02/06/2019 06:07 GMT+7

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội: Nhiều điểm mới sát sườn

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Tại TP.HCM, có khoảng 10.000 học sinh không đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Trong khi đó tại Hà Nội, đây là năm đầu tiên bỏ phương thức thi hai môn ngữ văn, toán kết hợp xét tuyển dựa trên điểm học tập, rèn luyện ở THCS.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội: Nhiều điểm mới sát sườn - Ảnh 1.

Cán bộ coi thi ký chữ ký mẫu trong buổi nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) sáng 1-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hôm nay 2-6, gần 200.000 thí sinh ở TP.HCM và Hà Nội chính thức bước vào ngày thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Phụ huynh, thí sinh có thể tham khảo những thông tin mà chúng tôi tổng hợp dưới đây để có một kỳ tuyển sinh có kết quả tốt nhất.

TP.HCM: đề thi theo hướng đánh giá năng lực

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay TP có 95.334 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có 80.327 thí sinh dự thi (74.180 thí sinh dự thi vào lớp 10 thường, 6.147 thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên). Như vậy, đã có hơn 10.000 học sinh lớp 9 không tham gia "cuộc đua" vào lớp 10 công lập. Nếu so sánh với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là 67.299 thì "cuộc đua" này sẽ đánh rớt 13.028 thí sinh.

Đây là con số thuộc dạng "dễ thở" so với thông tin ban đầu khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết nhiều học sinh không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập vì đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp như học nghề, học văn hóa ở trường quốc tế, trường THPT tư thục, đi du học, học hệ GDTX.

Cũng theo ông Hiếu, đề thi lớp 10 tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh. Theo đó, đề thi sẽ không có những câu hỏi kiểm tra khả năng ghi nhớ mà yêu cầu thí sinh phải biết cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế. Những câu hỏi trong đề thi sẽ ra theo hướng "mở", tiếp cận với những vấn đề của xã hội và gần gũi với lứa tuổi học sinh lớp 9.

"Học sinh phải hiểu bài, biết vận dụng kiến thức chứ không thể học tủ, học vẹt như trước" - ông Hiếu thông tin.

Còn nhớ mùa tuyển sinh năm 2018, TP.HCM có hơn 50% thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán nhưng chúng tôi từng chứng kiến cảnh một giáo viên môn toán "nổi nóng" với học sinh của mình ngay tại cổng điểm thi: "Đề này có gì khó đâu. Tại con không chịu tư duy thôi...".

Ông Nguyễn Đức Tấn - giáo viên môn toán Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - nhận định: "Thật ra, đề toán năm 2018 yêu cầu về học thuật không cao mà chỉ là những dạng toán yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế.

Nhưng cũng cần thừa nhận tình trạng nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới, vẫn dạy theo cách cũ, rập khuôn và máy móc. Học sinh cũng học theo cách ấy nên khi gặp bài toán thực tế thì các em lúng túng, không làm được".

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay hầu hết các trường THCS trên địa bàn TP đều đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học. "Chúng tôi không chỉ dạy kiến thức trong SGK mà còn yêu cầu các em phải tăng cường đọc sách, báo để nắm thông tin thời sự.

Giáo viên cũng không giảng dạy theo kiểu rập khuôn mà phải gợi mở để học sinh trình bày quan điểm, chính kiến của riêng mình. Chính sự đổi mới trong cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đã thúc đẩy và bắt buộc nhà trường chúng tôi phải đổi mới" - hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM cho hay.

Đón xem bài giải các môn thi tuyển sinh lớp 10 trên Tuổi Trẻ Online

Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật tin tức liên tục về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM và Hà Nội tại tuoitre.vn (mục Giáo dục/Tuyển sinh).

Ngay sau khi hết giờ làm bài của các môn thi, Tuổi Trẻ Online sẽ đăng đề thi và bài giải của các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM và Hà Nội để bạn đọc/thí sinh tham khảo.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội: Nhiều điểm mới sát sườn - Ảnh 3.

Thí sinh Hà Nội trong buổi làm thủ tục dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT Đống Đa - Ảnh: Chu Hà Linh

Hà Nội: Phải làm đủ 4 bài thi

Đây là năm đầu tiên Hà Nội bỏ phương thức thi hai môn ngữ văn, toán kết hợp xét tuyển dựa trên điểm học tập, rèn luyện ở THCS. Với khối không chuyên, ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và môn thứ tư được chọn ngẫu nhiên - năm nay là môn lịch sử.

Hình thức thi cũng đa dạng hơn: thi tự luận với toán, ngữ văn; thi tự luận kết hợp trắc nghiệm với môn tiếng Anh và thi trắc nghiệm với môn lịch sử.

Điểm xét tuyển vào các trường THPT công lập sẽ là điểm thi toán, ngữ văn (nhân hệ số 2) + điểm tiếng Anh + lịch sử + điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có). Thí sinh phải dự thi cả bốn môn mới được tham gia xét tuyển.

Thí sinh chỉ có nguyện vọng dự tuyển vào khối chuyên sẽ chỉ thi toán, văn, ngoại ngữ theo đề đại trà (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2).

Sau nhiều năm triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến với mầm non, lớp 1, lớp 6, năm học 2019-2020 Sở GD-ĐT Hà Nội lần đầu tiên thực hiện việc xác định nhập học bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp với tuyển sinh lớp 10.

Tất cả các trường bao gồm trường chuyên, trường công lập không chuyên, trường ngoài công lập đều thực hiện việc xác nhận nhập học trong cùng một khung giờ. Đợt 1 từ 20-6 đến 22-6, đợt 2 từ 1-7 đến 15-7.

Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 với cả hình thức trực tuyến và trực tiếp đều chưa phải nộp hồ sơ tuyển sinh. Ở đợt 2, thí sinh chỉ được xác nhận trực tiếp, đồng thời nộp hồ sơ tuyển sinh.

Theo đó, sau khi công bố kết quả thi, nếu thí sinh đậu cả 7 nguyện vọng, muốn học nguyện vọng nào thì phải xác nhận nhập học (từ 20-6 đến 22-6). Trong thời gian tuyển sinh đợt 1, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng.

Đối với trường hợp xác nhận trực tuyến, đến 24h ngày 22-6, nếu thí sinh không thay đổi nguyện vọng thì tài khoản của thí sinh sẽ tự khóa. Trường hợp đăng ký trực tiếp, nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng phải trực tiếp đến trường hủy nhập học trước khi xác nhận nhập học nguyện vọng mới.

Công bố phổ điểm, trả hồ sơ học sinh khi thay đổi nguyện vọng

Đây là hai điểm bất cập của mùa tuyển sinh trước tại Hà Nội dẫn tới xáo trộn mạnh, phụ huynh gặp phiền hà, kéo dài thời gian tuyển sinh. Vì thế năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội quy định học sinh đã nộp hồ sơ nhập học, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ.

Các nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ và xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, đồng thời thực hiện thao tác hủy nhập học trên hệ thống phần mềm. Trường hợp học sinh có nguyện vọng chuyển trường sang tỉnh, TP khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường, không xóa tên học sinh trong danh sách trúng tuyển.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định sau khi có kết quả thi sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm thi, dự kiến điểm chuẩn và tiến hành xét duyệt điểm chuẩn. Các trường sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả thi của thí sinh cùng một thời điểm và trước 1 ngày của đợt tuyển sinh thứ nhất. Cụ thể dự kiến công bố phổ điểm vào ngày 17-6 và công bố điểm thi của thí sinh và điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào ngày 20-6.

Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc xác định nguyện vọng phù hợp để nhập học, tránh tình trạng nộp rồi lại rút hồ sơ nhiều lần.

Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng "hay quên" và bài thi trắc nghiệm Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng 'hay quên' và bài thi trắc nghiệm

TTO - Theo các thầy cô giáo dạy THCS thì học sinh lớp 9 vẫn còn lơ đãng, nhiều cái nếu không 'cầm tay chỉ việc' các em dễ quên hoặc hiểu không đến nơi đến chốn. Từ thực tế nhiều năm, các giáo viên lưu ý thí sinh những chuyện cần chú ý.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên