16/05/2019 09:06 GMT+7

Ứng xử ra sao với cặp rắn 'khủng' quý hiếm ở núi Cấm?

TS TRẦN HỮU HIỆP
TS TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Việc nhóm công nhân và kỹ sư Ấn Độ bắt được cặp rắn hổ mây “khủng” ở núi Cấm, An Giang là điều đáng mừng, nhưng cũng rất đáng lo.

Ứng xử ra sao với cặp rắn khủng quý hiếm ở núi Cấm? - Ảnh 1.

Cặp rắn hổ mây “khủng” bị nhốt tại khu du lịch Đồi Tức Dụp - Ảnh: BỬU ĐẤU

Mừng vì đến nay vẫn còn cá thể động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm trên thế giới như rắn hổ mây (hay hổ mang chúa) và hàng trăm con rắn khác, trong đó có nhiều loài quý hiếm vừa phát hiện ở đây.

Nhưng đáng lo là trước tác động của việc thi công xây dựng các công trình, môi trường sống tự nhiên của chúng ngày càng thu hẹp, nguy cơ tuyệt chủng cao hơn. Bảo tồn động vật hoang dã không chỉ yêu cầu việc thực hành bảo vệ loài, mà còn đòi hỏi tạo cho chúng môi trường sống.

Theo các tài liệu chuyên môn, hổ mang chúa là loài rắn thuộc họ Elapidae, phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Loài này được liệt kê tại phụ lục II trong Công ước quốc tế về động vật hoang dã nguy cấp (CITES), thuộc loại độc nhất thế giới có chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên khoảng 7m. Cặp rắn hổ mang chúa được phát hiện ở An Giang nặng khoảng 60kg, chiều dài khoảng 6m quả là cực kỳ quý hiếm.

Ngoài những giá trị kinh tế, y học, giá trị môi trường, sự cân bằng đa dạng sinh học, ở nhiều nơi rắn hổ mang chúa được tôn trọng, thậm chí còn được tôn sùng do tín ngưỡng văn hóa bản địa. Rắn quý và những ông thầy rắn từ lâu đã trở thành những giai thoại độc, lạ ở vùng Bảy Núi. Đó chính là những giá trị văn hóa bản địa cần được giữ gìn và phát huy.

"Tịch thu" cặp rắn quý gửi về trung tâm bảo tồn động vật hoang dã như đề xuất của kiểm lâm tỉnh hay thả về môi trường tự nhiên, hay tiếp tục để doanh nghiệp nuôi giữ phục vụ du lịch? Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng điều này, đảm bảo yêu cầu bảo vệ động vật và thực thi hiệu quả CITES mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Luật đa dạng sinh học và các quy định pháp luật liên quan.

Môi trường tự nhiên khu vực núi Cấm, nơi rắn được phát hiện, đang bị tác động do đang xây dựng các công trình điện, thả chúng về tự nhiên không đảm bảo. Việc đưa cặp rắn quý về trung tâm để bảo tồn động vật hoang dã là cần thiết. Nhưng trong điều kiện thực tế của An Giang hay rộng ra là vùng ĐBSCL, liệu có một khu bảo tồn động vật hoang dã nào đủ điều kiện?

Đề nghị đưa cặp rắn quý về trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang vừa có điều kiện nuôi nhốt, vừa phục vụ nghiên cứu y học và du lịch cũng cần được xem xét. Hoặc chọn phương án cho phép doanh nghiệp tiếp tục nuôi nhốt loài động vật hoang dã, nguy hiểm này tại khu du lịch Đồi Tức Dụp cũng hết sức cân nhắc, đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt và cần được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Quyết định "số phận" của cặp rắn quý hiếm này về đâu không chỉ là việc thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm mà còn thể hiện thái độ ứng xử trước những giá trị bảo tồn tự nhiên, sự đa dạng sinh học và các giá trị lịch sử, văn hóa bản địa vùng Thất Sơn.

Không thể thả cặp rắn hổ mây "khủng" về tự nhiên

Chiều 15-5, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn đã có buổi khảo sát lần cuối tại khu du lịch Đồi Tức Dụp - nơi đang nuôi nhốt cặp rắn hổ mây "khủng" bị bắt giữ trước đó.

Ông Lý Vĩnh Định - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tri Tôn - cho biết khu du lịch Đồi Tức Dụp chỉ là nơi tiếp nhận nuôi nhốt cặp rắn và không chứng minh được nguồn gốc, giấy tờ.

Còn ông Bành Thanh Hùng - trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Chi cục Kiểm lâm An Giang - cho biết cần làm rõ thêm vài vấn đề. Như phải đến nơi được cho là đã bắt được cặp rắn để kiểm tra dấu vết, tìm người bắt được cặp rắn này hoặc tìm nhân chứng địa phương từng nghe đến sự tồn tại của rắn to. Một khi làm rõ hết các nội dung mới báo cáo UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý.

"Nếu xong giấy tờ thì phải gửi vào trung tâm cứu hộ động vật hoặc trại rắn Đồng Tâm (Long An). Chứ loại này mà thả về khu vực núi Cấm rất nguy hiểm" - ông Hùng cho biết thêm.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, một nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ đã phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây "khủng" dài 6-7m ở chân núi Cấm, tỉnh An Giang. Tập đoàn Sao Mai đã yêu cầu đưa về khu du lịch Đồi Tức Dụp.

BỬU ĐẤU

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nên xử lý sao với cặp rắn hổ mây vừa bắt được ở núi Cấm:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Nếu thả rắn hổ mây về lại núi Cấm sẽ rất nguy hiểm Nếu thả rắn hổ mây về lại núi Cấm sẽ rất nguy hiểm

TTO - Chiều 15-5, đoàn kiểm tra của tỉnh An Giang đã có buổi khảo sát tại khu du lịch Đồi Tức Dụp, nơi đang quản lý cặp rắn hổ mây “khủng”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: nếu trả rắn về lại khu núi Cấm sẽ rất nguy hiểm.

TS TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên