13/02/2023 09:27 GMT+7

Tuyển dụng khởi động trầm lắng

Đầu năm thường là thời điểm tuyển dụng sôi động nhất nhưng năm nay nhiều doanh nghiệp sản xuất không treo biển tuyển dụng rầm rộ như mọi năm.

Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) đăng thông tin tuyển dụng sau tết trước trụ sở công ty - Ảnh: VŨ THỦY

Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) đăng thông tin tuyển dụng sau tết trước trụ sở công ty - Ảnh: VŨ THỦY

Không ít doanh nghiệp vẫn đang chờ tình hình kinh doanh chuyển biến tốt hơn, đơn hàng sẽ dồi dào hơn trong thời gian tới.

Ghi nhận nhanh tại Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM), chỉ có khoảng 10 công ty để thông báo tuyển dụng với nhu cầu từ vài chục, 100 - 300 lao động. 

Trong khi vào thời điểm sau tết của những năm trước, hầu hết các công ty đều dán thông báo, treo biển tuyển dụng để "mời gọi".

Chưa có nhu cầu tuyển dụng

Liên hệ với bộ phận bảo vệ một nhà máy sản xuất thiết bị nhà bếp, nhân viên bảo vệ cho biết năm nay công ty vẫn chưa có thông báo tuyển dụng như mọi năm. 

"Khi nào có thông tin tuyển dụng công ty sẽ dán thông báo ngay cổng để bảo vệ nhận hồ sơ rồi chuyển cho bộ phận nhân sự. Năm nay đơn hàng ít nên chưa thấy thông báo gì", anh bảo vệ nói.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - giám đốc nhân sự một công ty dệt may tại Khu công nghiệp Tân Bình - cho biết đến thời điểm hiện tại ngành dệt may nói chung vẫn trong tình trạng thiếu đơn hàng. 

So với các công ty dệt may làm việc với đối tác châu Âu, dù lượng khách hàng khá lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và công ty của ông vẫn có lượng đơn hàng ổn định từ hai thị trường này nhưng hiện chỉ đáp ứng 85% năng lực vận hành của nhà máy.

"Trước mắt, công ty chưa có nhu cầu tuyển dụng. Có thể phải từ quý 3 trở đi, khi đơn hàng dồi dào hơn, ngành may mặc nói chung mới tuyển dụng nhiều hơn. 

Công ty chúng tôi từng có kế hoạch mở thêm nhà xưởng ở Vĩnh Long với nhu cầu tuyển khoảng 1.500 lao động nhưng hiện chưa có đơn hàng nên cũng chưa bắt đầu tuyển dụng công nhân cho xưởng mới", ông Tuấn cho biết thêm.

Ghi nhận sau kỳ nghỉ tết, nhiều công ty trong lĩnh vực may mặc, da giày cũng mở cửa muộn hơn so với mọi năm vì chưa có đơn hàng. 

Chủ tịch công đoàn một công ty da giày tại quận Bình Tân có khoảng 52.000 lao động cho biết người lao động ở công ty này đi làm lại sau tết thành hai đợt, mỗi đợt 50% do không có đơn hàng.

Cũng đơn vị này trước tết, do tình hình đơn hàng nên buộc phải sắp xếp cho khoảng 20.000 công nhân nghỉ luân phiên, hưởng lương 180.000 đồng/ngày nghỉ (từ ngày 1-12-2022 đến hết tháng 2-2023). Do đó, khi trở lại làm việc sau tết, nhiều người lao động vẫn tiếp tục phải nghỉ luân phiên vào các thứ bảy hằng tuần.

Tương tự, kỳ nghỉ tết của công nhân Công ty TNHH may mặc S.N (quận Bình Tân) năm nay cũng dài hơn mọi năm. 

Mặc dù hiện công ty vẫn có một lượng hàng tương đối và so với mặt bằng chung của ngành may là khá ổn, nhưng so với các năm trước dịch, lượng đơn hàng vẫn giảm sút. 

"Nếu các năm trước đơn hàng có thể tính đến tháng 9 của năm thì năm nay chỉ có thể tính ngắn hạn đến chừng tháng 4, tháng 5 thôi", chủ tịch công đoàn công ty này thông tin thêm.

Nhân sự ít biến động

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tình hình lao động năm nay sẽ có sự ổn định hơn so với mọi năm. 

Tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau tết tại các doanh nghiệp lên đến 95%. Trong đó, 100% doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) đã hoạt động trở lại bình thường với 95% lao động quay trở lại làm việc.

"Thời điểm sau tết là mùa lao động thường nhảy việc. Nhưng năm nay có thể nói là năm nhân sự công ty ít biến động hơn hẳn so với mọi năm. 

Người lao động phần lớn đều quay trở lại làm nên công ty cũng không có nhu cầu tuyển dụng mới mà chỉ tuyển dụng bù", ông Trần Thanh Sơn - phụ trách tuyển dụng của một công ty may mặc tại quận Bình Tân - cho hay.

Tuy nhiên so với trước tết, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đáng kể. Nhiều công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng với quy mô từ vài chục đến vài trăm nhân sự. 

Tại Khu công nghiệp Tân Bình, nhà máy An Phước đăng tuyển 500 công nhân may, ủi đồng thời nhận đào tạo tay nghề cho công nhân may mới với mức thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. 

Nhiều công ty khác cũng đăng tuyển công nhân vận hành máy, công nhân điện tử, công nhân chế biến thực phẩm với mức thu nhập từ 6,5 - 10 triệu đồng/tháng.

Ông Hoàng Xuân Thái - chủ tịch công đoàn Công ty FAPV (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) chuyên sản xuất linh kiện - cho biết công ty cũng đang đăng tuyển 200 công nhân nữ để mở rộng sản xuất và bù đắp lao động nghỉ việc trước tết với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

"Công ty có nhiều chế độ đãi ngộ để tuyển dụng lao động mới. Nếu là người lao động từ tỉnh xa lên, công ty sẽ hỗ trợ tiền vé xe cho công nhân, đồng thời có ký túc xá và xe đưa rước công nhân", ông Thái chia sẻ.

Hai kịch bản tình hình tuyển dụng

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự báo cầu nhân lực (số lao động có việc làm) của TP.HCM năm 2023 sẽ khoảng 4,550 - 4,562 triệu lao động.

Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Cục Thống kê TP.HCM, trung tâm đưa ra hai kịch bản cho nhu cầu nhân lực.

Nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 280.000 - 300.000 chỗ làm việc (trong đó quý 1 cần khoảng 72.000 - 79.000 chỗ làm).

Nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn tiến tích cực, TP.HCM có nhu cầu tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhu cầu nhân lực sẽ khoảng 300.000 - 320.000 chỗ làm việc (trong đó quý 1 cần khoảng 79.000 - 87.000 chỗ làm).

Sẽ vẫn thiếu và khó tuyển dụng lao độngSẽ vẫn thiếu và khó tuyển dụng lao động

Ngày 21-12, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã đến làm việc với hai doanh nghiệp tại TP.HCM về tình hình cắt giảm, tuyển dụng lao động thời điểm hiện tại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên