Nhưng bên cạnh những trang thật, có quá nhiều trang lừa đảo với chiêu trò tinh vi để moi thêm tiền người vốn đang khó khăn, cần việc làm.
Người lao động đăng ký tuyển dụng sẽ không được phỏng vấn trực tiếp, thay vào đó phải thực hiện các bước online, như cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, rút tiền theo chỉ dẫn để rồi có người mất hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Đi tìm việc mà sợ bị lừa tiền
Vừa tốt nghiệp đại học, N.T.H. (trọ ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) muốn tìm việc làm thêm để trang trải học tiếp văn bằng hai. Nhưng sau nhiều lần đăng ký tuyển dụng, H. sợ hãi nói: "Em không dám đăng ký nữa!".
Chúng tôi ngạc nhiên, H. liền giải thích: "Khi đăng ký tuyển dụng, họ bắt mình cài app rồi nạp tiền. Phải qua khảo sát online, làm các bước nhiệm vụ mới được vào vòng phỏng vấn trực tiếp.
Để "mồi" người nạp, họ hứa hẹn số tiền thu lại sẽ cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số tiền đã nạp. Nhưng dù có nạp bao nhiêu, số tiền trong app nhiều mấy cũng không thể nào rút được".
Dẫn chứng, H. mở app trò chuyện cho chúng tôi xem từng đoạn chát với nhóm lừa đảo. Cô tự nhủ mình may mắn hơn các nạn nhân khác vì... không đủ tiền nạp, nên chỉ mất 800.000 đồng!
Ban đầu H. không nghĩ bị lừa, cho rằng vì không đủ tiền nạp tiếp nên không qua được vòng phỏng vấn. Nào ngờ khi tìm hiểu thông tin ở các trang cảnh báo lừa đảo, rất nhiều người đã dính bẫy lừa y như H..
Chị N.T.T., nhân viên kế toán ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, vẫn còn bị ám ảnh vì: "Vừa mất tiền lại vừa bị đe dọa. Giờ đi tìm việc cũng sợ lắm, cứ nghĩ công ty lớn, hóa ra toàn bọn lừa đảo giả mạo".
Mất hơn 136 triệu đồng vẫn không có việc
Chúng tôi liên lạc với Đ.N.N., ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. N. là một trong số nạn nhân mới bị lừa mất số tiền khá lớn, lên tới 136.198.000 đồng.
"Chúng lấy thông tin trên CV tuyển dụng của tôi còn lưu trên mạng, rồi mạo danh công ty cổ phần viễn thông F... gửi mail cho tôi. Công việc rõ ràng với mức lương hấp dẫn, cộng thêm địa chỉ và logo ba màu - thương hiệu của F... nên tôi không nghi ngờ gì", N. cho biết.
Nội dung thư yêu cầu N. tải app Telegram về điện thoại, thực hiện khảo sát trước khi phỏng vấn. Trong Telegram, một phụ nữ xưng là cán bộ nhân sự của tập đoàn F... chát "nắn" tinh thần N.: "Vòng khảo sát để đưa công ty lên top đầu và xem thái độ, trách nhiệm của ứng viên có đạt yêu cầu hay không".
N. phải thực hiện các bước nhiệm vụ, thực tế là nạp tiền vào tài khoản của Công ty Minh Chính do chúng tạo ra.
Hướng dẫn trực tiếp cho N. là nhân viên tên Tùng. Người này khích lệ tinh thần cô và nói buổi khảo sát vẫn được tính lương 200.000-300.000 đồng. Và Tùng tiếp tục "mồi" bằng các quy định mua đơn hàng để "chạy" dự án doanh thu cho công ty và tinh thần trách nhiệm của ứng viên...
Đơn hàng đầu N. đăng ký là 8.500.400 đồng, mức thấp nhất. "Họ thuyết phục đóng tiền xong là hoàn thành khảo sát, sẽ nhận được thư đến văn phòng phỏng vấn trực tiếp và ký hợp đồng thử việc. Nhưng đóng xong mức 1, họ lại yêu cầu đóng mức 2, mức 3 để hoàn thành các nhiệm vụ của công ty", cô ngậm ngùi cho biết mình bị rơi vào bẫy lừa rất nhanh.
N. phải nạp lần hai với số tiền tới 25.830.400 đồng, nhưng vẫn không thấy tiền về tài khoản như thông báo ban đầu. Nghi ngờ nên cô muốn dừng nạp thì nhân viên liền dọa: "Không nạp tiếp sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và không rút được tiền".
"Nạp xong lần hai, tôi biết là lừa đảo, nhưng không biết làm cách nào. Họ thay nhau hết mời chào rồi ép nạp tiếp mới lấy lại được tiền. Tôi như bị thôi miên, càng muốn lấy lại tiền càng cố gắng nạp, càng mất thêm.
Tôi nạp xong lần ba, cuối cùng té ngửa vì vẫn không thể lấy lại một xu. Chúng đổ thừa do tôi nhập sai lệnh nên bị lỗi hệ thống, không hoàn thành nhiệm vụ", N. bức xúc kể.
Tin nhắn cuối cùng cô nhận được là: "Do không hoàn thành nhiệm vụ, mời bạn ra khỏi nhóm, tài khoản của bạn không thể thực hiện lệnh rút tiền. Hồ sơ sẽ bị hủy".
Trường hợp N.T.T., ở Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, bị mất số tiền gần 100 triệu đồng với cách thức lừa đảo tương tự. Một người lạ gọi điện giả mạo nhà tuyển dụng CMC, mời T. đăng ký và thực hiện khảo sát, nạp tiền trong nhóm telegram.
Còn nạn nhân Đ.L.D., ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, đăng ký tuyển dụng làm thêm online, cũng bị đưa vào nhóm Telegram "làm nhiệm vụ", mất số tiền 46 triệu đồng.
Muôn kiểu lừa tuyển dụng việc làm
Hiện nay, đối tượng lừa đảo rải tin tuyển dụng khắp các trang mạng với đủ mọi ngành nghề. Chúng copy bản tin tuyển dụng của các công ty, thương hiệu nổi tiếng và sửa mức lương hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên đăng ký.
Chỉ cần gõ tên trang "việc làm full-time, part-time", "tìm việc làm part-time Hà Nội", "tuyển dụng - tìm việc làm tại Hà Nội", "tìm việc làm thêm cho sinh viên tại Hà Nội", "Tuyển dụng việc làm full - part-time tại Hà Nội, TP.HCM, Việt Nam"... sẽ có hàng trăm bản tin tuyển dụng "rởm" đăng tải mỗi ngày xen lẫn một số tin thật.
Có kinh nghiệm xin việc làm từ khi còn sinh viên, cô N.T.H. nghi ngờ mức lương cao bất thường trong các bản tin tuyển dụng. "Bình thường sinh viên làm thêm chỉ 15.000-25.000 đồng/giờ, họ báo lương 50.000-70.000 đồng/giờ là vô lý rồi.
Làm full-time, part-time cũng để lương cao 200.000-500.000 đồng/ngày. Thấy lương cao, ai cũng muốn đăng ký đi làm nhưng nhắn tin thì chúng đưa vào Telegram rồi đều bắt nạp tiền", H. cho biết.
Lướt trên các trang mạng, H. dễ dàng phát hiện các bản tin tuyển dụng kiểu lừa đảo. Loại tin này cũng chạy quảng cáo để liên tục xuất hiện, thậm chí còn nhiều hơn bản tin tuyển dụng thật.
Bản tin tuyển dụng của các công ty bị copy nội dung vị trí tuyển, chế độ lương, logo, địa chỉ để cho người lao động tin là tuyển thật. Hoặc công ty tuyển dụng thật đã hết hạn tuyển thì sửa thành còn hạn để mời chào.
Ngoài ra, họ còn tìm các CV (hồ sơ tuyển dụng online) của người lao động đã đăng tải tìm việc trước đó để lấy số điện thoại, địa chỉ email để gọi điện, gửi thư mời chào tuyển dụng.
Rất nhiều người "dính bẫy" vì nghe quảng cáo việc nhẹ, vị trí, mức lương hấp dẫn. Tuyển dụng không thu phí nhưng phải đóng tiền để làm "nhiệm vụ" mua sản phẩm, chạy doanh thu cho công ty.
"Khi đã lọt vào nhóm telegram của bọn chúng thì khó thoát, nhất là khi đã đóng một khoản tiền. Vì khi đó chỉ muốn lấy lại tiền, mà càng muốn lấy càng mất thêm", nạn nhân H. khẳng định.
Bộ Thông tin và Truyền thông nêu các phương thức lừa đảo trực tuyến phổ biến đang diễn ra ở Việt Nam, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Lừa đảo tuyển CTV online.
Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".
Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,...
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.
Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook...
************
Có một công thức lừa đảo được các nạn nhân rút ra: gọi video + tuyển dụng qua Zalo + tải app Telegram + nộp tiền trước/ "nhiệm vụ" mua hàng = lừa đảo.
>> Kỳ 2: Chiêu trò nhóm lừa đảo trên Telegram
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận