19/08/2023 09:31 GMT+7

Ukraine đau đầu với bài toán tiêm kích F-16

Mỹ đã chấp thuận việc gửi máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ F-16 cho Ukraine. Việc chuyển giao sẽ diễn ra sau khi phi công Ukraine hoàn tất khóa huấn luyện.

Tiêm kích F-16 có thể mang 6 tên lửa không đối không

Tiêm kích F-16 có thể mang 6 tên lửa không đối không

Trong bản tin hôm 17-8, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay số tiêm kích F-16 này sẽ được chuyển tới Ukraine từ Hà Lan và Đan Mạch. Quan chức quốc phòng của hai nước châu Âu này sau đó cũng lên tiếng xác nhận thông tin trên.

Tiêm kích F-16 không sớm tới Ukraine

Ukraine đã vận động trong thời gian dài để thuyết phục Mỹ và các đồng minh viện trợ máy bay F-16. Kiev hy vọng loại tiêm kích hiện đại của Mỹ sẽ giúp các lực lượng Ukraine ứng phó với sức mạnh trên không vượt trội của Nga hiện nay.

Nhu cầu F-16 của Ukraine càng cấp thiết hơn khi họ triển khai chiến dịch phản công quy mô lớn vài tháng gần đây với mục tiêu tái chiếm các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát. 

Quân đội Ukraine được cho là đã không có nhiều bước tiến đáng kể. Họ gặp khó khăn trong việc xuyên thủng phòng tuyến dày đặc của Nga trong bối cảnh năng lực trên không khá hạn chế.

Theo tạp chí Newsweek, lực lượng Ukraine đang dùng những chiếc máy bay từ thời Liên Xô những năm 1970. Trong khi đó Nga lại sở hữu máy bay tiên tiến hơn, bay cao hơn và có khả năng phát hiện máy bay đối phương ở cự ly xa hơn. 

Bản thân Yurii Inhat, người phát ngôn Bộ chỉ huy không quân Ukraine, từng nói với báo Wall Street Journal: "Với hệ thống radar, một chiếc máy bay Nga có thể nhìn xa hơn máy bay chúng tôi gấp 2-3 lần. Máy bay của chúng tôi đơn giản như bị mù, không thể nhìn thấy gì".

Hiện chưa rõ các nước sẽ chuyển bao nhiêu máy bay cho Ukraine. Hà Lan đang có kế hoạch loại bỏ các máy bay khỏi lực lượng vũ trang. Nước này hiện có 24 chiếc F-16 đang hoạt động và sẽ bị loại dần tới giữa năm 2024, trong khi 18 chiếc khác cũng đang được rao bán.

Thời điểm chuyển giao F-16 cho Ukraine cũng chưa được ấn định. Trong khi máy bay chỉ có thể đến Ukraine sau khi đợt huấn luyện phi công hoàn tất, thời gian để huấn luyện phải mất 6-8 tháng. 

Một liên minh 11 nước sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái F-16 trong tháng này tại Đan Mạch. Hồi tháng 7, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Poulsen từng nói ông hy vọng sẽ thấy kết quả huấn luyện đầu năm 2024.

Vấn đề hiện tại là xuyên thủng hàng phòng ngự chính của Nga. Không có bằng chứng nào cho thấy các hệ thống trên (tiêm kích F-16 hay các hệ thống tên lửa tầm xa) sẽ giải quyết được mọi vấn đề.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói với Washington Post

Động tác mang tính biểu tượng

Hôm 16-8, ông Inhat cũng nói trên truyền hình Ukraine rằng nước này sẽ không thể có máy bay F-16 trong mùa thu và đông sắp tới. Phát biểu này vô tình hé lộ thực tế rằng giao tranh sẽ tiếp tục kéo dài. 

Kịch bản này giống với một thông tin giật gân của nhà báo Seymour Hersh trong tuần cho biết Cục Tình báo trung ương (CIA) của Mỹ bi quan về khả năng Ukraine phản công thắng lợi và đã cảnh báo với Ngoại trưởng Antony Blinken.

Ngoài ra, thực tế cả giới phân tích phương Tây cũng hoài nghi về khả năng những chiếc F-16 giúp Ukraine thay đổi cục diện.

Trước tiên, binh sĩ Ukraine cần vượt qua nhiều khó khăn về huấn luyện, thậm chí cả những vấn đề như sử dụng tiếng Anh, nhằm thích ứng với cách điều khiển và quan trọng hơn là kỹ thuật tác chiến của phương Tây. 

Theo New York Times, Mỹ đang xử lý thách thức về việc không đủ phi công có khả năng tiếng Anh để đào tạo. Tới nay mới có tám phi công được xác định đủ chuẩn, tức chưa đủ một phi đội. Khoảng 20 phi công nữa đã được đưa sang Anh để học tiếng Anh dùng cho điều khiển máy bay. 

Có F-16 là tốt, nhưng sử dụng nnhư thế nào trên chiến trường và thích ứng ra sao với học thuyết quân sự cũng quan trọng không kém.

Trong các phân tích về F-16, tổ chức nghiên cứu RAND cũng chỉ ra những bất lợi của loại tiêm kích này khi phải đối đầu với các đội máy bay hiện đại, có hệ thống radar hiện đại và mạnh mẽ hơn của Nga như MiG-31 và Su-35.

Ukraine rất muốn F-16 trở thành món vũ khí giúp họ cô lập bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Nhưng vấn đề hiện nay có thể không phải nằm ở F-16 mà là loại vũ khí đi theo nó. 

Nhiều ý kiến tập trung vào việc Mỹ có gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine hay không, cụ thể là các tên lửa liên hợp không đối đất có thể tấn công mục tiêu ngoài tầm phòng không (JASSM) như AGM-158. 

JASSM sẽ là điểm cộng rất lớn cho F-16 khi  giúp Ukraine tấn công các mục tiêu phòng thủ kiên cố của Nga, trong khi tránh việc bị phát hiện và bắn hạ. Hiện chưa có thông tin nào liên quan việc Mỹ sẽ gửi JASSM cho Kiev.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng F-16 không giúp Ukraine chiến thắng. Tuy nhiên, món vũ khí này lại mang tính biểu tượng và chiến lược lâu dài. Việc Ukraine thích ứng tốt hơn với hệ thống của phương Tây, thông qua đào tạo và huấn luyện, là bài toán bảo vệ lãnh thổ trong vài chục năm tới, theo RAND.

Mỹ bi quan về mục tiêu phản công của Ukraine, bất kể có F-16Mỹ bi quan về mục tiêu phản công của Ukraine, bất kể có F-16

Tình báo Mỹ dự đoán cuộc phản công mùa xuân của Ukraine sẽ không thể đạt mục tiêu chính là làm gãy cầu đường bộ giữa Nga và bán đảo Crimea.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên