30 năm trước, ngày 5-12-1994, trong một buổi lễ tại Budapest (Hungary), các quốc gia tách khỏi Liên Xô (là) Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga.
Nga không ngừng tiến quân trên lãnh thổ Ukraine
Chiều 6-12 (giờ Việt Nam), Hãng tin Tass dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Nga đã kiểm soát thêm các khu định cư Pustynka và Sukhi Yaly ở miền đông Ukraine.
Lực lượng Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine và gần đây đã tiến công với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến.
Trước đó, nhân kỷ niệm 30 năm thỏa thuận định mệnh tại Budapest, Ukraine đã nhắc lại thỏa thuận trên để nêu quan điểm cho tương lai của mình.
Xuất hiện tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels (Bỉ) tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha cũng cầm theo tập tài liệu chứa bản sao của Bản ghi nhớ Budapest.
"Tài liệu này đã không đảm bảo được an ninh cho Ukraine và an ninh xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta phải tránh lặp lại những sai lầm như vậy", ông Sybiha tuyên bố.
"Sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho chúng tôi là NATO", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ngày 1-12 và khẳng định: "Đối với chúng tôi, NATO và EU là không thể thương lượng".
Tuy vậy, đứng trước kỳ vọng của ông Zelensky, các quốc gia trong khối Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) vẫn chia rẽ trong vấn đề gia nhập của Ukraine.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa các đồng minh Ukraine cho đến nay đều đề cập đến "hòa bình nhờ sức mạnh", nhằm đảm bảo rằng Ukraine ở vị thế mạnh nhất trước các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra.
"Hiện chúng ta hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho Ukraine thế nào thì họ cũng sẽ có vị thế mạnh mẽ tương tự trên bàn đàm phán", Tổng thư ký NATO Mark Rutte phát biểu.
Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân kế thừa từ Liên Xô
Từng có thời 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô được đặt trên đất Ukraine. Việc Kiev quyết định chuyển giao kho vũ khí này là một thời khắc quan trọng, xứng đáng được quốc tế ghi nhận.
"Những cam kết về đảm bảo an ninh đã đưa ra cho ba quốc gia nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước này" - ông Bill Clinton, khi đó là tổng thống Mỹ, phát biểu tại Budapest.
Đến năm 2022, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, và chiến sự cho đến nay đã kéo dài gần 3 năm, nhưng vẫn không có thỏa thuận rõ ràng nào giữa các đồng minh về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc.
Dưới điều kiện đó, nhiều người bắt đầu cảm thấy quyết định từ bỏ hạt nhân của Ukraine là sai lầm.
Ông Oleksandr Sushchenko, sinh viên vừa tốt nghiệp học viện quân sự vào thời điểm thỏa thuận Budapest mới được ký, đã đến căn cứ tên lửa ở gần thành phố Pervomais'k và chứng kiến quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
"Nhìn những gì đang xảy ra ở Ukraine, theo quan điểm cá nhân của tôi, việc phá hủy hoàn toàn tất cả vũ khí hạt nhân (của Ukraine - PV) là một sai lầm", Đài BBC dẫn lời ông Sushchenko.
"Chúng tôi ngây thơ, nhưng chúng tôi cũng đã tin tưởng" - ông Serhiy Komisarenko, người từng giữ chức đại sứ Ukraine tại London năm 1994, cho biết. Vào thời điểm đó, tất cả dường như đều có lý, khi không ai nghĩ rằng chiến sự Ukraine sẽ bùng nổ 20 năm sau.
"Khi Mỹ, Anh và cả Pháp tham gia. Chúng tôi nghĩ vậy là đủ rồi, và có cả Nga nữa", ông Komisarenko nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận