"Kinh nghiệm là cái chúng tôi có thể cung cấp. Nhưng sau cùng thì điều này phụ thuộc vào các nghị sĩ và nhà lập pháp ở Mỹ, cũng như công chúng Mỹ trong việc thay đổi luật pháp để đảm bảo những loại tai nạn như thế không xảy ra lần nữa", Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói hôm 3-10.
Phát biểu của bà Bishop được đưa ra sau khi Mỹ vừa hứng chịu một vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương.
Nghi phạm số 1 Stephen Paddock được biết đã trữ một lượng súng ống lớn để bắn vào người dân trước khi tự sát.
Chi tiết này khiến những ý kiến tranh cãi về luật dùng súng bùng lên. Ở Mỹ, Hiệp hội Súng trường quốc gia được cho là lực lượng có quyền lực chính trị mạnh mẽ, dẫn tới việc cấm hẳn chuyện sở hữu súng là điều rất khó.
Năm 1996, nước Úc cũng rúng động sau vụ tay súng Martin Bryant nổi cơn cầm súng bán tự động tấn công khu di tích lịch sử ở Port Arthur. Có 35 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ấy, khiến nước Úc - vốn lâu nay là nơi có tỉ lệ sở hữu súng cao - phải đặt ra những điều chỉnh mang tính bước ngoặt.
Phe trung hữu Tự do của thủ tướng John Howard khi ấy siết chặt luật dùng súng, bao gồm việc cấm bán một số loại vũ khí, hạn chế độ tuổi sở hữu súng cũng như vấn đề giấy phép.
Hơn 600.000 món vũ khi đã bị tiêu hủy sau đó và bất chấp những tranh cãi, các biện pháp kiểm soát súng ống thực sự được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Một khảo sát năm 2016 cho thấy số lượng những cái chết và tự tử liên quan tới súng đã giảm đáng kể.
James Carouso, quyền đại sứ Mỹ tại Úc, vừa qua cũng thừa nhận Mỹ có thể học hỏi Úc trong vấn đề chính sách dành cho súng ống.
Ông nói với Đài ABC: "Mỗi khi một chuyện thế này xảy ra, các nhà phân tích ở Mỹ luôn chỉ vào những gì đã diễn ra ở Úc, và chỉ ra rằng tỉ lệ giết người bằng súng ở đất nước các bạn đã giảm rất mạnh, và các bạn đã không để tái diễn những màn giết người hàng loạt như vậy. Tôi nghĩ chắc chắn nhiều nhà quan sát ở Mỹ đang nhìn Úc như một ví dụ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận