612 có nhiều mâu thuẫn và bất cập, bị dư luận phản đối gay gắt.

Vì thế, ngày 17-10-2017, ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - trả lời về vấn đề này nhưng vẫn né tránh sai sót với lập luận rất lắt léo: "Bộ cũng yêu cầu bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu, nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ".

Mong Bộ GĐ-ĐT nghiên cứu kỹ văn bản trước khi ban hành

Còn nhiều những văn bản mâu thuẫn, bất cập nữa nhưng chúng tôi chưa liệt kê hết. Thiết nghĩ, mỗi khi ký và ban hành một văn bản nào thì Bộ GĐ-ĐT cũng cần nghiên cứu kỹ càng và chuẩn bị chu đáo.

Một hướng dẫn của bộ liên quan đến hàng chục triệu con người mà ban hành còn nhiều bất cập như vậy thì vô hình trung đang làm khó giáo viên và những người liên quan đến ngành.

Là một giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục và cũng thường xuyên tiếp cận những văn bản mới, những văn bản đã ban hành nên bản thân chúng tôi cũng thấy còn nhiều băn khoăn.

Phải nói rằng hệ thống văn bản pháp quy hiện nay của ngành giáo dục rất nhiều, nhiều kinh khủng. Ví dụ qua cuốn "Hệ thống các văn bản quy định pháp luật ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam" của Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia đã xuất bản cách đây nhiều năm rồi nhưng có tới 1.342 trang giấy.

Nói thật, không thầy cô nào có thời gian đọc hết quyển sách này với những văn bản thường xuyên được ban hành, bổ sung.

Sửa ngay quy định "bán dâm 4 lần bị đuổi học" Sửa ngay quy định 'bán dâm 4 lần bị đuổi học'

TTO - Từ vụ dự thảo quy định "sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học", đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về năng lực của cán bộ quản lý giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết không cần đưa nội dung này vào thông tư cho nên phải sửa.

NGUYỄN CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên